Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói rằng, có 2 lựa chọn khi làm trang phục cho phim lịch sử, đó là chọn đúng hay chọn đẹp, một đạo diễn người Pháp đã lựa chọn đẹp chứ không chọn đúng. Quan điểm của anh về việc này?
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức
- Tôi không cho rằng chỉ có hai lựa chọn, chọn đúng hay chọn đẹp, khi làm trang phục cho phim lịch sử. Và cũng cần nhìn nhận rằng, sẽ không bao giờ có bộ phim lịch sử nào mà trang phục đúng 100% so với thực tế. Chắc chắn sẽ có nhiều bộ phải thiết kế riêng, bên cạnh những bộ cố gắng tối đa mô phỏng theo những kết quả nghiên cứu khoa học. Nếu nói chỉ cần đẹp, không cần đúng, vậy tất cả việc nghiên cứu lịch sử, phong tục, trang phục, văn hóa để làm gì?
Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng có thể cùng lúc vừa làm đúng vừa làm đẹp được, thậm chí nhiều trường hợp chỉ cần làm cho đúng thôi cũng đã đủ đẹp rồi. Đơn cử như trang phục cung đình thời Nguyễn chẳng hạn. Làm không đẹp thì phải trách con mắt thẩm mỹ của nhà làm phim. Nếu có thẩm mỹ tốt, thì ngay cả việc đưa răng đen vào phim, trông vẫn rất mỹ quan, như các nhà làm phim Nhật Bản, Thái Lan đã từng làm.
Huống hồ, quan niệm về cái đẹp không có mẫu số chung. Câu chuyện làm phim cổ trang cũng không có một kết luận duy nhất. Tôi lấy ví dụ bối cảnh trang phục xưa kia, vua quan có áo mão chỉnh tề sang trọng, dân chúng thì người vận áo dài, người mặc áo cộc, người để mình trần đóng khố, phần đông đều đi chân đất, ăn trầu... Đừng nói rằng, tôi "chọn đẹp" nên tất cả những thứ tôi cho là không đẹp, tôi sẽ bỏ đi cả. Tôi cho lựa chọn một chiều như vậy là cứng nhắc.
Cách xây dựng phục trang trong phim lịch sử Việt Nam hiện nay rất có vấn đề, 1 là xu hướng bắt chước phim Trung Quốc, 2 là sáng tạo theo xu hướng lai tạp, không nhận ra yếu tố thuần Việt. Theo anh, nguyên nhân do đâu, do cẩu thả hay do chúng ta thiếu các cứ liệu lịch sử?
- Trong số các bộ phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, có thể thấy Nhật Bản và Hàn Quốc đầu tư kỹ lưỡng cho việc tái hiện trang phục cổ một cách chuẩn chỉ, đặc biệt là Nhật Bản. Phần lớn các phim Trung Quốc, nhất là dòng phim kiếm hiệp, trang phục được thiết kế lai tạp, cốt sao cho đẹp mắt. Nhưng cái đẹp trong mắt của họ, đem so với trang phục chuẩn chỉ của Nhật, Hàn, thì tự nhiên trở nên quê kệch, thậm chí lố bịch. Còn về cái gọi là yếu tố thuần Việt, thì trước tiên xin hãy bỏ cho tôi từ “thuần” đi. Văn hóa Hán cũng vậy, văn hóa Việt cũng vậy, đều mang tính hỗn dung.
Tách rời từng yếu tố mà suy xét cội nguồn, sẽ thấy nhiều yếu tố được coi là thuần nhất kia vẫn mang tính chất ngoại lai. Nhưng nằm trong một chỉnh thể, với phương thức kết hợp riêng biệt, thì văn hóa Việt ở từng thời kỳ vẫn có những nét đặc sắc riêng biệt.
Xét riêng ở góc độ lịch sử trang phục, có thể khẳng định, trang phục cung đình Việt thời Trần, Hồ, Lê, Mạc, Nguyễn đều rất khác biệt. Ngay trang phục dân gian trải qua các thời cũng không đồng nhất. Không suy xét ngọn nguồn, không chỉn chu kỹ lưỡng trong việc tìm hiểu, tiếp thu các kết quả nghiên cứu, đặc biệt cứ mang tâm lý “thuần Việt”, quanh quẩn trong cái ao làng thì sẽ chẳng thể làm nên một bộ phim hay.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á thì do không có những cứ liệu lịch sử về thời xưa (ví dụ thời Hùng Vương, Lý- Trần…) mà chỉ có từ giai đoạn gần đây, rõ nhất là thời Nguyễn, vì thế khó mà yêu cầu các họa sĩ thiết kế khôi phục theo nguyên bản vì có nguyên bản đâu. Vì vậy ông đề nghị không nên “bắt ne bắt nét” các họa sĩ mà nên cổ vũ để họ sáng tạo. Anh nghĩ gì về quan điểm này?
- Mốc thời gian càng đẩy sâu về quá khứ, cứ liệu lịch sử càng ít ỏi. Nói rằng từ thời Lý Trần đổ về trước không có cứ liệu lịch sử thì không đúng. “Ngàn năm áo mũ” đánh dấu một sự cố gắng khảo chứng tất cả những tư liệu tương quan cốt để vẽ ra diện mạo trang phục của từng thời, dù vẫn tồn tại những khoảng mờ nhạt. Tôi tin rằng, sau này những bạn yêu thích tìm hiểu, nghiên cứu trang phục cổ, sẽ tiếp tục đào sâu hơn nữa, phát hiện nhiều điều mới mẻ hơn nữa.
Về phía các họa sĩ thiết kế cổ trang cần phải cập nhật, tiếp thu các kết quả nghiên cứu, trước khi tiến hành sáng tạo. Sự "bắt ne bắt nét" từ phía người đón nhận là không thể tránh khỏi. Nhưng nếu anh đưa ra chứng lý thuyết phục, người ta sẽ khó có thể bắt bẻ được anh.
Phim lịch sử Việt Nam rất hiếm có những bộ phim làm tốt khâu phục trang, hiếm những chuyên gia nghiên cứu sâu vấn đề này, những người như anh chỉ tính trên đầu ngón tay. Bởi vậy nên kết quả trên phim chúng ta thu về là sự méo mó, xộc xệch, sai lạc với bản gốc. Theo anh, chúng ta nên bắt đầu từ đâu để khắc phục tình trạng thiếu chuyên nghiệp này?
- Một bộ phim lịch sử thành công cần kết hợp thành quả nghiên cứu của nhiều lĩnh vực. Sự chuyên nghiệp trong trang phục thôi chưa đủ. Ngoài phục trang, còn có bối cảnh sinh hoạt, không gian văn hóa, phong tục, ngôn ngữ chữ viết...
Kịch bản tồi, lời thoại sống sượng, không gian văn hóa sai lạc, đặc biệt nếu cứ giữ y cái quan niệm về vẻ đẹp thuần Việt đưa vào phim... thì sẽ chỉ mang lại những sản phẩm xộc xệch, méo mó mà thôi. Mọi sự bắt đầu đều nằm ở tinh thần cầu thị và ở tư duy cởi mở.
Xin cảm ơn anh!