LTS: Vừa qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì soạn thảo Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chi tiết việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản thay thế biện pháp ngăn chặn tạm giam. Ngay lập tức, dự thảo này nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều ý kiến đa chiều. Ngoài một số ý kiến phản đối, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ, đặc biệt là giới luật sư và gia đình của nhiều bị can, bị cáo. NTNN đã tổ chức bàn tròn với một số bên liên quan.
Luật sư- TS Trần Đình Triển: Thể hiện tính nhân đạo của pháp luật
Việc áp dụng chính sách không bắt tạm giam, hay thay đổi biện pháp ngăn chặn như bắt tạm giam với người có hành vi phạm tội bằng biện pháp nộp tiền hoặc tài sản không phải là vấn đề mới trong tố tụng. Đây là khoa học học lý tiên tiến, thể hiện tính chất nhân đạo và áp dụng đòn bẩy kinh tế để giải quyết vấn đề kinh tế. Trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng.
Nay các cơ quan liên ngành là Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Tài chính họp bàn để đưa ra thông tư liên ngành giải quyết vấn đề trên đây là việc rất cần thiết phải làm. Tuy vậy theo tôi cũng phải sớm ban hành thông tư này để giải quyết vấn đề về kinh tế trong tội phạm. Đã là kinh tế thì nguyên tắc cơ bản nhất đó là khắc phục được hậu quả.
Tuy nhiên cũng phải nói không thể áp dụng đối với tất cả các tội phạm trong Bộ luật Hình sự, chỉ nên gói gọn trong những tội xâm phạm về sở hữu, tội vô ý, hay cố ý gây hậu quả về mặt kinh tế. Còn với tội phạm xâm hại đến an ninh quốc gia, tội phạm xâm hại về nhân thân như giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, hoặc tội ma túy... thì không thể áp dụng biện pháp này.
Ông Lê Văn Hùng - Viện KSND huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh: Người nghèo sẽ chạnh lòng!
Ở Hà Tĩnh, một số đơn vị tố tụng đã áp dụng (như Viện KSND huyện Hương Khê) đã tổ chức đặt tiền bảo lãnh, nhưng chưa hiệu quả vì chưa có thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể để áp dụng điều luật này vào thực tế. Theo tôi, việc đặt tiền hoặc tài sản để bảo lãnh cho các nghi can, bị can, bị cáo là xu thế tất yếu, nhưng cần phải xem xét nó có phù hợp không.
Vì hiện nay, cơ chế ràng buộc các nghi can, bị can, bị cáo khi đặt tiền, tài sản bảo lãnh là chưa có. Nhiều đối tượng sau khi được bảo lãnh đã không đến trình diện cơ quan tố tụng, hoặc thậm chí có đối tượng còn bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Khi đó, các cơ quan tố tụng lại phải trả lại tiền, tài sản đã đặt bảo lãnh và áp dụng lại biện pháp tạm giam.
Ngoài ra, việc đặt tiền hoặc tài sản để thay thế biện pháp tạm giam cũng khiến người dân hiểu sai về pháp luật, chẳng hạn như: Cùng một hành vi vi phạm giống nhau, người có tiền thì không bị tạm giam, người không có tiền thì bị giam. Như thế người nghèo sẽ thấy chạnh lòng, bất công (?). Vì vậy, thông tư này cần phải nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn.
Ông Nguyễn Văn Hoàn - Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp: Xác định rõ nguồn tiền đem đi đặt
Có nhiều ý kiến lo ngại rằng các bị can, bị cáo phạm tội gây thiệt hại lớn về kinh tế sẽ dùng chính tiền do phạm tội mà có để đặt thay cho tạm giam, tôi xin khẳng định: Không phải bất kỳ loại tiền, tài sản nào cũng có thể được dùng để đặt.
Tinh thần này được thể hiện rõ trong dự thảo thông tư, theo đó, có một số loại tài sản không được đem đặt để bảo đảm thay thế cho biện pháp tạm giam, như: Tài sản đang tranh chấp; tài sản đang bị kê biên hoặc tạm giữ; tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp; phần giá trị tài sản đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác; tài sản là hàng hóa cấm lưu thông… Hơn nữa, dự thảo thông tư liên tịch cũng xác định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác minh tình trạng tài sản của bị can, bị cáo để xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản có giá trị đối với họ.
(trích Dự thảo lần 5 Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều 93, BLTTHS)
Ông Phạm Ngọc Đức - Kiểm sát viên, Viện KSND tối cao: Nên áp dụng thí điểm
Việc ban hành thông tư hướng dẫn là cần kíp, tránh những hậu quả không đáng có đối với những người bị giam giữ trong những vụ án có dấu hiệu oan sai. Nó cũng giúp cơ quan tố tụng phải đi giải quyết oan sai, bồi thường gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Nhưng cũng cần phải cân nhắc kỹ, vì sao luật quy định đặt tiền hoặc tài sản để thay thế biện pháp tạm giam đã có từ lâu nhưng không thực hiện được, hoặc thực hiện nhưng không thành công. Vì vậy theo đánh giá của tôi, khi có thông tư hướng dẫn, chúng ta nên áp dụng thí điểm trước ở một số địa phương rồi đánh giá xem có phù hợp không, sau đó mới áp dụng trên diện rộng để tránh sai sót.
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP. Hà Nội): Quy định rõ để tránh tiêu cực
Việc ban hành thông tư liên tịch quy định việc người phạm tội được đặt tiền hoặc tài sản để không bị bắt tạm giam trong quá trình điều tra là việc làm cần thiết bởi nó thể hiện sự tiến bộ, văn minh của pháp luật. Vấn đề cần đặt ra ở đây, quy định phải cụ thể từ chủ thể thực hiện đến đối tượng được áp dụng.
Quy định nên tránh việc giao quyền thực hiện kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Mức tiền đặt ra cũng phải phù hợp với đời sống người dân cũng như hành vi phạm tội mắc phải. Nếu không chỉ có người giàu mới được hưởng lợi còn người nghèo bị bỏ qua. Luật cũng đã đề cập tới loại tội phạm ít nghiêm trọng, trong quá trình điều tra bản thân bị can có thể đã được hưởng tại ngoại. Nhưng lâu nay việc áp dụng tại ngoại của các cơ quan tố tụng thường không thống nhất, dễ dẫn đến nảy sinh tiêu cực.
Lương Kết - Thắng Quang - Hải Phong