Trang phục “không giống ai”
Cách đây vài năm, bộ phim truyền hình được đầu tư hàng trăm tỷ đồng “Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” được sản xuất để chiếu nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội đã gây ra tranh luận gay gắt về vấn đề phục trang diễn viên. Khi những trailer giới thiệu về bộ phim này - vốn được thực hiện hoàn toàn ở phim trường bên Trung Quốc -được trình chiếu, các học giả, nhà nghiên cứu và khán giả đã đồng loạt lên tiếng rằng nó không khác gì một bộ phim cổ trang của Trung Quốc. Bởi qua phân tích, từ trang phục của các nhân vật chính như Vua Lý, Thái hậu Dương Vân Nga, nàng Thanh Liên cho đến các tuyến nhân vật phụ đều gây cho người ta cảm giác chúng được “sao y bản chính” từ phim Trung Quốc.
Trang phục của các nhân vật trong phim “Mỹ nhân kế”. Ảnh: tư liệu
Qua thông tin trả lời trên báo chí, họa sĩ Đoàn Thị Tình cho biết toàn bộ phác thảo về trang phục trên phim đều do phía Việt Nam thực hiện, phía Trung Quốc may, tuy nhiên họa sĩ Phan Cẩm Thượng lại tiết lộ có những chi tiết phía đối tác tự đưa vào như hình rồng trên trang phục Vua Đinh và Vua Lê. Ngoài ra, các bộ giáp mặc trong phim, vì điều kiện nếu đặt làm rất tốn kém nên đoàn phim đã thuê lại luôn của phim trường cho tiết kiệm.
Một bộ phim truyền hình khác đang chiếu dở trên VTV3 vào tháng 11.2011 thì bị ngừng phát sóng do nhà sản xuất làm quá cẩu thả là “Anh chàng vượt thời gian” cũng gây nên một cuộc sóng gió về trang phục. Các nhân vật nữ trong phim phim này đồng loạt có trang phục là váy quây và tóc bới đúng kiểu như mỹ nhân Hoa ngữ xa xưa, kiểu váy quây và áo khoác ngoài này thường gặp trong các phim cổ trang Trung Quốc về nhân vật Võ Tắc Thiên.
Bộ phim “Mỹ nhân kế” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đầu tư rất tốn kém khi mời nhà thiết kế Công Trí làm cố vấn tạo hình và êkíp 4 nhà thiết kế Tuấn Trần, Hồng Sương, Châu Kha, Trường Duy thực hiện 200 bộ trang phục và các phụ kiện cho nhân vật. Tuy nhiên khi xem, khán giả cũng vẫn thấy hoang mang vì phục trang của các nhân vật trong phim không giống ai, không biết thời nào vì nó “lai” giữa Việt Nam và... Ấn Độ!
Phim cổ trang “Thạch Sanh” được nhà sản xuất ấn định là thời Hùng Vương, vì thế trên trang phục diễn viên hoa văn chủ đạo là những hình hoạ trang trí của trống đồng, thế nhưng cũng bị khán giả phản ứng vì quá hiện đại. Vòng tay, dây thắt lưng, giày da của chàng Thạch Sanh tất cả đều đẹp đẽ, bóng nhoáng và quá tinh xảo...
Chọn đúng hay chọn đẹp?
" Ngay bản thân chúng tôi làm khảo cổ nhưng để tìm lại được trang phục của thời xưa như thế nào cũng còn rất khó để khẳng định tổ tiên chúng ta ăn mặc thế nào vì nó tan biến vào đất hết rồi, chỉ còn lại chất liệu là vải lanh, vải thô mà thôi”. |
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân- người vài năm gần đây vừa tham gia đạo diễn và sản xuất một số phim lịch sử giai đoạn đầu thế kỷ XX như “Lều chõng”, “Trò đời”… cho biết: “Thật ra trong việc làm phim lịch sử, có hai xu hướng và hai quan niệm rõ ràng. Một là trang phục phải đúng đến từng chi tiết với các tư liệu lịch sử, không được sai 1 ly.
Hai là có thể không cần chính xác lắm, nhưng dựa trên cứ liệu đó để làm đẹp hơn. Chẳng hạn khi tôi đi theo đoàn phim “Điện Biên Phủ”, cô trợ lý của đạo diễn người Pháp đưa ra một bức ảnh tư liệu chụp lại một thiếu nữ Hà thành những năm 1950 và yêu cầu nữ diễn viên Thu Hà phải mặc đúng như thế. Tuy nhiên, đạo diễn đã gạt đi, bảo bộ trang phục mà Thu Hà đang mặc tôn được vẻ đẹp của cô ấy lên, giữa cái đúng và cái đẹp, thì ông chọn cái đẹp”.
