Dân Việt

Ai được đóng bảo hiểm xã hội?

29/06/2011 15:54 GMT+7
(Dân Việt) - Hỏi: Tại nơi tôi làm việc, một số nhân viên kế toán, tiếp thị chỉ ký hợp đồng dịch vụ (không phải hợp đồng lao động) nên không được công ty đóng BHXH và không được tham gia công đoàn... Đề nghị luật sư cho biết, việc ký hợp đồng như vậy có đúng quy định của pháp luật hay không và pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?(Nguyễn Sỹ Long,quận 7, TP.HCM)

Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời:

Điều 26 Bộ luật Lao động (BLLĐ) quy định: "Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động".

Theo Nghị định 44/2003/NĐ, "doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp khi sử dụng lao động phải thực hiện giao kết HĐLĐ (điểm a khoản 1 Điều 2); không áp dụng HĐLĐ đối với thành viên hội đồng quản trị (hoặc hội đồng thành viên của doanh nghiệp); cán bộ chuyên trách công tác Đảng, công đoàn, thanh niên trong doanh nghiệp nhưng không hưởng lương của doanh nghiệp; (điểm d, điểm e khoản 2 Điều 2)".

Theo quy định tại mục I.1 điểm a Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22.9.2003 hướng dẫn thi hành một số điều Nghị định 44/2006/NĐ- CP quy định: "… Hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên đến dưới 12 tháng phải ký kết bằng văn bản…". Căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên, trừ các trường hợp ngoại lệ, doanh nghiệp sử dụng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên phải ký HĐLĐ và thực hiện việc đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động.