Mỗi tháng, chồng em đều đưa khoảng 6 triệu cho mẹ. Có lần em bảo, lấy vợ rồi thì để vợ quản lý tiền bạc, chỉ đưa cho mẹ tiền sinh hoạt phí của hai vợ chồng thôi. Thế là, chồng em mắng em là con dâu ích kỷ, nghĩ xấu cho mẹ chồng, rằng mẹ cầm thì cũng giữ cho con chứ đi đâu mà thiệt. Phải nói thêm là chồng em là con một trong nhà.
Ảnh minh họa
Mẹ chồng em có vẻ cũng rất thích con cái “nộp tiền” cho mình. 2 tháng đầu về làm dâu, dù không thích nhưng vì bị chồng ép nên em ngoan ngoãn giao lương cho mẹ. Nhưng đến tháng thứ 3, em cố tình làm ngơ thì bị mẹ chồng ý tứ nhắc khéo, khiến em miễn cưỡng phải đưa. Mẹ bảo, cứ đưa tiền cho mẹ thì không chạy đi được đồng nào, chứ vào tay chúng mày thì lại vung tay quá trán, bao nhiêu chẳng hết.
Thực sự, em cũng không nghi ngờ ý tốt của mẹ chồng nhưng như vậy thì chẳng khác nào bọn em là con nít. Em muốn vợ chồng em tự chủ tài chính, tự quản lý đồng tiền mình làm ra và tiêu pha thế nào không phải chìa tay ra xin mẹ. Mong muốn như vậy thôi thì có gì là quá đáng. Vậy mà, suy nghĩ ấy lại khiến chồng em nhìn em như kiểu đứa không biết nghĩ vậy. Em rất bực mình, không biết phải làm sao nữa.
(Hương, TP Quảng Ninh)
Chào Hương,
Chúng tôi hiểu tâm trạng và suy nghĩ của bạn lúc này. Bạn là một người phụ nữ thích tự lập, trong khi việc đưa tiền cho mẹ chồng khiến bạn cảm thấy mất tự do và không được làm chủ nguồn tài chính gia đình nhỏ của mình.
Thực sự, việc bạn muốn tự quản lý tiền bạc của hai vợ chồng cũng là một nhu cầu và quyền lợi hết sức chính đáng vì bạn đã là một người trưởng thành, hơn nữa còn là một người vợ - người “tay hòm chìa khóa” theo quan niệm truyền thống xưa nay.
Hộp thầm kín nghĩ rằng, với 6 triệu đồng mà chồng bạn đưa hàng tháng và mức sống đắt đỏ tại một thành phố như Quảng Ninh thì số tiền đó cũng chỉ đủ để trang trải sinh hoạt phí của hai vợ chồng mà thôi.
Còn về thu nhập của bạn, đừng để tới lúc mẹ chồng hỏi tới nơi mới trình bày. Hãy lựa lúc chỉ có hai mẹ con để nhẹ nhàng giải thích với mẹ rằng, bạn cần giữ lại cho mình số tiền đó để mua sắm, đám cưới, đám hỏi, sinh nhật, giao lưu bạn bè hoặc tiếp khách… Ngoài ra, có thể, bạn cũng muốn tự tiết kiệm để có một khoản chuẩn bị nuôi con sau này chẳng hạn.
Hãy chứng minh với mẹ chồng rằng, bạn không phải là mẫu người hoang phí và cũng có những kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm khoa học. Xét cho cùng, mục đích giữ tiền của mẹ chồng cũng chỉ là vì lo các con vung tay quá trán. Thế nên, nếu bạn khiến mẹ chồng tin tưởng vào khả năng quản lý tài chính của mình thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thôi.
Về phía ông xã, hãy nhẹ nhàng giúp anh ấy phân biệt giữa chuyện “ích kỷ, nghĩ xấu cho mẹ chồng” và “ý thức muốn tự lập” nhé. Và sau đó, hãy từ từ kéo chồng vào kế hoạch tiết kiệm của bạn.
Chúc bạn thành công!