Mường Xén vẫn còn ngổn ngang, bề bộn bởi những bãi bùn dày tới gần 2m, hàng trăm cây cổ thụ gãy đổ, nhà cửa, đồ đạc chất đầy đường... Và tại đây, có những con người bỗng chốc trở thành vô gia cư, bởi tất cả tài sản đã bị cuốn trôi theo dòng nước xiết. Kể từ bây giờ và không biết đến bao giờ, cái đói, cái nghèo sẽ đeo đẳng những con người bất hạnh nơi núi rừng biên cương xứ Nghệ.
Một số đoạn đường ở Mường Xén vẫn còn như... đầm lầy. |
Thoáng chốc thành tay trắng
Tuyến đường quốc lộ 7A từ Tương Dương đi Kỳ Sơn vẫn còn ách tắc do bị sạt lở nghiêm trọng, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm lên với Kỳ Sơn, nơi có những con người đang sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”.
Sau nhiều giờ đồng hồ “bò” trên đường, chúng tôi có mặt tại thị trấn Mường Xén trong cảnh ngổn ngang, bề bộn do trận lũ quét để lại. Dọc các ngả đường, hàng trăm con người với vẻ mặt thất thần, đôi mắt thẫn thờ nhìn xuống con sông Nậm Mộ ngầu đục và đầy vẻ hung dữ, nơi đã nuốt chửng toàn bộ căn nhà và đồ đạc của họ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Kỳ Sơn, toàn huyện có 110 căn nhà bị nước cuốn trôi, đồng nghĩa với việc chừng ấy gia đình trở thành vô gia cư, tay trắng.
Chị Ngô Thị Huệ ở khối 1, thị trấn Mường Xén không giấu được sự tủi thân và những dòng nước mắt khi kể lại sự việc: “Trưa ngày 25.6, nước bất ngờ dâng cao, vợ chồng tôi chỉ kịp chạy ra đường, rồi nước tràn đường. Chừng 5 phút sau, nhà bị ngập đến mái, xiêu dần rồi trôi theo nước lũ. Trước cảnh nhà cửa, đồ đạc bị cuốn trôi, vợ chồng tôi và nhiều người khác chỉ biết đứng nhìn, hoàn toàn bất lực”.
Sau phút giây im lặng, chị Huệ chợt bật lên những tiếng nấc nghẹn ngào: “Vợ chồng chắt chiu làm ăn trong hơn 20 năm mới dựng được ngôi nhà, sắm được một ít đồ đạc gọi là có giá trị, vậy mà chỉ trong mấy phút nước cuốn đi sạch, nền đất thì sạt gần hết. Không biết từ đây, gia đình phải sống thế nào nữa, rồi lấy chi để lo cơm áo, sách vở cho mấy đứa trẻ...”.
Cùng với những gia đình bị trôi mất nhà cửa, vợ chồng chị Huệ được bố trí ở tạm thời tại trụ sở ủy ban huyện. Nhưng hầu như suốt mấy ngày nay chị quẩn quanh nơi nền cũ ngôi nhà bị lở chỉ còn hơn 1/3 diện tích, bởi trong đống bùn đất dày hơn 1m để mong tìm những gì còn sót lại. Càng bới càng vô vọng, bởi lẫn trong bùn đất chỉ còn một ít... gạch vụn.
Bên cạnh nhà chị Huệ, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Dung cũng chịu chung số phận. Khi lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tiền, gạo, bà Dung òa lên nức nở: “Thế là không còn nhà cửa nữa các chú ơi, mất sạch hết rồi...”.
Khó khăn đợi chờ
Tính riêng ở khu vực thị trấn Mường Xén có gần 50 hộ bị mất hoàn toàn nhà cửa, đồ đạc, hiện phải tạm trú tại các cơ quan, trường học và gia đình người thân. Đi dọc các tuyến đường, trong sự bộn bề, ngổn ngang do trận lũ để lại, có những con người đầy vẻ mệt mỏi, tiều tụy bởi những ngày qua đã gồng mình chống chọi.
Ngồi trên chiếc phản kê tạm ven đường, chị Vi Thị Mai than thở: “Gia đình tôi không còn một thứ gì. Hội Phụ nữ huyện vừa hỗ trợ một ít gạo nhưng không biết làm thế nào để nấu. Mà tôi cũng chẳng buồn ăn, hai hôm nay chưa ăn một thứ gì. Nghĩ về cuộc sống, tương lai mà ngán ngẩm quá chú ạ!”.
Điều khiến chúng tôi vô cùng day dứt là khi chứng kiến cảnh cậu bé Lô Văn Phong ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ thơ thẩn đứng cạnh miệng vực sâu hoáy bên bờ dòng Nậm Mộ. Dường như cậu bé này vẫn chưa tin nổi nơi đây từng là ngôi nhà thân thương, đầm ấm của gia đình mình, nay chỉ còn sót lại những tảng đá dùng để kè móng dựng nhà. Rồi cậu lại nhìn quanh những ngôi nhà hàng xóm, và tất cả đều tan hoang, không còn một thứ gì có giá trị. Phong như đang mải suy nghĩ tới cảnh khó khăn, vất vả đang chờ đợi gia đình trong những tháng ngày sắp tới.
Hiện nay, tuyến quốc lộ 7A từ Tương Dương đi Kỳ Sơn đang ách tắc bởi sạt lở và hư hỏng nặng, hầu hết các tuyến đường liên xã ở Kỳ Sơn đều bị đứt đoạn nên nhiều xã vẫn còn mất liên lạc. Vì vậy, việc thống kê thiệt hại và chỉ đạo khắc phục hậu quả còn gặp rất nhiều khó khăn.
Trước những thiệt hại nặng nề của bà con nhân dân, UBND huyện Kỳ Sơn quyết định hỗ trợ các gia đình bị cuốn trôi nhà cửa 10 triệu đồng/hộ, các gia đình có nhà bị sập và hư hỏng nặng 5 triệu đồng/hộ. Đồng thời, quyết định xuất một khối lượng lương thực lớn để cứu đói trước mắt cho những gia đình bị mất sạch nhà cửa, đồ đạc.
Sáng 28.6, trong buổi làm việc với lãnh đạo địa phương, ông Phan Đình Trạc - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An quyết định hỗ trợ thêm cho các gia đình bị thiệt hại và phát động phong trào “Hướng về đồng bào Kỳ Sơn”.
Để chống chọi và gượng lên sau cơn lũ dữ, người dân biên giới Kỳ Sơn rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đùm bọc, sẻ chia từ các nhà hảo tâm và toàn thể cộng đồng. Hãy giúp những con người như bà Dung, chị Huệ, bé Phong vững tin vào cuộc sống, vào tương lai...
Công Kiên