Nhà ở là tài sản có giá trị lớn và quan trọng nhất của bất kỳ người nào, ở bất kỳ quốc gia nào. Đó là nơi, nói một cách đơn giản, người chủ sở hữu cùng gia đình nghỉ ngơi mỗi tối và ban ngày thì đi làm ở đâu đó gần đó. Nói vậy để thấy rằng, nhà ở không tách rời với cuộc sống, công việc của mỗi cá nhân. Liệu có mấy ai mua nhà ở Hà Nội, nhưng lại sống và làm việc ở TP.HCM?
Theo tôi nghĩ, việc sửa đổi luật Nhà ở vừa qua thực chất là do áp lực từ nhu cầu giải phóng hàng tồn và phát triển của lĩnh vực kinh doanh bất động sản vốn đang rất khó khăn, trì trệ. Điều đó không có gì bất hợp lý, nhưng hoàn toàn chưa đủ để tạo ra một làn sóng mạnh trong nhu cầu mua nhà tại Việt Nam của người nước ngoài.
Là một luật sư, từ rất lâu và nhiều lần tôi từng tiếp xúc với nhiều Việt kiều hay người nước ngoài. Họ bày tỏ nguyện vọng muốn mua một căn nhà ở Việt Nam. Nhưng do luật khi đó không cho phép, nên không ít trường hợp Việt kiều phải nhờ người thân đứng tên sở hữu nhà, rủi ro rất cao. Còn đối với người nước ngoài thì bí!
Tuy nhiên, tôi cũng thấy rất rõ là nhu cầu sở hữu nhà của Việt kiều, đều là những người tương đối khá giả, chủ yếu là có nơi để ở trong những lần về Việt Nam thăm bà con, hoặc nghĩ rằng về già sẽ hồi hương. Còn người nước ngoài muốn sở hữu nhà để ở trong thời gian họ làm việc tại Việt Nam, và sẽ bán nhà khi về nước.
Như vậy, có thể thấy không có sự phù hợp hay tương đồng trong quan niệm, mục đích giữa pháp luật Việt Nam và nhu cầu mua nhà của người nước ngoài. Trong khi Nhà nước mới chỉ đơn giản là cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, thì người nước ngoài lại cần nhiều hơn thế. Đó là công việc, là môi trường sống, giao lưu xã hội, văn hoá… Người nước ngoài mua nhà là để ở, cũng đồng nghĩa với việc họ phải có công ăn việc làm ổn định tại Việt Nam, có môi trường sống thuận lợi, thân thiện.
Nhưng hiện nay, quy định về việc tuyển dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là rất nhiêu khê, khó khăn. Người nước ngoài phải là chuyên gia, có tay nghề cao ở những lĩnh vực Việt Nam không có người thì mới có hy vọng làm việc lâu dài. Như vậy rõ ràng luật lao động đã “góp phần loại bỏ” rất nhiều những đối tượng nước ngoài có khả năng mua nhà. Rồi một khi đã sinh sống tại Việt Nam, người nước ngoài tất yếu sẽ có nhu cầu và mong muốn về giao lưu văn hoá, tín ngưỡng. Thậm chí là chế độ chính trị, quyền tự do báo chí, ngôn luận…, phải tương đồng như ở nước họ. Còn đối với Việt kiều, thì căn nhà mà họ mua cũng phải bảo đảm mục đích sinh lợi, hoặc về ở. Chứ nếu mua nhà rồi để đó là chuyện khá viển vông.
Về mặt pháp luật, tuy tại luật Nhà ở cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam, nhưng so với người Việt Nam – theo quy định tại bộ luật Dân sự, thì quyền của chủ sở hữu rõ ràng bị hạn chế và “cắt bỏ” rất nhiều. Cụ thể là cá nhân là chủ sở hữu chỉ được cho thuê lại, chứ không được góp nhà làm vốn kinh doanh chẳng hạn. Hay việc luật quy định thời gian sở hữu 50 năm, đối với bất động sản, là rất ngắn, không hợp lý. Vì như vậy có nghĩa là chủ sở hữu phải làm sao đó để khấu hao, thu hồi vốn trong 50 năm. Khi hết hạn 50 năm, thì giá trị chuyển nhượng của căn nhà sẽ còn rất thấp, tức là giá trị gần như bằng 0.
Trong khi đó, giả sử trong cùng khu nhà, nhưng là nhà của người Việt Nam, thì giá trị có khi lại rất cao. Rõ ràng điều này là bất hợp lý, đi ngược quy luật giá trị trong nền kinh tế thị trường. Người nước ngoài tất yếu biết rõ và sẽ cân nhắc trước khi quyết định có nên mua nhà tại Việt Nam hay không.
Tóm lại theo tôi, để có thật nhiều người nước ngoài đến mua nhà tại Việt Nam, thì chỉ riêng sự thay đổi trong luật Nhà ở là hoàn toàn chưa đủ. Có lẽ chúng ta cần có thêm thời gian, và chờ một hệ thống pháp luật sẽ được điều chỉnh, hoàn thiện theo hướng đồng bộ, cởi mở, hoà nhập với quốc tế nhiều hơn nữa…