Dân Việt

Nhà trường sửa giấy khai sinh, phụ huynh náo loạn

Ngọc Vũ 28/09/2015 06:37 GMT+7
Vì bệnh thành tích, nhiều trường học trên địa bàn huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) đã tự ý làm lại giấy khai sinh cho học sinh dẫn đến sai lệch so với giấy khai sinh gốc, sổ hộ khẩu... Hệ lụy là phụ huynh náo loạn đi sửa lại giấy tờ cho con, còn chính quyền thì lúng túng trong cách giải quyết.

Giấy khai sinh rởm

Hớt hải cầm lá đơn trên tay, ông Hồ Văn Nùa (trú thôn Khe Ngài, xã Đakrông, huyện Đakrông) mếu máo trình bày với ông Trần Văn Chạy – Chủ tịch UBND xã Đakrông xin được đính chính thay đổi năm sinh cho con mình là Hồ Văn Quỳnh. Ông Nùa cho biết, Quỳnh đã học xong lớp 5 Trường Tiểu học số 1 Đakrông, khi làm hồ sơ tuyển sinh vào lớp 6 Trường THCS Đakrông thì phát hiện giấy khai sinh kèm theo hồ sơ học bạ do nhà trường cấp không hợp lệ. Giấy khai sinh bản gốc ghi rõ Hồ Văn Quỳnh, sinh ngày 28.2.2000, nhưng trong giấy khai sinh do nhà trường cấp và học bạ lại ghi Quỳnh sinh ngày 28.2.2004.

img

Ông Trương Khắc Thanh – Hiệu trưởng Trường THCS Đakrông khẳng định: “Sai lệch là do lịch sử để lại. Bây giờ cấp trên phải có chủ trương, chỉ đạo để sửa chữa kịp thời” (ảnh lớn). Giấy khai sinh do nhà trường tự làm không có số, quyển, chữ ký của cán bộ tư pháp…  Ảnh: Ngọc Vũ

Hồ Thị Hương (trú thôn Chân Rò, xã Đakrông) học xong lớp 9 Trường THCS Đakrông, khi làm đơn nhập học lớp 10 cũng bị ách tắc. Bởi vì, giấy khai sinh gốc ghi Hương sinh ngày 31.12.1999 nhưng giấy khai sinh và học bạ do nhà trường cấp lại ghi Hương sinh ngày 12.9.2000.

Ông Trần Văn Chạy – Chủ tịch UBND xã Đakrông cho biết, thời gian gần đây có nhiều gia đình đưa đơn tới UBND xã xin điều chỉnh tên, ngày, tháng, năm sinh trong học bạ cho đúng với giấy khai sinh gốc khiến xã hết sức bối rối. Theo ông Chạy, việc sai lệch này đã diễn ra rất nhiều năm về trước. Tuy nhiên, vào năm 2012, Trường THCS Đakrông tiến hành đối chiếu sổ hộ khẩu, giấy khai sinh so với học bạ để tiến hành nhập học cho học sinh mới phát hiện ra. Khi tiến hành cấp phát gạo, tiền hỗ trợ của Chính phủ cho học sinh, nhà trường tiếp tục đối chiếu học bạ với thẻ hộ nghèo, sổ hộ khẩu thì mới vỡ lẽ, có quá nhiều học sinh bị lệch tên, tuổi. Nghiêm trọng hơn, giấy khai sinh lại không có số, chữ ký của cán bộ tư pháp và con dấu chính quyền xã mà chỉ có chữ ký khống của ông Chủ tịch UBND xã Đakrông Hồ Nha, nhiệm kỳ 2004-2009.

Cần chỉnh sửa ngay

Ngay khi phát hiện sự sai lệch trên, UBND xã Đakrông đã thông báo với Phòng Giáo dục và UBND huyện Đakrông để xin chủ trương, biện pháp giải quyết nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời.

Ông Trương Khắc Thanh – Hiệu trưởng Trường THCS Đakrông cho biết, sai lệch trên là do lịch sử để lại, từ cấp mầm non đến cấp THCS. Chắc chắn có rất nhiều học sinh bị sai lệch bởi đã rất nhiều thế hệ ra trường, được cấp bằng. Chỉ tính riêng Trường THCS Đakrông, năm học 2015-2016 có 649 học sinh thì trên 250 học sinh bị sai lệch về tên, ngày tháng năm sinh (chiếm 38%).

Ông Trần Văn Chạy bức xúc cho hay, chắc chắn các xã khác cũng bị sai lệch như trên chứ không riêng gì Đakrông. Nguyên nhân dẫn đến sai lệch là lỗi của các thế hệ lãnh đạo xã, nhà trường trước đây. Vì bệnh thành tích, vì hư danh phổ cập học sinh đi học đúng độ tuổi nên có em 9 tuổi rồi nhưng nhà trường không dựa trên giấy khai sinh gốc mà tự làm lại giấy khai sinh, khai lại tuổi để nâng cao tỷ lệ phổ cập giáo dục.

Hệ lụy của việc sai lệch này là quá lớn, ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của công dân. Ông Trương Khắc Thanh cho biết thêm, nếu thông tin bị sai lệch thì học sinh muốn chuyển cấp, đặc biệt lên cấp THPT là không thể được, và còn những hệ lụy khác như cấp sai bằng tốt nghiệp, an ninh trật tự…

“Cần điều chỉnh, sửa sai lệch ngay. Giải pháp tốt nhất là nhà trường phải đính chính học bạ đúng theo hồ sơ giấy khai sinh gốc” – ông Chạy đề xuất.

Vấn đề ở đây, ai sẽ chịu trách nhiệm cho kinh phí điều chỉnh, gây mất công sức, tiền của này? Việc điều chỉnh trong học bạ thì không khó, nhưng sửa bằng cấp cho những người đã ra trường không hề đơn giản. 

   Bà Hồ Thị Kim Cúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, trong các buổi họp, hội nghị, huyện đã chỉ đạo UBND xã, phòng tư pháp, phòng giáo dục đào tạo và các trường học phối hợp, đính chính sai lệch theo mong muốn của phụ huynh, học sinh. Còn làm hay không là do tinh thần, trách nhiệm của nhà trường, lãnh đạo xã. Huyện không thể làm “chiến dịch” cải chính những sai lệch trên, bởi khi đã có “chiến dịch” thì phải chi ngân sách… không hề nhỏ.