Dân Việt

Người luôn trăn trở đổi mới

31/12/2012 07:51 GMT+7
(Dân Việt) - Từ khi nhận trọng trách Chủ tịch Hội ND xã, ông ông Trần Phi Hùng - Chủ tịch Hội ND xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa luôn canh cánh phải giúp ND thoát nghèo, làm giàu từ đồng đất quê hương mình.

Những việc làm của ông đã trở thành niềm tin, điểm tựa cho nhiều ND... Chúng tôi tìm ông Hùng, bà con chỉ ông đang ngoài lớp dạy nghề ở UBND xã. Chúng tôi, ông đon đả: “Các chú thông cảm, bây giờ đang là thời điểm trồng nấm rơm và nấm sò, nên tôi đang chờ giáo viên đến để hướng dẫn cho bà con làm nấm...”.

Làm trước và làm cùng hội viên

img
Ông Trần Phi Hùng bên mô hình trồng nấm sò tại UBND xã Nga Thạch.

Tại góc sân của UBND xã, nhiều ND đang nghe giáo viên hướng dẫn cách trồng nấm rơm. Ông Hùng bảo, tranh thủ thời gian ND nhàn rỗi, Hội ND xã mở lớp dạy trồng nấm sò, nấm rơm để giúp ND tăng thêm thu nhập. “Thu nhập của ND Nga Thạch chủ yếu từ nông nghiệp. Mấy năm gần đây, nhờ ông Hùng tìm kiếm mô hình mới, hướng dẫn, giúp đỡ ND làm, nhiều gia đình thoát được nghèo, đang dần ổn định cuộc sống”- bà Mã Thị Lủng, hội viên thôn 1, cho hay.

Tìm hiểu, chúng tôi biết, ông Hùng vốn là công an viên của xã, được bà con tín nhiệm bầu làm Đội trưởng đội sản xuất, rồi ông được bầu làm Chủ tịch Hội ND xã từ năm 2005 đến nay. Trong suốt thời gian làm "thủ lĩnh" của ND, ông đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương chuyển đổi hơn 100ha đất kém hiệu quả trong trồng lúa chuyển sang làm mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Trong phong trào ấy, đã có 168 hộ dân tham gia đầu tư vào nuôi trồng thủy sản và gia trại chăn nuôi lợn, gà tổng hợp, mỗi năm đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng cho mỗi hộ ND.

Khi các mô hình trang trại, gia trại của hội viên đã ổn định, ông Hùng lại tìm cây trồng mới làm trước, có hiệu quả rõ rệt rồi mới vận động, hướng dẫn bà con cùng làm. Ông Phạm Xuân Nhân - hội viên ở thôn 3, tâm sự: “Chúng tôi đã học hỏi được từ ông Hùng rất nhiều về cách chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, thâm canh cây trồng. Nhiều gia đình trong xã phát triển trang trại, gia trại rất hiệu quả cũng là từ ý tưởng của ông Hùng”.

Từ sự hỗ trợ, động viên của Hội ND xã, năm 2012 có 539 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi, trong đó có 4 hộ cấp tỉnh, 8 hộ cấp huyện.

Điểm tựa của nông dân

Mặc dù nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại ở địa phương đã phát triển khá tốt, nhưng ông Hùng vẫn trăn trở việc ứng dụng kỹ thuật mới vào đồng ruộng. Ông họp Ban chấp hành Hội ND xã, trình bày ý tưởng của mình, rồi động viên các cán bộ chủ chốt và một số hộ hội viên tích cực làm trước.

Ông tổ chức cho mọi người đi tham quan, học tập kinh nghiệm về trồng ớt, cà chua, dưa leo và chuối tiêu hồng xuất khẩu ở Hưng Yên. Hiện mô hình này ở Nga Thạch đã thực hiện khá thành công. Xã đã có 6ha trồng ớt xuất khẩu đạt trị giá thu nhập trên 80 triệu đồng/ha/năm; 50ha đạt thu nhập 50 triệu đồng trở lên/ha/năm… Rồi ông tổ chức cho hội viên đi học sản xuất nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ. Riêng ông đi tìm hiểu và đưa về mô hình trồng đại táo về trồng thử nghiệm ở vườn của mình cho bà con tham quan, học tập. “Khi thấy được hiệu quả và ưu điểm của mô hình mới, chắc chắn bà con sẽ tin mình”- ông Hùng quả quyết.