Nơi đây có rất nhiều hộ dân là cựu thanh niên xung phong từng là lính phục vụ trong binh đoàn 11 khi xưa. Cùng đi chiến trường như nhau, cùng cống hiến sức lực, tuổi trẻ cho sự nghiệp bảo vệ đất nước nhưng khi trở về cuộc sống hòa bình thì mỗi người một số phận.
Người thì chồng con êm ấm nhưng cũng có người cô quạnh đến tận khi tóc đã nhiều sợi bạc. Mải miết ở chiến trường, khi trở về họ mới giật mình nhận thấy mình đã “quá lứa nhỡ thì”, những người phụ nữ này vẫn phải tự đứng lên làm cây cột trụ. Tuổi xuân đi qua một cách chóng vánh, "tuổi băm, tuổi bốn" xồng xộc ào tới khiến nhiều chị em cảm thấy choáng váng, mất thăng bằng nhưng họ vẫn phải đứng vững để trở thành nóc nhà cho chính bản thân và cho gia đình mình. Với những người phụ nữ này, sự khắc nghiệt của cuộc sống thường nhật còn cay đắng hơn khi chiến đấu ở chiến trường.
Trong số hơn 30 chị em là cựu thanh niên xung phong của Binh đoàn 11 sống ở khu dân cư số 10 thì có đến 1/3 là sống đơn chiếc. Mỗi con người một số phận, một cuộc sống khác nhau nhưng họ đều chung nhau cảnh vò võ một mình.
Trở về với cuộc sống thường nhật nơi thành thị, những nữ thanh niên xung phong khi xưa dường như phải gắng sức nhiều hơn, vất vả nhiều hơn để tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Người làm phu nề, người nhặt ve chai, cũng có người là điều dưỡng viên chăm sóc các cụ già. Tất cả các chị đều phải tự kiếm tìm cuộc sống và tự xây đắp cho mình một tổ ấm.
Người ta có đủ vợ, đủ chồng mà cuộc sống còn nhiều bộn bề lo toan với muôn vàn khó khăn. Thế mà những nữ thanh niên xung phong sống ở khu dân cư số 10 này đều một thân, một mình lo cuộc sống gia đình. Nhiều chị lại bị tai nạn lao động hoặc các di chứng chiến tranh để lại, cuộc sống thực là một cuộc vật lộn mòn mỏi.
Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng nhiều chị em vẫn cố gắng vượt qua, chấp nhận cuộc sống đơn giản như một sự an phận. Nhưng không phải ai cũng có được cuộc sống bình yên. Có đến thì mới biết, cuộc sống của những chị em ở khu dân cư số 10 vẫn còn nhiều muộn phiền mà họ phải âm thầm mang chở không một lời than trách.
Hoàn cảnh gia đình chị Thu, một trong số những người sống đơn thân ở đây sẽ khiến không ít người cảm thấy xót xa bởi cuộc sống của chị là chuỗi những tháng ngày cơ cực. Trở về sau nhiều năm cống hiến ở chiến trường, lúc có thời gian nghĩ đến hạnh phúc bản thân thì chị Thu đã bước qua tuổi 30. Nhìn tuổi thanh xuân của mình đi qua một cách vội vã nhưng chị vẫn phải chấp nhận.
Sinh sống ở giữa chốn thành thị, đô hội, chị Thu phải gắng gượng hết mình để kiếm tìm cuộc sống. An phận với cuộc sống đơn chiếc, chị hiểu rằng, chẳng ai có thể giúp mình có được cuộc sống vui vẻ hơn ngoài chính bản thân. Và rồi chị có một đứa con trai cho riêng mình như một lối thoát hạnh phúc cho tương lai. Một mình nuôi con, một mình xây đắp gia đình bé nhỏ, chị Thu cũng đã được an ủi phần nào khi bên mình có được đứa con do chính mình sinh ra.
Cuộc sống của hai mẹ con chị Thu cứ thế trôi qua trong sự đơn giản. Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường giúp chị có được bản lĩnh vững vàng và mạnh mẽ nên dù cuộc sống thường nhật có rất nhiều khó khăn nhưng chị vẫn đứng vững. Đứa con trai của chị ngày một lớn lên và thật mừng khi nó rất thương mẹ. Hai mẹ con chị Thu dựa vào nhau sống và an phận với những gì mình có.
Có nhiều lúc, chị Thu tự động viên bản thân mình rằng, dù sao chăng nữa, trong tương lai không xa, mình sẽ có được đứa con trai đi lấy vợ và sinh con. Lúc đó, chị sẽ thành bà nội, vui vẻ bên những đứa cháu… Như vậy là đã quá viên mãn. Và một nửa sự thật như chị Thu mong đợi đã thành sự thật, đứa con trai của chị đã lấy vợ.
Gia đình nhỏ của chị Thu có thêm người, thêm tiếng nói, tiếng cười và thêm niềm hạnh phúc. Lúc này, chị Thu đã nghĩ tới một tương lai tươi sáng, một cuộc sống mà bấy lâu nay chị ước ao. Hạnh phúc viên mãn mà chị ước mong từ lâu đang ở rất gần chị và gia đình…
Nhưng rồi, cuộc sống chẳng đơn giản như suy nghĩ, bỗng nhiên đứa con trai của chị Thu đổ bệnh. Căn bệnh lao phổi nặng đã giết chết mọi hy vọng của chị Thu cũng như của tất cả các thành viên trong gia đình. Đứa con mà chị dành bao nhiêu công sức ấp ủ, nuôi nấng và là tương lai của chị đang phải đối diện với bệnh tật.
