Dân Việt

Vì sao hội diễn nghệ thuật không có chỗ cho một làn điệu quan họ?

Hoài Dương 21/09/2015 11:55 GMT+7
Trên Facebook cá nhân của nhạc sĩ Đức Miêng - nhạc sĩ tài hoa của miền quan họ Bắc Ninh, vừa chia sẻ, trong lần đi chấm thi hội diễn ca múa nhạc quần chúng huyện Quế Võ gần đây, ông đã rất ngạc nhiên và buồn khi trong gần 100 tiết mục của 19 đơn vị đã trình diễn tại hội thi lại không có bất cứ một tiết mục quan họ nào.

Quế Võ là huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh, quê hương của làn điệu quan họ đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể đại diện nhân loại, vậy vì sao một hội diễn nghệ thuật quần chúng được tổ chức quy mô, công phu như thế lại không có chỗ cho một làn điệu quan họ?

Nhạc sĩ Đức Miêng cũng đem băn khoăn này đi hỏi một vài nơi có trách nhiệm thì câu trả lời là do thiếu kiểm tra chỉ đạo công tác chuyên môn. Với những người yêu quan họ, nỗi buồn ở đây không chỉ nằm ở sự thờ ơ các cơ quan chức năng mà cả ở chỗ vì sao quan họ lại thiếu sức sống ở chính cái nôi của nó? 

img

Ảnh minh họa (nguồn Internet).

Dân ca quan họ là một trong 7 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đại diện cho nhân loại được UNESCO công nhận từ năm 2009. Khỏi phải nói tỉnh Bắc Ninh cũng như các địa phương khác có di sản được tôn vinh đã phải công phu chuẩn bị hồ sơ như thế nào, hồi hộp chờ đợi ra sao và vỡ òa niềm vui thế nào khi nét văn hóa đặc sắc của mình được công nhận trở thành di sản cấp thế giới.

Rõ ràng, việc công nhận giá trị của các di sản đã có tác động rất tích cực, niềm tự hào, ý thức bảo vệ của người dân với di sản được nâng cao hơn. Đó cũng là mục đích mà UNESCO hướng tới khi thực hiện việc công nhận di sản.

Mỗi lần đón bằng công nhận di sản, các địa phương đều tổ chức rất rầm rộ bằng những buổi lễ lớn, với những lời phát biểu vô cùng tâm huyết của các vị quan chức, các chuyên gia. Họ nói về ý nghĩa của di sản văn hóa, về các văn bản quản lý di sản đã và cần được ban hành, về các đề tài khoa học, dự án quy hoạch nhằm khôi phục, bảo tồn, khai thác và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

img

Ảnh minh họa

Thực tế cũng đã chứng minh không ai có thể giữ gìn di sản văn hóa tốt hơn, hiệu quả hơn chính chủ nhân của các loại hình di sản văn hóa ấy. Ðể duy trì sức sống cho di sản văn hóa, trước hết, các di sản ấy phải được bảo tồn như nó vốn có, được người dân thừa nhận ngay trong chính đời sống của cộng đồng. Vì thế, một hội diễn nghệ thuật quần chúng hàng năm mà không hề có tiết mục quan họ đã khiến nhiều người cảm thấy quan họ đã bị bỏ quên ngay trên quê hương của nó. 

Theo GS.TS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể không chỉ gắn bó với các chủ thể văn hóa mà còn hòa quyện vào không gian sinh thái - nhân văn, nơi chúng được sáng tạo ra và đang hiện diện, tiến diễn trong đời sống đương đại của cộng đồng.

Việc bảo tồn di sản cần có sự quan tâm và kết hợp chặt chẽ của cộng đồng gồm 3 chủ thể: người thực hành di sản, người thụ hưởng di sản và người quản lý di sản. Vậy thì rõ ràng ở đây, cả 3 chủ thể này đã thờ ơ với di sản. Theo đánh giá của Bộ VHTT&DL, hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng còn nhiều bất cập.

Nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể vẫn còn ở mức báo động. Nhất là khi cuộc sống xã hội ngày càng sôi động, không gian dành cho các loại hình văn hóa truyền thống ngày càng thu hẹp hoặc bị thay đổi.

Trong bối cảnh đó, ứng xử với di sản văn hóa thế nào vẫn là một câu chuyện dài, đòi hỏi ý thức trách nhiệm từ nhiều phía. Câu hỏi đặt ra là, bảo tồn, phát huy giá trị di sản ra sao khi chính các chủ thể của di sản, bao gồm cả người thực hành di sản, người thụ hưởng di sản và người quản lý di sản vẫn còn thờ ơ?