Dân Việt

Văn học trẻ chờ “tưới tắm”

Hoàng Thi 26/09/2015 08:14 GMT+7
Sau 22 năm kể từ lần thứ nhất được tổ chức, Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội mới diễn ra lần thứ 2 (từ ngày 24 đến 26.9). Chính vì thế, những người viết trẻ đã mang đến hội nghị rất nhiều mong muốn, khát khao...

Thẳng thắn bày tỏ

Hôm 24.9, phần lễ tiết và chuyên môn của hội nghị đã diễn ra tại Khách sạn Công đoàn Quảng Bá, Hà Nội với gần 100 đại biểu. Đại biểu chủ yếu là những người trẻ dưới 40 tuổi, đang làm việc ở các cơ quan báo chí, xuất bản, nghiên cứu, giảng dạy… tại Hà Nội. Không hẳn được tròn trịa các ý kiến phát biểu do thời gian dành cho trao đổi, chia sẻ trong hội nghị khá gấp rút. Nhưng các tác giả trẻ cũng đã thể hiện nhiều hướng suy nghĩ hay những nhìn nhận khác nhau của mình quanh thực tế hoạt động văn chương. Hội nghị nhờ thế, sau không khí hơi… “ỉu” buổi sáng, đến chiều đã sôi động hơn.

img

Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội.  Ảnh:   Hoàng Thi

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến gợi mở một số vấn đề, đề tài lớn lao, tầm vóc của đất nước, của Hà Nội và mong các cây viết trẻ có sự đầu tư cho mảng nội dung này. Nhưng nhà thơ trẻ Du Nguyên lại cho rằng: “Không nên áp đặt khi chúng tôi có những câu chuyện riêng của mình”. Hoặc như chia sẻ của nhà văn trẻ Đỗ Nhật Phi thì: “Văn chương không nên là công cụ nào hơn công cụ thể hiện bản thân mình. Hà Nội đối với tôi là từ 1995 đến giờ, Hà Nội bằng tuổi tôi. Chúng tôi không thể mong đợi sẽ viết về Hà Nội như nhà văn Nguyễn Khải hay các nhà văn thế hệ trước”.

 Nhà văn, nhà biên kịch trẻ Huệ Ninh khi nói về những khó khăn trầy trật của người viết, có ví dụ trường hợp cầm bản thảo tiểu thuyết của mình đi 5 NXB nhưng đều bị từ chối, hoặc người ta bảo dày quá khó bán, hoặc người ta đề nghị tác giả tự bỏ tiền in... Ngược lại, tác giả trẻ Mai Sơn thì cho rằng: “Tôi cũng tưởng tác phẩm của mình hay lắm, nhưng cuối cùng cũng chỉ như văn sĩ Hộ trong “Đời thừa” của Nam Cao mà thôi. Có những cuốn sách có lời giới thiệu bằng… một cái tên với “kính thưa” các loại học hàm, học vị, nhưng chỉ đọc được 20 trang là tôi gập lại ngay”.

Những ý kiến khác trao đổi hoặc có những trái chiều xung quanh quan niệm về cách gọi, cách nghĩ có vẻ hơi tự hạn chế mình: Nhà văn tỉnh lẻ, nhà văn địa phương; hoặc so sánh theo quan điểm cá nhân để thấy văn trẻ Hà Nội phát triển kém hơn văn trẻ TP.HCM; hoặc nỗi lo thiếu vắng những thân cây lớn, đồ sộ trong rừng văn học Hà Nội… Nhà văn viết cho thiếu nhi nhiều năm Lê Phương Liên gửi đến các tác giả trẻ một câu hỏi bà được báo chí phỏng vấn, rằng vì sao Hà Nội bao năm qua vẫn chẳng bật lên gương mặt trẻ nào viết cho thiếu nhi xuất sắc…

Muốn tốt tươi phải tưới tắm

: Hội nghị lần này là để chống “lão hóa” Hội Nhà văn Hà Nội. Hiện tại, Hội có hơn 600 hội viên thì 1/3 trên 70 tuổi, số hội viên dưới 40 tuổi chỉ khoảng 50 người. Trong đó, nhà văn Linh Lê trẻ tuổi nhất Hội là 30 tuổi”.
 Nhà phê bình  Phạm Xuân Nguyên- Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.

Làm cho văn trẻ Hà Nội nở rộ hơn, tác giả vững mạnh hơn, hăng hái hơn với những đề tài Hà Nội cũng như các vùng đất khác và cả nước, gặt hái thêm nhiều thành quả lớn chứ không sàn sàn, bình bình, đều đều… đó là những mong muốn của nhiều người. Nhưng để có được hay chớm có được những cái hơn đó, một số ý kiến cũng cho rằng, phải có những cái… hơn khác. Đó là hơn về việc bồi đắp, xúc tác, thúc đẩy. Như chia sẻ của nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên, thì Hà Nội là cái mỏ trầm tích nhưng không phải ai đến cũng đào được, mà phải có đầu tư. Phải có quỹ hỗ trợ, phát triển văn học trẻ Hà Nội để giúp cho việc sáng tác, ấn hành tác phẩm của họ được “trơn tru” hơn.

Trung tá công an Đào Trung Hiếu cho biết, trước kia công tác chính của anh là chiến đấu phòng chống ma túy, yêu văn chương nhưng chưa dám cầm bút. Nhờ có cuộc vận động sáng tác đề tài “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống” của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam, anh liều thử sức, lại được đi trại sáng tác, gặp các nhà văn và học hỏi kỹ năng nên mới hoàn thành được cuốn tiểu thuyết “Bão ngầm” giành giải A cuộc vận động.

Anh cho rằng, Hội Nhà văn Hà Nội nên có những hoạt động tương tự và mời nhiều cây bút trẻ tham gia. Còn tác giả trẻ Đậu Sĩ Nguyên thì “than thở”: “Người viết trẻ cô độc quá, lâu không được hỗ trợ gì từ bên ngoài, không có diễn đàn để chia sẻ tác phẩm, nhiều người hoang mang, loay hoay tìm cách. Cần có diễn đàn để giao lưu, có nơi gửi gắm tác phẩm để được nhận xét, góp ý…”.

Đại diện lãnh đạo TP.Hà Nội đến dự hội nghị là nhà báo Hồ Quang Lợi – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cũng nhận thấy Hội Nhà văn Hà Nội và thành phố chưa giúp được gì nhiều cho các cây viết trẻ. Ông Lợi gợi mở, Hội cần nghiên cứu đề xuất với thành phố đề làm tốt hơn công việc này. Có thể tổ chức đi thực tế, mở cuộc thi sáng tác, lập giải thưởng cho tác giả trẻ, giúp người trẻ in ấn, quảng bá tác phẩm… Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Hà Nội cũng tỏ ý quyết tâm hơn cho công cuộc vun xới những tài năng, tài hoa trong thời gian tới.