Từ “trả phòng” (check out) dịch theo nghĩa Facebook thì là “đăng xuất”.
Nói như vậy về cơn nghiện Facebook toàn cầu thì quá đúng. Nhưng, lịch sử của ca khúc Hotel California còn nhiều giai thoại hấp dẫn hơn thế. Cũng như nhiều bài hát cùng đẳng cấp khác, Hotel California kinh điển của The Eagles là nguồn cảm hứng của vô số huyền thoại.
Kỳ quái nhất, là câu chuyện cho rằng ý nghĩa bài hát nói về niềm tin vào quỷ Satan, suy đoán về hình ảnh một con quỷ xuất hiện trên bìa album cùng tên. Vậy thực hư ra sao?
Khách sạn không có thật
Tuần qua, đoạn phim quay một ban nhạc Việt Nam chơi đàn và hát Hotel California bên bàn nhậu gây sốt trên mạng. Sự kiện đồng thời nhắc người ta nhớ rằng ca khúc này tuyệt vời đến mức nào. Đó là ca khúc có mặt trong hầu như mọi danh sách những bài hát hay nhất mọi thời đại.
Hoặc, người ta có thể nhớ về Hotel California như một “ca khúc kỳ quặc của The Eagles” hay “bài hát tôn thờ quỷ dữ”. Nằm trong album cùng tên ra năm 1976 và được phát hành thành đĩa đơn vào năm 1977, giai điệu ma quái của Hotel California quyến rũ người nghe đến tận năm 2015 và hơn thế nữa.
Bìa album “Hotel California” với hình ảnh giống quỷ được cho là Anton LaVey, người sáng lập nhà thờ Satan và Satan giáo
Dù sao thì, “khách sạn California” là khách sạn gì mà đến gần 40 năm sau (bài hát ra đời năm 1976) vẫn còn bí ẩn? Nhân vật chính trong Hotel California là một vị khách xưng “tôi” bí ẩn không kém khách sạn trong tiêu đề bài hát. Ý nghĩa ẩn dụ của vị khách này là gì cũng là câu hỏi gợi bao liên tưởng xa xôi trong suốt những thập kỷ qua.
Bài hát do 3 thành viên của The Eagles sáng tác gồm: Don Felder (nhạc), Don Henley và Glenn Frey (ca từ). Mặc dù có một khách sạn California thực sự ở Todos Santos, một thị trấn ở bang Baja California thuộc Mexico, gần kề bang California của Mỹ, nhưng đây chỉ là sự trùng hợp. Chưa một thành viên nào của The Eagles từng nghỉ tại khách sạn, chưa nói đến chuyện sáng tác nhạc ở đó.
Vậy nên, khách sạn California chắc chắn là một nơi chốn tưởng tượng. Nó có thể là biểu tượng của bất cứ thứ gì, và trong một bài hát huyền thoại thì người ta càng mặc sức tưởng tượng.
Những huyền thoại hấp dẫn và kinh dị
Huyền thoại đầu tiên liên quan đến một hình ảnh trên bìa album Hotel California (1976). Đó là ảnh chụp ban nhạc The Eagles cùng nhiều người khác đứng ở sảnh một khách sạn sang trọng. Nhưng điểm bí ẩn trong bức ảnh lại là một thứ không rõ là người hay quỷ đứng trên ban công, trong bóng tối, với cái đầu trọc trông đầy hăm dọa. Nhiều người cho rằng đó là Anton LaVey, kẻ sáng lập Nhà thờ Satan.
Nếu đó chính là Anton LaVey, có vẻ như từ “con quỷ” trong ca từ bài hát (mà những vị khách cố giết chết bằng dao thép) đã được giải đáp. Họ cố thoát khỏi một thứ tôn giáo của quỷ dữ? Nghe đậm chất kinh dị, rất hợp với không khí huyền bí xung quanh khách sạn California.
Đi kèm với huyền thoại này là các giả thuyết khác: bài hát là để tưởng niệm nơi cuốn sách Kinh thánh Satan của Anton LaVey đã được viết ra; những kẻ tôn thờ quỷ đã mua một nhà thờ cổ và đặt tên nó là “Khách sạn California”; các thành viên của The Eagles cũng theo giáo phái của LaVey; các bức ảnh quảng bá cho album cũng được chụp ở một tòa nhà từng là trụ sở chính của Nhà thờ Satan; ở California, Nhà thờ Satan được gọi là Khách sạn California...
