Dân Việt

Nga xây dựng thêm một loạt căn cứ đảo ở Bắc Cực

Phương Đăng 30/09/2015 10:42 GMT+7
Nga vừa điều thêm đội tàu chiến tới khu vực Bắc Cực để xây dựng thêm một căn cứ phòng không trên đảo Sredniy, bên cạnh 5 căn cứ đảo khác đang được xây dựng bởi 1.500 công nhân.

Theo hãng tin Interfax, một tàu phá băng đã đào một con kênh để giúp các tàu nhỏ của Hạm đội Biển Bắc của Nga tới đảo Sredniy ở Bắc Cực. Phó Đô đốc của Hạm đội, ông Viktor Sokolov đang có chuyến kiểm tra việc xây dựng căn cứ phòng không trên đảo Sredniy.

img

Một tàu phá băng của Nga. Ảnh minh họa.

Ông Viktor Sokolov bay tới khu vực bằng trực thăng quân sự trong khi đội tàu của Hạm đội Biển Bắc đã tới biển Kara.

Ngoài căn cứ phòng Sredniy, Nga còn đang xây dựng các căn cứ đảo Alexandra Land, Rogachevo, Cape Schmidt, Wrangel và Kotelny với 1.500 công nhân.

Nga xem Bắc Cực là một ưu tiên chiến lược trong học thuyết hải quân mới của nước này. 

Tổng thống Putin xem việc kiểm soát vùng Bắc Cực là một vấn đề chiến lược lớn đối với Nga. Moscow không ngại công khai tuyên bố, họ đang củng cố lực lượng ở Bắc Cực để đối phó với sự mở rộng của NATO về biên giới Nga. Moscow đang kỳ vọng sẽ khôi phục lại toàn bộ các căn cứ quân sự của Liên Xô ở Bắc Cực.

img

Tổng thống Putin có tham vọng củng cố và mở rộng kiểm soát vùng Bắc Cực.

Trước đó, đảo Cape Schmidt được Liên Xô sử dụng làm căn cứ cho các máy bay ném bom chiến lược tầm xa trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Thời điểm đó, chính phủ Liên Xô đã cho xây dựng các căn cứ không quân trên khắp Bắc Cực để phục vụ cho lực lượng này vì đây là khu vực lãnh thổ gần với Mỹ nhất. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các lực lượng Liên Xô rút khỏi Bắc Cực.

Ngoài ra, việc kiểm soát Bắc Cực đối với Nga còn mang ý nghĩa về mặt kinh tế. Nhiều ước tính cho rằng, trữ lượng dầu mỏ ở Bắc Cực chiếm tới khoảng 13 - 30 % tổng lượng dầu mỏ trên Trái đất. Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy đang cạnh tranh nhau để kiểm soát lượng dầu mỏ, khí đốt và kim loại quý ở khu vực này.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác dầu khí ở Bắc Cực đang vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các nhà môi trường khi cho rằng, việc này  gây nguy hiểm cho hệ sinh thái mong manh ở đây.