Hơn nửa đời buồn, Việt Trinh như cụm khói rời, ứa ra từ nếp nhà, chưa biết gì đã ngơ ngác tan hoang giữa chiều nhiều gió… không một nơi bấu víu. Phận người thì mỏng, hạnh phúc như sương, ngỡ ngay trước mặt mà vươn tay hứng lấy rồi chới với, bước hụt, bước hao…
Việt Trinh nói: “Mùa này, nhớ má…”. Sài Gòn chỉ còn mỗi mưa xiên, cơn lạnh lẽo trở trời giống y năm đó, cái ngày má Việt Trinh dắt díu năm đứa con lên vùng kinh tế mới. Đất xa, người lạ, đường sâu hun hút, Trinh khóc ướt chân anh. Má phát quang, xới đất làm ruộng, cỏ gai cào đôi bàn tay y sỹ tươm máu. Má tự ngậm vết thương, nghe mặn đắng phận đàn bà đứt ngang sợi chỉ, tình duyên giữa chừng gãy gánh.
Hình ảnh Việt Trinh ngây thơ mặc đồng phục nữ sinh trong phim Người đẹp Tây Đô đã trở thành vẻ đẹp kinh điển
Việt Trinh kể: “Nhà chị làm ruộng trồng lúa, không có tay nuôi, lúa thất. Sáu má con ngơ ngẩn nhìn nhau. Biết rồi mai đây khổ đói giữa quê người”. Sân thênh thang, má đứng giê lúa, ánh nhìn hẫng trong bóng nắng, thấy úa rời ràn rạt, hạt lép bay tung trời. Ký ức rưng rưng, chén cơm lưng độn toàn khoai bắp, Trinh ngồi lựa từng hột cơm, ràn rụa nghe anh dằn đũa trách: “Ở Sài Gòn sướng, tự nhiên má dắt tụi con lên đây chi. Tại má mà tụi con khổ”.
Câu nói tuột ra khỏi môi không nuốt lại kịp, má ngộp thở như trúng thương. Căn chòi hắt hiu, gió vào gió ra hun hút, má khóc không thành tiếng. Má lấy hơi, nói rất nhỏ: “Ở Sài Gòn, má nuôi không nổi, sẽ có đứa phải nghỉ học”. Việt Trinh mím môi, đuôi mắt dài nhìn vào trống trải: “Má thương tụi chị như vậy, mà rồi má cũng đi”…
Má mất trên tay Việt Trinh. Trinh như người mất hồn, ngơ ngác kiếm tìm hơi thở của má còn lẩn khuất trong tóc, giữa mấy đầu ngón tay còn nóng, trên đuôi mắt héo đã lặng im, tắt lịm. Trinh lay lay má, biết đâu má tỉnh, biết đâu má mệt mỏi quá, đau đớn quá chỉ ngủ tạm chút thôi. Việt Trinh thở ra, như mới nuốt trôi một ngụm nước mắt: “Má nhiều lần chết lâm sàng trên tay chị. Người ta kích tim, má sống lại. Má nói chết giống như đi ngủ thôi, ngủ say. Mà lần này chắc má ngủ quên, gọi mãi không tỉnh nữa”…
7 ngày trong bệnh viện, 7 ngày níu kéo sự sống cho má dần trở nên vô vọng. Trinh thường nhìn dãy hành lang bệnh viện xa hút, xanh xao, nghĩ: “Có bao nhiêu người sống, bao nhiêu người thở hơi cuối cùng tại nơi này”.
Cuộc sống càng nhiều tai ương, niềm tin càng mỏng mảnh. Việt Trinh dỗ đời mình bằng những giấc chiêm bao, bằng triết lý nhà Phật về nghiệp báo, sống còn. Việt Trinh bình thản: “Hồi xưa chị sợ chết lắm, giờ hết rồi. Chết có gì đau đớn đâu”. Nghe Trinh nói, tự nhiên nhớ câu thơ đầy ám ảnh: Có cái chết nào không đau người ở lại – Thèm được chết một lần. Người ta sống cuối cùng là cho mình, hay cho người khác? Những mối dây nhợ, ràng rịt huyết thống đôi khi là lý do khiến ai đó đớn đau, muốn thôi, nằm xuống cho rồi … mà không thể chết. Tang thương kiệt quệ, trước kia Trinh sống vì mẹ, và giờ là sống vì con…
Việt Trinh trong phim Sương gió biên thùy
Việt Trinh nuôi con một mình. Căn nhà nhỏ réo rắt tiếng nói cười phụng phịu của Nhân. Chị nuôi con, tiếc từng lúc Nhân lật khơi khơi trên tấm chiếu, lúc Nhân đứng bằng mười ngón chân nhỏ như cái nút áo, lúc Nhân níu tay mẹ buồn thiu: “Người khác đi làm, không phải mẹ đi làm, mẹ ở nhà chơi với Nhân”. Cũng may còn có con trên đời…
Hơn 20 năm danh vọng phù hoa, cuốn Việt Trinh vào những hư hao, mất mát. Phận người thì mỏng, hạnh phúc như sương, ngỡ ngay trước mặt mà vươn tay hứng lấy rồi chới với, bước hụt, bước hao… Mắt Việt Trinh trong veo, giọng êm êm nghe đâu đó lại đầy những vết hằn buồn tủi: “Đời chị, chưa bao giờ biết trọn vẹn là gì”. Có vài cuộc tình Trinh đã chọn lấy sự yên thân, mà xui rủi như mưa gió trái mùa ngoài kia, hốt nhiên ập ngay trước cửa không điềm báo. Một lần, rồi hai lần, … hoảng sợ chất chồng, chạm đâu cũng thấy buồn, ngó đâu cũng thấy đổ vỡ chực chờ.
Hỏi Việt Trinh, giờ còn đau nữa không? Chị cười bất lực: “Còn chớ. Chị là diễn viên mà, hết đau, hết buồn, hết rung động làm sao diễn được nữa. Chị nhớ nghề lắm em ơi…”. Không biết là rủi hay may, khi hơn nửa đời Việt Trinh buồn như một hơi thở cuối lại vẫn còn run rẩy, xốn xang, đau nhói trước cuộc đời.
Việt Trinh luôn cười, nụ cười buồn như nước mắt; có thứ nước mắt câm như lá khô rơi, xước người ta đau thắt, úa nhàu; rồi từng chiếc, từng chiếc lặng thầm rã tan vào đất…
Giữa cơn bão phim hài, phim kinh dị khuấy đảo mùa lễ hội cuối năm, Việt Trinh lại mạnh dạn "tái xuất" trong một tác phẩm điện ảnh về tình cảm gia đình, tình yêu và sự hy sinh chủ yếu đánh vào tâm lý người xem. "Hãy ẵm em ra biển" sau được đổi tên thành "Trót yêu" liệu có đủ sức một lần nữa khẳng định tên tuổi chưa bao giờ tàn lụi của "ngọc nữ không tuổi" - Việt Trinh? "Trót yêu" được dự kiến ra mắt vào ngày 16.10 sắp tới. |