Dân Việt

Người trẻ say chèo và chầu văn

Bùi Mỵ 29/09/2015 07:51 GMT+7
Thành công của Gala “Tôi chèo về quê hương” được kỳ vọng là sự mở đầu cho chuỗi các sự kiện về âm nhạc cổ truyền được thực hiện bởi những nghệ sĩ trẻ không chuyên, như một làn gió mới thổi hồn vào nghệ thuật truyền thống.

Giữ di sản qua… facebook

Đến với đêm Gala “Tôi chèo về quê hương” tổ chức tối  27.9 cũng đúng vào ngày Tết Trung thu, công chúng Hà thành có dịp được sống trong không khí của những người đi trẩy hội làng với tiếng cười, tiếng nói rộn ràng, nô nức do những người trẻ thực hiện. “Bữa tiệc” âm nhạc diễn ra tại đền Voi Phục (Hà Nội) thiêng liêng cổ kính đã thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả thuộc mọi lứa tuổi tham gia.

img

    Các học viên biểu diễn tiết mục hầu đồng trong đêm Gala “Tôi chèo về quê hương” tối 27.9 tại Hà Nội.  Ảnh: Mỵ Lương

Được biết, đây là kết quả năm thứ hai của dự án Chèo 48h và Chầu văn 48h do Nhóm Văn hóa trẻ Young Culture Group (YCG) với sứ mệnh chính “Lan tỏa niềm cảm hứng về nghệ thuật cổ truyền trong cộng đồng trẻ” tổ chức, với sự đồng hành của Quỹ Văn hóa Hà Nội (thuộc Sở VHTT Hà Nội), sự bảo trợ của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Chia sẻ về những trải nghiệm khi đã hoàn thành xuất sắc khóa học chỉ sau 15 buổi, được giao đảm nhận vai cu Sứt trong trích đoạn “Cu Sứt huyện Tể” (vở chèo cổ “Kim Nham”), bạn Hoàng Thị Trang (22 tuổi), sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết, ngay từ nhỏ, em  đã rất thích chèo và thường học hát chèo qua những chiếc băng cát-sét của bố. Khi biết đến “Chèo 48h” trên facebook, Trang đã đăng ký tham gia và theo học nghệ thuật chèo để thỏa mãn niềm đam mê.

“Người ta nói là chèo kén người nghe nhưng đã nghe rồi không dứt ra được. Bản thân tôi thấy cái khó nhất là làm thế nào để toát lên được thần thái, tính cách của nhân vật mình diễn. Với vai hề cu Sứt chân thọt, tay khoèo khiến tôi phải tập luyện thêm rất nhiều mới diễn được để mang đến cho khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ bài học đầy tính nhân văn “Gieo nhân nào gặt quả nấy”– Trang cho hay.

Cũng giống như Trang, Giáp Trọng Đức (23 tuổi), sinh viên khoa sư phạm âm nhạc Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, yêu thích nghệ thuật truyền thống từ nhỏ và mong muốn tìm kiếm những bạn trẻ có cùng sở thích với mình. Tình cờ Đức “bén duyên” với chèo và chầu văn qua trang “Chèo 48h” trên mạng xã hội facebook và tham gia ngay từ những ngày đầu nhóm mới thành lập. Đức cho biết: “Diễn xuất và những làn điệu dân ca là một điều mới lạ với mình. Ban đầu vì mới chập chững đến với chèo, chầu văn nên ai cũng ngại ngùng chưa dám thể hiện. Đôi khi đang diễn thấy có người cười mình tập, rồi tất cả cùng cười và cả đoàn dừng lại không diễn được nữa. Tuy nhiên sự ngượng ngập ấy rồi cũng qua và chúng mình đã diễn mượt mà hơn”.

Lan tỏa vốn cổ

"  Mỗi năm chúng ta đào tạo được rất nhiều kỹ sư, cử nhân, nhưng để đào tạo được một người nghệ sĩ về chèo, tuồng... là rất ít và hết sức khó khăn. Ý tưởng của dự án “Chèo 48h”  sẽ đánh thức tình yêu giữ gìn vốn quý di sản của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ”.
Đạo diễn Đoàn Vinh - Trưởng phòng Nghệ thuật  Nhà hát Chèo Việt Nam 

Dõi chương trình đến tận phút cuối chương trình, cụ Vũ Văn Nhì (82 tuổi) - nguyên Trưởng ban quản lý di tích đền Voi Phục tâm sự: “Các cháu trẻ lại không phải là diễn viên chuyên nghiệp mà diễn được thần thái của nhân vật như vậy là rất hay, rất quý. Quả thật, sống đến tuổi này rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi xem chèo tại sân đình vào một ngày đặc biệt – ngày Tết Trung thu như vậy”.

Nhìn nhận những thành quả của lớp học viên “ngoại đạo” do chính bản thân mình truyền dạy, thạc sĩ Lê Tuấn Cường – đạo diễn, Phó phòng Nghệ thuật Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: “Chẳng có gì là khó khăn nếu các em thật sự có đam mê và mong muốn tìm hiểu. Chúng tôi sẵn sàng truyền dạy cho các em bất kể lúc nào để không chỉ riêng chèo, chầu văn mà còn nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Điều quan trọng để giữ gìn di sản là chính các em thổi hồn vào tác phẩm, chạm đến cảm xúc, chạm đến trái tim của khán giả. Đó là thành công”.

Trao đổi với chúng tôi về thời gian tổ chức sự kiện Gala “Tôi chèo về quê hương”, chị Đinh Thị Thảo – đồng sáng lập dự án “Chèo 48h” cho biết: “Chúng tôi chọn thời gian tổ chức chương trình vào đêm Trung thu với mong muốn mang đến sắc màu mới trong ngày lễ cổ truyền của dân tộc sao cho có sự độc đáo, náo nhiệt dành cho tất cả mọi người. Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề tài chính. Chúng tôi mong muốn tương lai sẽ có nhiều các bạn trẻ tham gia và sẽ có những nhà tài trợ về vật chất, tinh thần để ước mơ gìn giữ nét văn hóa của dân tộc được lan tỏa”.