Các thuyết này nghe đều hấp dẫn, khiến bài hát nhuốm màu quỷ quái. Vấn đề là, huyền thoại Satan này lại trật lất. Địa điểm chụp ảnh bìa cho album cũng là khách sạn 5 sao Beverly Hills ở Hollywood, chứ không phải Nhà thờ Satan.
Còn nhân vật trên ban công khách sạn trong ảnh bìa album, theo trang Snopes, là một... nữ diễn viên được mời đến chụp ảnh bìa nhưng đến muộn nên bị lỡ buổi chụp. Vì ánh sáng quá yếu, cô bị nhìn nhầm thành con quỷ trọc đầu hung tợn.
Huyền thoại thứ hai nói rằng khách sạn California thực chất là một bệnh viện tâm thần. Đó là bệnh viện bang Camarillo ở gần Los Angeles, nơi chữa trị cho hàng nghìn bệnh nhân tâm thần trong suốt 60 năm, trước khi đóng cửa vào năm 1997.
Với những người tin vào huyền thoại này, ca từ bài hát quá phù hợp để nói về trải nghiệm của một người điên (vị khách xưng tôi) trong quá trình điều trị. Hành động của các vị khách khác trong bài hát cũng gần như tương đồng với những bệnh nhân khác trong bệnh viện tâm thần. Toàn bộ bài hát thể hiện sự hoang mang của một người không biết mình là ai và đang ở đâu. Nói cách khác, giống như của một kẻ điên.
Một huyền thoại khác còn kinh dị hơn, cho rằng khách sạn California là một quán trọ của bộ lạc ăn thịt người, nơi nhận khách vào trọ và... làm thịt họ cho bữa tối. Câu hát cuối cùng đầy ám ảnh “Bạn có thể trả phòng bất cứ lúc nào, nhưng bạn sẽ không bao giờ có thể rời khỏi đây” cho thấy đây điều này. Vị khách sẽ bị giết thịt một khi đã nhận phòng trong khách sạn California? Nghe hấp dẫn không kém huyền thoại về quỷ Satan.
Không kinh dị bằng nhưng cũng chẳng lành mạnh, đó là huyền thoại cho rằng bài hát nói về cảm giác phê khi dùng ma túy. Tất cả dựa vào câu hát “Làn hơi nồng ấm của đọt lá cần sa lan tỏa trong không khí”. Khách sạn California cũng được suy luận là biệt danh của cocaine. Cả bài hát và album cùng tên đều nói về trải nghiệm của kẻ nghiện ma túy trong cơn ảo giác thăng hoa.
Vậy, đâu mới là thật?
“Khách sạn California” của lòng người
Câu trả lời vừa là “không gì cả” vừa là “tất cả”. Không một huyền thoại nào là chính xác, nhưng sự thật về ý nghĩa bài hát do The Eagles công bố có thể hiểu là một sự tổng hòa.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1995, Don Henley, đồng tác giả ca từ, nói rằng bài hát “nắm bắt những tư tưởng của thời đại, một thời đại ngập trong sự thừa mứa của nước Mỹ và ngành công nghiệp âm nhạc”.
Bài hát là trải nghiệm của một con người từ khi ngây thơ đến khi đánh mất sự ngây thơ, là ngụ ngôn về chủ nghĩa khoái lạc và lòng tham ở California thập niên 70.
Khi bài hát ra đời, The Eagles đang ở đỉnh cao thế giới. Cuộc sống của họ thừa mứa tiền bạc, ma túy và phụ nữ. Nhưng bài hát chính là lời cảnh tỉnh của ban nhạc về mặt trái của tất cả những thứ đó. Đó, phải chăng cũng là những con quỷ trong lòng người?
Như vậy, khách sạn California không có thật, nhưng còn hiện hữu hơn cả một nơi chốn có thật.
Ca khúc Hotel California. Nguồn: Youtube