Dân Việt

Tôn vinh những “cây đại thụ” của bản làng

San Nguyễn 25/09/2015 13:00 GMT+7
Phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và quê hương; Gìn giữ tiếng nói, nét đẹp văn hóa nhưng kiên quyết xóa bỏ những hủ tục lạc hậu của dân tộc mình... Mỗi người mỗi việc nhưng họ thực sự góp phần làm đẹp hơn cho bản làng mình.

Phải học mới làm giàu được

img

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, hàng ngày chị Phàn Thị Thủy, dân tộc Dao, thôn Sủng Khể, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được chứng kiến ông bà, cha mẹ mình ngày nào cũng đầu tắt mặt tối trên nương nhưng cái đói, cái nghèo vẫn thường xuyên đeo bám. “Muốn xoá đói, giảm nghèo thì mình phải học những tiến bộ, khoa học kỹ thuật để áp dụng vào cuộc sống thực tiễn để phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy mà hàng năm huyện và xã tổ chức các lớp tập huấn, bản thân tôi đều tham gia để biết được các kỹ thuật cơ bản trong công tác chăn nuôi để phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; cách gieo trồng cây và trồng rừng” – chị Thuỷ nhớ lại.

Từ những kiến thức học được, chị Thuỷ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi. Trong năm 2013, gia đình chị đã chăn nuôi được 9 con trâu, 23 con bò, 4 con ngựa (3 ngựa bạch), hàng trăm con gà, lợn. Chị Thuỷ cho hay: “Mô hình chăn nuôi ngựa bạch của tôi phát triển tốt, được đánh giá là có khả năng nhân rộng, góp phần bảo tồn và phát triển đàn ngựa bạch trên địa bàn xã”. Ngoài ra, gia đình chị còn trồng 15ha rừng (chủ yếu là cây sa mộc, cho doanh thu 100 triệu đồng/năm); 5ha cỏ chăn nuôi; chè 2ha; 2,6ha ngô, 1,6ha lúa… và kinh doanh tổng hợp để tăng thu nhập...   

Với lòng tương thân, tương ái, tình đoàn kết gắn bó, chị Thuỷ đã giúp 12 hộ gia đình nuôi giẽ trâu, bò của gia đình mình; giúp đỡ, hướng dẫn các hộ gia đình cách lựa chọn giống, chăm sóc cây, con cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương.

Kiên trì xóa bỏ hủ tục

imgÔng Lâu Gia Pó, dân tộc Mông – Bí thư Đảng uỷ xã Pù Phi, huyện Mường Lát (Thanh Hoá) là một tấm gương sáng trong cuộc vận động thực hiện nếp sống văn hóa mới vùng đồng bào DTTS.

Theo tục lệ của người Mông,  người chết sau khi được tắm rửa, khâm liệm sẽ đưa lên một cái cáng đan bằng tre, hoặc nứa treo lên vách ở chính giữa ngôi nhà. Tang ma kéo dài từ 5 đến 7 ngày và phải giết nhiều trâu bò, lợn, gà để cúng tế gây tốn kém, lãng phí. Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông ở Thanh Hóa, ông Pó đã cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương  phối hợp với các bản có đồng bào Mông sinh sống xây dựng các quy ước, hương ước.

Ông trực tiếp đến từng hộ, từng dòng họ trong bản để vận động, chỉ ra cái hay, cái mới, cái tốt cho đồng bào làm theo. “Lúc đầu cũng khó khăn lắm, vì người đi trước đã làm rồi, người đi sau không làm theo là không được, bà con dị nghị, tị nạnh nhau. Nhưng mình cứ kiên trì, thuyết phục những người có uy tín trong dòng họ, rồi cứ từ từ nói dần, nói nhiều, bà con cũng bắt đầu thay đổi theo” – ông Pó chia sẻ.

Và những nỗ lực của Bí thư Pó đã có kết quả, năm 2014 đã có một đám tang người Mông đầu tiên đồng ý chôn theo nếp văn hóa mới. Riêng từ đầu năm đến nay, có 9 đám tang của người Mông ở xã Pù Nhi thực hiện nếp sống mới.

Sáng tạo chữ viết để bảo tồn văn hoá

imgNgười Chăm H’roi là một bộ phận cộng đồng người Chăm Việt Nam, định cư ở các huyện miền núi 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định. Người Chăm H’roi có một di sản văn hóa khá phong phú, nhưng việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ấy đang gặp trở ngại lớn vì chưa có chữ viết.

Để bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc mình, ông Ka Sô Liễng ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa (Phú Yên), bắt đầu mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra chữ viết cho người Chăm H’roi. “Là học trò của nhà giáo, nhà văn Ê Đê Y Điêng, từ chữ Ê Đê được học, dựa trên mẫu tự Latinh, tôi bắt đầu tìm hiểu và sáng tạo ra chữ viết cho người Chăm H’roi.

Với phương châm “muốn nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số, chỉ có chung sống với đồng bào địa phương mới làm được”, tôi đã“ăn dầm nằm dề” ở các buôn làng, ghi lại những chuyện kể, sử thi bằng chữ Chăm H’roi được sáng tạo ra rồi đọc cho già làng nghe để kiểm chứng. Cứ thế, tôi đi, viết, rồi lại kiểm chứng. Sau một thời gian, bộ chữ cho người Chăm H’roi cơ bản hoàn chỉnh, tôi bắt đầu dạy cho người dân trong các buôn và viết sách” – ông Liễng chia sẻ.

Theo thời gian nghiên cứu của ông, một số đầu sách song ngữ Việt - Chăm lần lượt ra đời như: Chi Bri- Chi Brít, Tiếng cồng ông bà HBia Lơ Đă, HBia Ta Lúi- Kalipu, Anh em Chư BLưng... Điều vui hơn, ông Liễng còn là người biên dịch và phát thanh viên đầu tiên và truyền đạt chữ Chăm H’roi cho Ban biên tập Chương trình phát thanh tiếng Chăm của Đài Phát thanh- Truyền hình Phú Yên.