TS Nguyễn Việt- Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á- người tham gia khảo cổ mộ thuyền và tìm ra chất liệu vải vóc của người Việt cổ đại, thì cho rằng: “Sau một thời gian dài tiến hành phong trào “phản đế phản phong”, trang phục truyền thống của người Việt đã bị mất đi. Ngay bản thân chúng tôi làm khảo cổ nhưng để tìm lại được trang phục của thời xưa như thế nào cũng còn rất khó để khẳng định tổ tiên chúng ta ăn mặc thế nào vì nó tan biến vào đất hết rồi, chỉ còn lại chất liệu là vải lanh, vải thô mà thôi. Bởi vậy tôi nghĩ các họa sĩ thiết kế phục trang cho phim nên mạnh dạn sáng tạo, đừng quá rụt rè, quá quan tâm đến ý kiến các nhà sử học. Điều quan trọng nhất là phải tìm ra những yếu tố thuần Việt, đọng lại những gì tinh túy nhất của các cụ chứ không thể khẳng định nguyên bản thời Lý, Trần hay thời Hùng Vương ra sao, bởi vì làm gì có nguyên bản mà so sánh?”.
Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, cho dù chọn “đúng” hay chọn “đẹp”, nghiêng hẳn về phía nào thì phim lịch sử vẫn phải tôn trọng những nguyên tắc cơ bản nhất của phục trang trong phim. Không thể để khán giả xem phim cổ trang Việt mà lại cứ ngỡ là đang xem phim Trung Quốc hay một nước nào đó, thì rõ ràng đó là một bộ phim thất bại.
Để tạo sức hút với khán giả truyền hình, nhà sản xuất phim “Võ Tắc Thiên” (Trung Quốc) đã chi rất nhiều tiền để đầu tư về mặt trang phục cho dàn diễn viên của mình. Chỉ riêng nàng “Võ Mị Nương” Phạm Băng Băng, số trang phục nữ diễn viên này mặc xuất hiện trên màn ảnh lên tới 260 bộ trong tổng số hơn 3.000 bộ cho tất cả diễn viên trong đoàn. Bộ trang phục đắt nhất trong phim là chiếc áo Long bào cho Hoàng thượng Lý Trị có giá 80.000USD. |
Họa sĩ Nguyễn Thu Hà: Chọn chi tiết hay tinh thần? Những trang phục tôi thiết kế cho các phim “Long thành cầm giả ca”, “Trò đời”, “Người cộng sự”… đều được thiết kế trên nguyên tắc tôn trọng tinh thần của trang phục truyền thống. Nhưng bản thân tôi cũng còn nhiều băn khoăn. Chúng tôi luôn phải đứng trước lựa chọn lấy sự chính xác về chi tiết hay chỉ lựa chọn tinh thần Việt truyền thống? Với trang phục truyền thống của người Việt, chiếc áo gấm bên trong thời xưa bao giờ cũng phải có một lớp the đen phủ ngoài để che đi sự sang trọng hay các sắc màu chói, đó là sự tinh tế, ý nhị và khiêm tốn mà khi thiết kế trang phục tôi luôn lưu ý”. Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức: Cần căn cứ tính cách nhân vật Với người trẻ nghiên cứu trang phục, đôi khi các bạn lệ thuộc vào trang phục nghiên cứu. Trong khi trên phim đôi khi có những yêu cầu có trang phục khác biệt nhau theo tính cách nhân vật. Nhân vật nếu mang tính thiện thì trang phục sẽ phải khác đi. Nếu người đó gian ác thì trang phục sẽ khác, nó có thể không đúng sự thật mà phản ánh tính cách, hoàn cảnh của nhân vật đó. Bởi vậy theo tôi phải cảm thụ trên cả tinh thần đó nữa, chứ không chỉ dựa trên sách sử, tài liệu nghiên cứu”. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Thể hiện cốt cách, tư tưởng người Việt Các nhà nghiên cứu, thiết kế mỹ thuật trang phục nên tìm hiểu tác phẩm “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa” được soạn thảo ở thế kỷ 17 do Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc soạn. Trong đó có mục giới thiệu tất cả những loại vải quý, trang phục thời xưa và ghi rõ loại nào mặc cho ai, dùng vào việc gì, các chi tiết cụ thể trên bộ áo. Trang phục dù trên phim hay ngoài đời đều phải biểu hiện sự ý nhị, thẩm mỹ tinh tế của người Việt, phải thể hiện được cốt cách và giá trị tư tưởng, đạo đức con người Việt, dân tộc Việt”. Hà Thu (ghi) |