Truyền thông Đức loan tin, Mỹ đang lên kế hoạch nâng cấp kho dự trữ vũ khí hạt nhân của nước này tại Đức. Theo đó, loại bom hạt nhân B61 (ảnh) sẽ được thay thế bằng B61-12s - một phiên bản mới hơn, hiện đại và chính xác hơn.
Theo Telegraph, Mỹ có ý định triển khai các loại vũ khí hạt nhân mới tới các căn cứ quân sự của họ tại Đức, làm gia tăng quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trang như thời Chiến tranh lạnh mới ở châu Âu.
Điện Kremlin đã lên tiếng cáo buộc rằng, kế hoạch của Mỹ được loan báo rộng rãi trên truyền thông Đức sẽ là "bước thúc đẩy căng thẳng gia tăng" ở châu Âu.
"Thật đáng tiếc, trong trường hợp kế hoạch này được thực hiện - và chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng họ (người Mỹ) đang tiến tới hiện thực hóa nó - thế cân bằng chiến lược ở châu Âu có thể bị phá vỡ, ông Dmitry Peskov, Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh.
Do đó, đương nhiên, những kế hoạch như vậy sẽ đòi hỏi Nga phải thực thi các biện pháp đáp trả để khôi phục lại sự đối trọng và cân bằng", ông Dmitry Peskov tuyên bố thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Phát ngôn viên tổng thống Dmitry Peskov
Đây là leo thang mới nhất trong "cuộc chiến ngôn từ" giữa Moscow và Washington. Quan hệ giữa hai nước cũng đang căng thẳng theo sau những động thái quân sự mới của Nga tại Syria mà phía Mỹ quyết liệt chỉ trích và lên án.
Trên thực tế, việc triển khai các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ tại châu Âu vốn là những vấn đề được giữ bí mật nghiêm ngặt. Tuy nhiên, có vẻ kế hoạch triển khai các vũ khí hạt nhân mới của Mỹ tại Đức đã bị rò rỉ gần đây và bị truyền thông Đức khai thác.
Theo một bản tin chi tiết của kênh truyền hình ZDF, Mỹ đang có kế hoạch thay thế 20 loại vũ khí hạt nhân được triển khai tại căn cứ không quân Büchel ở Tây Đức bằng một biến thể hiện đại hơn.
Ngoài ra, loại bom B61 hiện tại được lưu trữ ở đây cũng sẽ được thay thế bằng bom B61-12s, một phiên bản mới hơn và chính xác hơn. Một tính năng mới của B61-12s đó là có thể được bắn giống như tên lửa, trong khi phiên bản cũ B61 chỉ có thể được thả xuống từ máy bay. Điện Kremlin không nói rõ họ sẽ triển khai các biện pháp đáp trả nào.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin quân sự ở Moscow, một trong những lựa chọn đang được cân nhắc đó là Nga sẽ triển khai các tên lửa hạt nhân Iskander tới tận Kaliningrad, lãnh thổ trên biển Baltic của Nga giáp với Ba Lan và Lithuania.
"Lựa chọn này đang được xem xét. Quyết định cuối cùng sẽ được thực hiện sau khi phân tích chi tiết về các mối đe dọa tiềm tàng từ những máy bay ném bom Tornado chở bom nguyên tử B-61-12 mới ở Đức", hãng tin Interfax của Nga dẫn một nguồn tin quân sự.
Trong khi đó, về phía Mỹ, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết, ông không được phép bình luận về những chi tiết cụ thể trong kế hoạch như các vũ khí hạt nhân mới sẽ được triển khai tới đâu. Tuy nhiên, phát ngôn viên nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ không thay đổi "quan điểm" hạt nhân của nước này.
Mỹ đã giảm khoảng 90% kho vũ khí hạt nhân phi chiến lược của nước này kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, phát ngôn viên Lầu Năm góc, Trung tá Joe Sowers khẳng định.
"Trong khi đó, những loại vũ khí hạt nhân Nga giữ lại vượt quá mức Mỹ giữ lại rất nhiều. Chúng tôi vẫn đang tìm mọi cách để đàm phán với Nga nhằm đạt được một thỏa thuận có thể giải quyết vấn đề chênh lệnh giữa các kho dự trữ vũ khí hạt nhân phi chiến lược của hai nước. Tuy nhiên, đáng tiếc, đối tác chúng tôi không sẵn lòng cho những cuộc đàm phán như vậy", tờ Telegraph dẫn lời ông Joe Sowers.