Cung cấp thuốc ARV tại Trung tâm Điều trị Methadone ở quận Lê Chân (TP.Hải Phòng). Ảnh : D.N
Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa phải họp bàn tìm giải pháp cung ứng thuốc ARV cho người có HIV. Theo ông Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), bệnh nhân điều trị ARV lâu dài có khả năng giảm 95% khả năng lây nhiễm sang người khác. Do đó, sử dụng thuốc ARV là biện pháp hữu hiệu giúp HIV không lây lan rộng ra cộng đồng, giúp người có HIV khỏe mạnh, có thể lao động, sống có ích, không phụ thuộc vào gia đình và xã hội.
Theo ông Long, Bộ Y tế đang tính toán để đưa ARV vào thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, từ nay đến tháng 6.2016 vẫn cấp miễn phí ARV cho các đối tượng có nhu cầu từ nguồn viện trợ và Chương trình mục tiêu HIV/AIDS. Còn từ tháng 7.2016, BHYT bắt đầu chi trả cho thuốc ARV. Người HIV sẽ phải đồng chi trả (từ 0-20% tùy đối tượng) tiền thuốc và các chi phí điều trị khác. Ước tính năm 2016, số tiền BHYT mua thuốc ARV khoảng 40 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2017 sẽ tăng lên 90 tỷ đồng.
Theo ông Long, hiện mới có khoảng 30% người có HIV có thẻ BHYT, trong khi đó hầu hết họ đều mất sức lao động, đời sống khó khăn. Ông Long đề xuất: “Để người HIV có cơ hội điều trị ARV, tránh lây lan sang cộng đồng thì nên hỗ trợ mua thẻ BHYT cho tất cả người có HIV. Ngoài ra giảm mức đồng chi trả viện phí, thuốc của các bệnh nhân này”.
Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, những người nhiễm HIV thuộc các đối tượng nghèo, người thuộc vùng dân tộc thiểu số, khó khăn đã được hỗ trợ 100% mệnh thẻ BHYT. Một số tỉnh cũng đã hỗ trợ 100% đối với người cận nghèo, trong đó có người có HIV. Tuy nhiên cũng cần có các giải pháp hỗ trợ cao hơn đối với đa số người nhiễm HIV.
Bộ Y tế cũng đề xuất sử dụng phương thức mua sắm tập trung thuốc ARV để kiểm soát giá thuốc, đảm bảo cung ứng đầy đủ chủng loại, chất lượng thuốc cho các cơ sở điều trị cho người có HIV.