Dân Việt

Tổng thống Obama tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình thế nào?

Phương Đăng 25/09/2015 19:30 GMT+7
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói lời chào bằng tiếng Quan Thoại (ngôn ngữ chính được sử dụng ở Trung Quốc) - "ni hao" - khi tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhà Trắng ngày 24.9 (theo giờ địa phương).

img

Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình trao đổi với nhau khi đi bộ về phía Nhà Blair, khu nhà khách đối diện Nhà Trắng.

Theo hãng tin AFP,  hai nguyên thủ Trung, Mỹ đã mở đầu cho chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Washington bằng cách tản bộ đi dọc theo đại lộ Pennsylvania tới Nhà Blair - khu nhà khách đối diện Nhà Trắng.

Cuộc gặp gỡ theo nghi thức đơn giản đó được kỳ vọng sẽ giúp làm giảm bớt những căng thẳng được dự kiến là sẽ bao trùm các cuộc đối thoại song phương về nhiều vấn đề bất đồng giữa hai cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới.

img

Tổng thống Obama ra tận xe đón Chủ tịch Tập Cận Bình và nói lời chào ông Tập bằng tiếng Quan Thoại "ni hao" (Xin chào!).

Chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ đang căng thẳng bởi vấn đề Biển Đông cũng như “cuộc chiến” thương mại giữa hai nước ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt là việc phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng để đánh cắp các bí mật kinh tế và xâm nhập vào các hệ thống chính phủ của nước này.

Các vụ tấn công mạng nhắm vào Mỹ đã tăng đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái (theo công bố mới nhất của FBI) và phía Trung Quốc bị cho là “thủ phạm hàng đầu”.

Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng còn ra tận xe để đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Nhà Trắng. Ngày 25.9 (giờ Mỹ), ông Tập được chào đón bằng nghi thức bắn 21 phát đại bác cùng bữa dạ tiệc theo nghi thức nhà nước tại Nhà Trắng. Thực đơn dạ tiệc gồm có tôm hùm Maine sốt bơ hoặc món cừu Colorado.

Trợ lý cao cấp của Tổng thống Obama, ông Ben Rhodes tiết lộ, cả hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ đã trao đổi những quan điểm mang tính xây dựng cao nhất trong bữa ăn tối riêng tại Nhà Trắng này.

"Họ (Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình) đã bày tỏ các quan điểm mang tính xây dựng nhất trong bữa ăn tối riêng tư. Và những quan điểm (của ông Obama và ông Tập) rất khác nhau. Và đó một trong những lý do tại sao tôi cho rằng, các cuộc đàm thoại song phương là cần thiết và quan trọng vì nó mang lại cơ hội để giải quyết tất cả những vấn đề này", ông Ben Rhodes nhấn mạnh.

Hai nhà lãnh đạo Trung, Mỹ sẽ đàm thoại trong phòng Bầu dục, trước khi có buổi họp báo chung.

img

Tổng thống Mỹ Obama đón chào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Washington bằng nghi lễ bắn 21 phát đại bác, một cuộc họp cấp cao, buổi họp báo chung và quốc yến chiêu đãi.

Trước đó, trong bài phát biểu khi tới Seattle hôm 22.9, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra đề xuất 4 điểm về phát triển mối quan hệ nước lớn kiểu mới giữa Trung Quốc và Mỹ.

Cụ thể hai bên cần hiểu đúng các mục đích chiến lược của nhau; tăng cường hơn nữa sự hợp tác cùng có lợi; giải quyết những bất đồng một cách thỏa đáng và tích cực tìm kiếm thêm những điểm tương đồng; và cuối cùng là thúc đẩy các cuộc giao lưu nhân dân. Chủ tịch Trung Quốc cũng cảnh báo rằng sự bất đồng, xung đột sẽ dẫn tới thảm họa.

Trong khi đó, về phần Mỹ, Tổng thống Obama từng công khai cảnh báo Trung Quốc rằng, nếu Bắc Kinh không xử lý triệt để nạn tin tặc, Washington có thể áp đặt trừng phạt kinh tế đối với nước này.

"Đây là vấn đề đặt ra những cản trở lớn trong quan hệ song phương. Chúng tôi đã sẵn sàng tiến hành những biện pháp chống trả nếu sự việc không được giải quyết", ông chủ Nhà Trắng phát biểu ngày 15.9.

Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Mỹ đang có lợi thế hơn trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, các cuộc đàm thoại giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ "không đi đến đâu" và quan hệ Trung - Mỹ sẽ không thể đạt những bước đột phá lớn sau chuyến công du tới Washington của ông Tập.

Tuy nhiên, cả hai bên dự kiến công bố một số thành tựu khiêm tốn như cam kết hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu, những luật lệ mới để giảm nguy cơ đối đầu trên không ở vùng châu Á - Thái Bình Dương, tiến bộ trong quan hệ đầu tư song phương.