Nhiều vấn đề, giải pháp đã được các lãnh đạo, chuyên gia ngành nông nghiệp, người chăn nuôi đưa ra tại hội thảo giải pháp phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức sáng 23.9.
Nhiều bất cập trong liên kết chuỗi
TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: “Chăn nuôi chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, nền chăn nuôi đang bộc lộ nhiều điểm yếu dù đã bàn nhiều về tái cơ cấu để nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh”.
TS Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia chia sẻ về liên kết chuỗi trong chăn nuôi. Ảnh: M.T
Theo ông Thông, với hàng rào thuế quan giảm đi, cơ chế hội nhập, giá cả và chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm... vừa là rào cản cũng là thách thức cho ngành chăn nuôi khi mở cửa. Trong thực tế muốn hạ giá thành chăn nuôi, việc tổ chức liên kết là yêu cầu cấp bách. Trong đó, yếu tố an toàn thực phẩm luôn luôn quan trọng. Vì vậy, nếu các sản phẩm không liên kết, không an toàn, người tiêu dùng là người quyết định sử dụng hay không các sản phẩm này. Trong thực tế, khi tình hình khó khăn thì những mô hình liên kết luôn chứng tỏ bền vững hơn...
Theo TS Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, chăn nuôi theo chuỗi giá trị là hình thức tổ chức phổ biến hiện nay trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hình thức này đảm bảo các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, đảm bảo điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Trong đó, quan trọng là sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Ở Việt Nam hiện nay, quá trình phát triển chăn nuôi theo liên kết chuỗi giá trị còn rất nhiều bất cập như cơ chế, chính sách, chưa có chế tài quản lý chặt chẽ. Một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và cùng chia sẻ quyền lợi với người chăn nuôi. Vì thế mối liên kết và tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn do tính làm ăn nhỏ lẻ, rủi ro và chưa chuyên nghiệp.
Đại diện chủ doanh nghiệp San Hà chia sẻ kinh nghiệm: Khi áp dụng mô hình chuỗi liên kết, mỗi cá nhân trong đó phải hiểu rõ vai trò của họ trong chuỗi là gì. Chuỗi này cũng cần thông tin về sản phẩm, cá nhân… để kết nối với các doanh nghiệp. Khi đó các sản phẩm sẽ bán được giá tốt. Nhiều sản phẩm không được thông tin, truyền thông tốt nên người tiêu dùng vẫn e ngại.
Báo động về chất cấm trong chăn nuôi
Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, thời gian qua khi có nhiều tin tức về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã khiến giá thịt lợn trên thị trường giảm. Trong 8 tháng đầu năm 2015, ở phía Bắc phát hiện 3 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có 6 mẫu chứa chất cấm Salbutamol. Ở phía Nam, tại 4 cơ sở sản xuất kinh doanh ở tỉnh Đồng Nai có 17/84 mẫu nước tiểu lợn dương tính với chất cấm.
Dù đã có các thông tư, nghị định về quản lý, giám sát, sản xuất các loại chất cấm và Bộ luật Dân sự có điều khoản xử phạt nhưng tình hình vẫn còn nhiều bất cập. Trước kia chất cấm chỉ xuất hiện trong các cơ sở nhỏ lẻ thì nay đã có ở các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, thậm chí trong hệ thống chăn nuôi của vài tập đoàn lớn; báo động hơn là một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đã quay lại bán chất cấm này.
Anh Trần Văn Minh ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai)- nông dân nuôi lợn bức xúc: “Người nuôi lợn chân chính như chúng tôi luôn thiệt thòi. Không dùng chất cấm thì thương lái ép giá. Khi báo chí đưa tin thì giá lợn của chúng tôi nuôi cũng bị giảm theo. Người nuôi lợn muốn làm thật cũng khó quá”.
Theo Cục Chăn nuôi, việc bùng phát tình trạng trên do công tác tuyên truyền, kiểm tra chất cấm còn lơ là, tư tưởng hám lợi của người chăn nuôi bất chính, thương lái ép người chăn nuôi sử dụng. Đặc biệt là tình trạng lỏng lẻo trong quản lý chất cấm. Nhiều đại biểu, doanh nghiệp cho rằng phải kiểm soát chặt và xử lý nặng đơn vị nào dùng chất cấm, khi đó mới “trong sạch hóa” thị trường chăn nuôi.
Theo TS Nguyễn Văn Bắc (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) lo lắng: “Tại Mỹ, người dân bây giờ chê lợn siêu nạc, thích mỡ nên nuôi tới 140kg/con mới xuất chuồng. Trong khi ở Việt Nam, người tiêu dùng vẫn còn thích lợn siêu nạc. Bây giờ bỏ chất cấm tạo nạc, mai mốt nếu chuyển sang lợn siêu mỡ thì không biết bỏ chất gì vô nữa”. |