Dân Việt

Ruộng bậc thang vào hội

Hà Thu 25/09/2015 08:14 GMT+7
Tuần Văn hóa du lịch Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Hà Giang) khai mạc ngày 24.9. Một hoạt động đáng chú ý trong tuần lễ này- công bố quyết định xếp hạng văn hóa phi vật thể quốc gia cho lễ hội Qua Năm (dân tộc Dao).

Ngắm ruộng, xem lễ hội

Đến Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín (tháng 9-10 hàng năm), du khách sẽ thấy đâu đâu cũng là những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng, kéo dài từ đỉnh núi này sang núi nọ, trải dài xuống tận khe suối. Những thửa ruộng vàng uốn lượn theo các địa hình tạo nên một cảnh tượng vô cùng đẹp mắt và quyến rũ.

img

Thu hoạch lúa trên ruộng bậc thang tại xã Nậm Dịch, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ảnh: LHT

Từ khi ruộng bậc thang được công nhận là danh thắng cấp quốc gia, huyện Hoàng Su Phì luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát triển diện tích ruộng độc đáo này. Hiện trên địa bàn huyện có tổng diện tích ruộng bậc thang hơn 3.000ha, tập trung chủ yếu tại các xã như Bản Luốc, Bản Phùng, Hồ Thầu, Thông Nguyên...  

Tuần Văn hóa du lịch Ruộng bậc thang được tổ chức nhằm quảng bá vẻ đẹp của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì trong mùa lúa chín, đồng thời giới thiệu những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao.

Ông Thèn Ngọc Minh- Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Đây là lần đầu tiên Tuần Văn hóa du lịch Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được tổ chức quy mô lớn với nhiều hoạt động đặc sắc, mà trọng tâm là lễ công bố quyết định xếp hạng văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Qua Năm của dân tộc Dao xã Hồ Thầu. Bên cạnh đó là hàng loạt chương trình nghệ thuật dân gian và tái hiện lễ hội Qua Năm để du khách phương xa tới có thể hình dung được đời sống văn hóa tinh thần vô cùng đặc sắc của bà con các dân tộc trong huyện”.

Đặc sắc Qua Năm

Lễ hội Qua Năm (theo tiếng của đồng bào Dao là “Quỹa Hiéng”) đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là lễ hội thờ cúng tổ tiên trong các tộc họ của người Dao, nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người khoẻ mạnh. Theo định kỳ thường niên, lễ hội được tổ chức tại nhà các trưởng tộc trưởng họ như một dịp để củng cố tinh thần cố kết cộng đồng hướng về cội nguồn của người Dao.

Ngoài ra, mỗi gia đình người Dao vào dịp cuối năm âm lịch cũng tổ chức lễ hội này. Lễ hội gồm 2 phần- lễ và hội. Phần lễ được tổ chức vào ngày cuối của năm cũ tại gian giữa của gia đình. Khi đó, người ta tập hợp anh em, con cháu trong dòng họ và mời một số bạn bè thân thiết, các chức sắc của địa phương đến dự lễ.

Sau khi kết thúc các nghi thức cúng tế, mọi người tham gia vào các trò hội như ăn uống, tiệc tùng, hát giao duyên, thi tài sử dụng nhạc cụ và các trò chơi dân gian như vật chày, nhảy lửa, bói lồng gà... Cuộc chơi kéo dài từ đêm tới sáng.

Cũng trong tuần văn hóa du lịch này, trong 2 ngày 25- 26.9, nhiều hoạt động sôi nổi cũng được tổ chức như: Lễ cúng thần rừng và các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Nùng (múa ngựa giấy, hát giao duyên, đánh yến, đu quay, bắn nỏ…) tại xã Pố Lồ; lễ mừng cơm mới và quy trình làm cốm nếp của dân tộc La Chí tại xã Bản Phùng; trình diễn lễ hội Gầu Tào và các hoạt động văn hóa dân gian dân tộc Mông (hát ống, múa khèn Mông, chế tác nhạc cụ, thêu thổ cẩm của dân tộc Mông…) tại xã Bản Péo; các tiết mục văn hóa, văn nghệ dân gian người Dao áo dài (múa cầu tự, tế trời, nhảy bói…) tại xã Bản Luốc; hội chọi dê huyện Hoàng Su Phì lần thứ 4 năm 2015 và lễ hội Trăng rằm tại thị trấn Vinh Quang. 

 Tại Trung tâm VHTTDL huyện Hoàng Su Phì sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Triển lãm ảnh nghệ thuật về thiên nhiên, con người và các hoạt động sinh hoạt, lao động sản xuất; trưng bày các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, các sản phẩm nông - lâm sản chế biến tại địa phương và giới thiệu các món ăn truyền thống của địa phương.