Lúc đứa con phải nhập viện, chị Thu bàng hoàng biết được con mình có bệnh trong người nhưng trước đó nó chẳng bao giờ nói với gia đình. Chị cũng cay đắng nhận ra rằng, đứa con mình đã biết bản thân mắc bệnh từ lâu nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên nó đã cố tình giấu mọi người. Và bây giờ, khi không thể đứng vũng được nữa thì nó mới miễn cưỡng nhập việc trong sự cầu xin của mẹ và vợ.
Vốn kinh tế gia đình rất khó khăn, thu nhập chẳng là bao nên khi con nhập viện chị Thu chẳng biết xoay xở ở đâu ra tiền để trả viện phí. Nhìn đứa con quặn lên từng hồi bởi sự cắn xé của căn bệnh quái ác, lòng chị Thu như có dao cắt từng khúc ruột. Chị ước mong sao mình có thể gánh bệnh thay con, chịu thay cho nó những cơn đau, giá được như thế chị còn cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Khi nghe bác sĩ bảo rằng, để chữa lành bệnh cho con phải mất vài trăm triệu, nhìn gia cảnh của mình, chị Thu bất lực hoàn toàn. Chị đã nghĩ tới việc bán đi căn hộ của gia đình những cũng chẳng ai thèm ngó ngàng tới vì nó quá bé lại là nhà chung.
Vậy là chị bế tắc trong việc kiếm tiền chạy chữa cho con. Nhìn đứa con trai mà chị hy vọng bấy lâu nay quằn quại trên giường bệnh, lòng chị Thu đau lắm. Nhưng lúc này, chị Thu đã chẳng thể làm gì, chị đầu hàng số phận nghiệt ngã, lòng chị thặt lại từng khúc khi nhìn vào đứa con đang chết dần chết mòn của mình bởi căn bệnh quái ác…
Chật vật cuộc sống giữa chốn phồn hoa
Mỗi người một hoàn cảnh, người nghèo, người đỡ nghèo, những cựu nữ thanh niên xung phong khi xưa sống ở khu dân cư số 10 phải dựa vào nhau để sống. Đến với nhà chị An, một trong số những người có cuộc sống ấm êm nhất xóm, tôi mới nhận thấy một điều: quan niệm cuộc sống đầy đủ với những người phụ nữ này thật giản đơn.
Có lẽ, cả cuộc đời sống trong sự thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần nên các chị đã quen với sự khó khăn và chật vật. Chị An quê ở Thái Bình, những năm tháng tuổi xuân là những ngày tháng rong ruổi khắp Bắc Thái, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, rồi sang Lào chịu mưa rừng gió núi khai thác nứa, làm đường…
Hòa bình lập lại, trở về với cuộc sống thường ngày, những người bạn cùng trang lứa của chị đều đã chồng con đề huề. Nhìn vào bản thân mình thấy vẫn còn côi cút, đôi lúc chị tự cảm thấy chạnh lòng, tủi hổ. An phận cuộc sống đơn thân nhưng khao khát làm mẹ vẫn luôn cháy bỏng trong trái tim của chị. Và rồi, đứa con nhỏ đã ra đời sau bao tháng ngày mong ngóng.
Nhưng khi có con, giữa chốn thành thị đông đúc, không người ruột thịt, không tiền bạc… cuộc sống của hai mẹ con chị trở nên cô quạnh và cùng cực. Đã có lúc chị nghĩ đến sự kết thúc, định ẵm con ra bờ sông cùng quyên sinh. Nhưng khi thấy tiếng trẻ khóc, suy nghĩ của chị bỗng chững lại. Chị lại quyết tâm sống, quyết tâm vươn lên kiếm tìm cuộc sống không chỉ cho riêng mình mà cho cả đứa con bé nhỏ.
Làm thuê, làm mướn đủ nơi, đủ chỗ, cuộc sống của hai mẹ con chị An trôi qua trong sự thiếu thốn. Chật vật kiếm tìm sự sống giữa chốn phồn hoa, không ít lần lòng chị rối bời mệt mỏi. Chị cảm thấy quá sức với công việc mưu sinh ở thành thị nhưng nghĩ về gia đình, nghĩ về tương lai của đứa con nhỏ, chị lại gắng sức đứng lên.
Và rồi, những ngày sống trong thiếu thốn cứ thế trôi qua. Cuộc sống của mẹ con chị An héo hắt vì ngoài tiền lương hưu, chị hầu như chẳng có thêm thu nhập gì. Bản thân chị bị đau ốm luôn, sức lực chẳng có nhiều nên cũng không thể làm thêm, làm mướn được nhiều. Đứa con trai của chị còn nhỏ, chỉ năm thì mười họa hai mẹ con mới có bữa cơm với vài miếng thịt kho mặn…
Với số tiền lương hưu ít ỏi, chị An đã phải đi làm điều dưỡng viên để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Hai mẹ con chị phải chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, chật vật. Với chị, mưu sinh giữa chốn thành đô náo nhiệt thật mệt mỏi.
Đã có lúc chị muốn về quê tìm một cuộc sống mới thanh bình hơn, giản dị hơn. Nhưng nghĩ về tương lai đứa con mình, chị lại cố gắng trụ lại. Cuộc sống thành thị có nhiều chật vật, khó khăn nhưng nó tạo ra nhiều cơ hội trong tương lai. Chị An nghĩ vậy và chị đã cố hết sức để duy trì cuộc sống gia đình mình ở chốn phù hoa, huyên náo…