Dân Việt

“Còi vàng” Dương Văn Hiền: Tình huống của Thanh Hào khác Ngọc Hải

Nhật Trường 29/09/2015 13:26 GMT+7
Pha vào bóng của Thanh Hào khiến Abass bị gãy cổ chân được Ban trọng tài nhận định chỉ là lỗi kỹ thuật khiến tai nạn xảy nên không có án phạt bổ sung. Điều này khiến nhiều CĐV, đặc biệt là fan SLNA so sánh với tình huống của Ngọc Hải và cho rằng Thanh Hào bị xử phạt quá nhẹ. Cựu “còi vàng” Việt Nam và hiện đang là giám sát trọng tài, ông Dương Văn Hiền khẳng định rằng, tình huống của Thanh Hào khác hẳn với của Ngọc Hải.

Cả hai pha vào bóng có một điểm chung là đều khiến nạn nhân bị chấn thương nặng. Nhưng việc so sánh pha bóng của Thanh Hào và Ngọc Hải liệu có hợp lý không thưa ông?

Cầu thủ thi đấu bị gãy chân đâu phải lúc nào cũng do người khác đá gãy đâu. Năm 2007, tôi bắt trận Thanh Hóa gặp SLNA trên sân Thanh Hóa. Có pha bóng thủ môn Mạnh Hà (Thanh Hóa) lao ra đạp Công Vinh trong vòng cấm. May mà Vinh né kịp nên nó trượt qua thôi. Còn toàn bộ cơ thể nặng của Mạnh Hà dồn xuống gối khiến anh ta bị bể khớp gối. Nhưng lúc đó tôi vẫn thổi phạt Mạnh Hà và cho SLNA hưởng quả phạt đền. Tất nhiên, khán giả Thanh Hóa ầm ầm phản đối, nhưng sau xem lại băng hình thì đúng là lỗi của Mạnh Hà.

img

Thanh Hào vào bóng khiến Abass gãy chân. Ảnh: IT.

Giống như chuyện chạy xe ngoài đường, xe hơi người ta đang đậu đó tự nhiên anh tông vào rồi chấn thương sợ não, anh bắt người ta đền sao được. Lỗi nào ra lỗi đó, chứ không phải cứ gãy chân là trách người ta phạm lỗi nguy hiểm. Như trường hợp năm rồi ở Quảng Ninh cầu thủ Bruno cắm mũi chân xuống đất, tự anh ta ngã rồi gãy chân. Phải xem xét xem trường hợp nào là vào bóng ác ý hay chỉ do tai nạn nên bị gãy chân.

FIFA khuyến cáo không nên có những pha xoạc bóng. Nhưng các danh thủ thế giới vẫn có nhiều pha xoạc bóng kiểu Paolo Maldini rồi đoạt bóng rất nghệ thuật. Đó cũng là động tác mà Thanh Hào từng nhiều lần thực hiện và lấy được bóng trong chân đối phương. Nhưng lần này cú xoạc bóng của Hào lại khiến Abass chấn thương. Vậy đâu là trường hợp FIFA cấm?

Xoạc bóng thì nguy hiểm. Đặc biệt cầu thủ xoạc bóng từ phía sau gây nguy hiểm nên FIFA khuyến cáo là phạt thẻ đỏ. Vì ở trước mặt thì còn có thể quan sát và né được, chứ ở sau lưng thì quá bị động, mà cố tình gây ra chấn thương cho người ta thì cái lỗi đó rất nặng. Nhưng trong trường hợp của Thanh Hào thì khi xoạc bóng chủ yếu tập trung tranh cướp bóng nhưng không may nó va chạm thôi. Mà Abass cũng đen đủi là sau khi va chạm lại cắm một chân ở dưới đất dẫn đến bị gãy. Nên chuyện đó giống như tai nạn trong bóng đá.

Tất nhiên, pha bóng đó ý thức của Thanh Hào là chơi bóng. Chứ không phải như pha bóng của Ngọc Hải khi ra chân không nhắm đến hướng bóng mà lại hướng đến chân đối phương theo kiểu triệt hạ. Còn Thanh Hào là muốn lấy lại bóng nên hai cái khác hoàn toàn nhau. Lấy ví dụ như cách đây mấy năm, Huy Hoàng có pha phi 2 chân vào Samson. Như thế là triệt hạ người ta chứ anh không phải muốn tranh lại bóng. Pha bóng đó tất nhiên là không thể chấp nhận được.

Có vẻ như ở bóng đá Việt Nam, người ta thường nhìn nhận vấn đề theo mức độ hậu quả. Vì thế mà cứ có chấn thương nặng thì sự việc lại trở nên trầm trọng?

Tôi nói thật, dư luận báo chí thì quá là khắt khe. Đôi lúc chỉ xét phiến diện rằng anh chấn thương nặng, hay nhẹ rồi bắt đầu đẩy lên tình huống là lỗi người kia nặng. Thật ra trận đấu vừa rồi tôi có theo dõi trên sân, tôi quan sát thấy Thanh Hào khóc như muốn ngất, mặc dù anh ta không cố tình nhưng thấy Abass bị gãy chân do pha vào bóng của mình nên cảm thấy ân hận.

Nhưng mà rõ ràng Thanh Hào không cố tình. Xem kỹ lại clip quay chậm sẽ thấy rằng Thanh Hào tập trung đá bóng, chứ không phải đá vào chân của Abass. Phải khẳng định là tình huống của Thanh Hào với Ngọc Hải khác hẳn nhau. Nên kênh báo chí cũng cực kỳ quan trọng. Vì có những người họ không trực tiếp đến sân xem nhưng mà nghe, đọc trên truyền thông lại hướng người ta tới một điểm tốt hay điểm tiêu cực. Thế thì rất là oan uổng. Cái đó tội cho cầu thủ, cho trọng tài hay những nhà tổ chức.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Clip Thanh Hào vào bóng khiến Abass gãy chân (Nguồn Youtube):