Ca ghép tạng đặc biệt và hoàn hảo
Chiều 25.8, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) làm lễ chúc mừng bệnh nhân Trần Ngọc Hải (ghép gan) và bệnh nhân Nguyễn Văn Hải (ghép tim) ra viện.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh nhân Trần Ngọc Hải có tiền sử viêm gan B nhưng không điều trị. Bệnh nhân phát hiện ung thư gan từ năm 2014 và được chỉ định ghép gan ngày 4.9. Ca mổ kéo dài 12 tiếng. Đến nay, chức năng gan và lượng dịch mật của bệnh nhân tốt. Sau ghép gan 3 tuần, bệnh nhân chính thức được xuất viện.
Người cùng được nhận nguồn tạng từ TP.HCM chuyển ra Hà Nội với ông Trần Ngọc Hải là anh Nguyễn Văn Hải mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim, rối loạn nhịp tim từ năm 2014. Bệnh nhân được ghép tim từ người cho chết não sau một ngày nằm viện.
“Đến nay, sau 3 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân Hải đã ổn định, tự thở, tự ăn ngủ tốt, tự vận động đi lại và sinh hoạt cá nhân”, ông Sơn cho hay.
Hai bệnh nhân được ghép tạng xuyên Việt (bên tay trái) được ra viện
Đánh giá về hai ca ghép này, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết, đây là 2 trường hợp ghép tạng đặc biệt nhất. Bởi thời gian vận chuyển tạng trên chặng đường dài nhất từ trước tới nay (từ TP.HCM ra Hà Nội).
Ông Quyết cũng chia sẻ: “Tôi tin rằng hai ca ghép tạng này sẽ thành công mặc dù nguồn tạng được vận chuyển rất xa nhưng nhờ sự phối hợp rất tốt từ các bệnh viện nên ca ghép đã thành công”.
Đặc biệt, đối với ca ghép gan cho bệnh nhân Hải, các bác sĩ chỉ mất 7 tiếng rưỡi, trong khi đó thế giới phải mất 10 tiếng. Điều đó, chứng tỏ kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam không thua kém thế giới.
Cũng có mặt chia vui cùng các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức và hai bệnh nhân được ghép tạng, TS. BS Dư Thị Ngọc Thu – GĐ Trung tâm Điều phối tạng - Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Đây là hai ca bệnh rất may mắn, có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Từ khi bắt đầu có nguồn tạng cho đến khi vận chuyển và đặc biệt là quá trình ghép tạng, các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện ca ghép quá hoàn hảo”.
Còn PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, người trực tiếp ghép tim cho bệnh nhân cho biết: “So với các bệnh nhân trước đây, anh Hải (bệnh nhân ghép tim) bệnh rất nặng. Thời gian chuẩn bị để ghép cho bệnh nhân chỉ có hơn 1 ngày. Hơn nữa, thông thường, trước đây, khi ghép chuyển tim từ người hiến sang người ghép chỉ mất 15 phút, nhưng lần này vận chuyển mất rất nhiều thời gian.
“Hiện tại, chúng tôi đã có hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống, sinh hoạt và lao động đối với các bệnh nhân sau khi ra viện. Bởi vậy, bệnh nhân có thể yên tâm”, PGS. Ước cho hay.
Còn hàng trăm nghìn người mong chờ sự sống
GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, mỗi ngày Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có từ 2-3 bệnh nhân chết não. Một năm hơn 11.000 người tử vong do tai nạn giao thông có thể hiến tạng. Tuy nhiên, 5 năm qua, bệnh viện chỉ có 25 người hiến tạng do chết não.
“Đây là điều đáng tiếc, khi bệnh viện có đủ khả năng để cứu chữa người bệnh. Người bệnh vẫn còn cơ hội sống, nhưng bác sĩ phải “bó tay” bởi không có nguồn tạng ghép”, GS.TS Trịnh Hồng Sơn nói.
Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết, hiện nguồn tạng tại Việt Nam đang khan hiếm
GS Sơn, người trực tiếp tham gia ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức vừa qua cũng cho hay: Khi chết não, các cơ quan trong cơ thể sẽ nhanh chóng hoại tử, chết theo. Điều này đồng nghĩa với việc không thể kéo dài sự tồn tại của người bệnh như sống thực vật như mọi người từng nghĩ. Trong khi đó, sống thực vật là não chưa chết, bệnh nhân hôn mê sâu, không giao tiếp được. Bệnh nhân có thể sống lâu, thậm chí tới hàng chục năm.
“Khi đã chết não, sớm muộn, các bộ phận tạng cũng sẽ bị phân hủy thì tại sao không hiến tạng cho những người đang cần. Một người chết não có thể cho tim, gan, thận… cứu sống nhiều người một lúc”, GS Sơn nhắn nhủ.
Do đó, vị Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người mong người dân có cái nhìn đúng về việc hiến tạng. Những gia đình không may có người bị chết não hãy hiến tạng để cứu sống nhiều người khác.
“Tại sao gia đình có người chết não không hiến tim, gan, phổi, thận để các bác sĩ ghép cho các bệnh nhân khác? Một lá gan có thể ghép cho 2 đến 3 cháu bé…”, GS Sơn nói.
Chia sẻ với phóng viên, anh Trần Ngọc Hải (bệnh nhân được ghép gan) cho biết, anh rất bất ngờ vì được bác sĩ thông báo có người hiến tạng. Lúc đó, cả nhà đều đi làm nên anh bắt xe ôm đến thẳng bệnh viện để làm thủ tục. “Tôi rất tin tưởng vào các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức nên không ngần ngại, một mình đến bệnh viện. Chuẩn bị ghép gan, tôi mới thông báo cho vợ. Thật sự, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào về trình độ ghép tạng Việt Nam”, anh Hải nói. Tiếp lời chồng, vợ anh Trần Ngọc Hải chia sẻ: “Tôi và gia đình rất cảm ơn bệnh viện, cảm ơn người hiến tạng. Đến thời điểm này, mỗi khi nghĩ đến người cứu sống chồng mình, tôi lại rơi nước mắt”. |