Cổ động viên chán “vi-nát”
7-8 năm trước, trước mỗi vòng đấu Ban tổ chức lại lo ngay ngáy. Những điểm nóng như sân Lạch Tray (Hải Phòng), Thiên Trường (Nam Định), Vinh (SLNA)… luôn bị đặt vào tình trạng báo động.
HLV Trần Bình Sự (giữa) cho rằng VFF, VPF không dám xử lý tiêu cực ở V.League. Ảnh: Minh Hoàng
Đến ngay cả sân Hàng Đẫy của Hà Nội ACB, Hà Nội T&T vốn thường đìu hiu cũng trở nên sôi động lạ thường mỗi khi Hải Phòng hay SLNA lên Thủ đô làm khách. Đã có rất nhiều sự cố xảy ra: “Mưa vật thể lạ”, pháo sáng, vỡ sân, cổ động viên (CĐV) va chạm với nhau và với lực lượng an ninh… xuất phát từ cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của những người trong cuộc.
Nhưng suy cho cùng, người ta có thích, có mê thì mới dẫn tới những hành động bột phát ấy. Anh Trần Văn Hoàn – một CĐV nhiệt thành của bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá đất Cảng nhiều năm qua chia sẻ: “Chúng tôi rất nhớ không khí tại V.League 2008. Ngày đó đội bóng ra sân là chơi máu lửa, tưng bừng khiến các CĐV rất hưng phấn. Bây giờ thì khác quá rồi, CĐV có ai muốn thể hiện cảm xúc nữa đâu, mà làm gì có cảm xúc gì để thể hiện”.
Dẫn chứng mà anh Hoàn nêu ra là khi cảm nhận thấy đội nhà “có mùi” trong chuyến làm khách của XSKT.Cần Thơ (Hải Phòng thua 1-2 – PV) ở vòng 18, các CĐV đã căng băng-rôn đề nghị VFF, VPF và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những biểu hiện bất thường, nhưng họ không được ai lắng nghe, để ý. “Thôi thì “bỏ qua vi-nát, theo sát bóng đá trẻ” vậy” - anh Hoàn cho biết.
Tương tự như CĐV Hải Phòng, CĐV SLNA cũng đã từng bày tỏ thái độ vô cùng bức xúc, mong muốn VFF vào cuộc điều tra sau khi đội bóng xứ nghệ bất ngờ thua chủ nhà HAGL 1-3 ở vòng 22. Bản thân ông Nguyễn Hồng Thanh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA thời điểm cách đây 1 tháng cũng thừa nhận SLNA đã không chơi hết mình khi bày tỏ: “Chỉ do cái tính thương người mà ra nông nỗi này. Đúng là “một mất mười ngờ”, rất khổ!”. Biết thế, nhưng VFF, VPF cũng làm ngơ, mặc kệ sự bức xúc, lo lắng cho bóng đá nước nhà của các CĐV!
Giơ cao đánh khẽ
"Một giải đấu không được CĐV tin yêu, người nói cứ nói, người làm cứ làm theo cách của mình, không vì mục đích chung thì thật khó phát triển”. |
Nhìn lại cả mùa giả V.League 2015, trao đổi với NTNN sáng qua, huấn luyện viên (HLV) Trần Bình Sự của Đồng Nai bày tỏ: “Không thể phủ nhận những mặt tích cực của “hiện tượng” HAGL mùa giải này. Họ đi đến đâu là hút được CĐV ở đó. Trận “chung kết ngược” giữa chúng tôi và họ ở vòng 23 chật kín sân với hơn 2,5 vạn người. Bên cạnh đó, Bình Dương vô địch xứng đáng với lực lượng hùng hậu. Hà Nội T&T xếp á quân vẫn chứng minh được đẳng cấp, Thanh Hóa, Than Quảng Ninh được nhà tài trợ đầu tư tốt lần lượt xếp hạng 3 và 4. Đồng Nai rớt hạng cũng xứng đáng thôi, kết quả như vậy là đúng”.
Theo ông Sự, điều đáng tiếc nhất ở mùa giải năm nay là những biểu hiện tiêu cực ở những vòng đấu cuối: “VFF, VPF nói tuyên chiến với tiêu cực rất mạnh nhưng khi sự việc xảy ra lại không dám xử lý. Khi đã nương nhẹ với đội này thì đương nhiên không thể xử mạnh đội kia dẫn đến tình trạng lộn xộn, vô kỷ luật”. Theo ông Sự, khi mà bản thân CĐV Hải Phòng, SLNA còn bày tỏ sự nghi ngờ về chính đội bóng của mình, còn VFF, VPF vẫn khẳng định “không có tiêu cực” và chỉ nhắc nhở qua loa thì sẽ khiến CĐV nói chung và các đội bóng khác mất niềm tin.
Chưa có báo cáo tổng kết mùa giải, nên ông Phạm Ngọc Viễn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) chỉ đánh giá chung chung và đầy... né tránh: “Thành công lớn nhất của mùa giải năm nay là về mặt chuyên môn. So với các mùa giải trước, việc hạn chế ngoại binh đã tạo điều kiện cho các cầu thủ nội, các cầu thủ trẻ có cơ hội thể hiện mình. Điều này phù hợp và tốt cho các đội tuyển Việt Nam thời điểm này. Còn về những hạn chế cuối mùa, có một số đội bóng đã hết động lực phấn đấu nên các cầu thủ chơi giữ chân, không hết mình”.