Dân Việt

Kỳ án giết người ở Tuyên Quang: Buộc tội nào cũng không có cơ sở!

Chân Luận 01/10/2015 06:52 GMT+7
Theo đoàn giám sát liên ngành, không có cơ sở kết luận năm người dân ở Tuyên Quang giết người hay cố ý gây thương tích như quy kết của CQĐT, VKS…

Như Pháp luật TP.HCM đã thông tin, tháng 7.2012, ông Đặng Văn Cường (ngụ xã Bằng Cốc, Hàm Yên, Tuyên Quang) chết tại nhà không rõ nguyên nhân. Hai tháng sau, từ một lá đơn tố giác nặc danh, năm người dân địa phương là Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Văn Tuyên, Đặng Việt Sơn đã bị Công an huyện Hàm Yên bắt, khởi tố về tội giết người rồi chuyển vụ án lên Công an tỉnh Tuyên Quang.

Sau 14 phiên xử không kết tội được, tháng 3.2015, CQĐT Công an tỉnh Tuyên Quang đã chuyển sang khởi tố năm người dân về tội cố ý gây thương tích và ba ngày sau hoàn tất kết luận điều tra về tội này. Tiếp đó, VKSND tỉnh Tuyên Quang ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với năm người dân này với lý do vợ nạn nhân rút đơn yêu cầu khởi tố.

Giết người: Chưa có cơ sở kết luận

Từ ngày 12 đến 14.8.2015, đoàn giám sát liên ngành về việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức (thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam) đã làm việc với các cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang và huyện Hàm Yên về vụ kỳ án giết người ở Tuyên Quang.

Mới đây, đoàn giám sát đã có báo cáo kết quả giám sát. Theo đó, qua xem xét các báo cáo của Công an tỉnh Tuyên Quang, VKSND tỉnh Tuyên Quang, Công an huyện Hàm Yên, VKSND huyện Hàm Yên cùng các tài liệu trong hồ sơ vụ án, đoàn giám sát thấy rằng ngoài những lời khai nhận tội còn một số điểm mâu thuẫn của năm bị can, không có bất cứ tài liệu nào khác chứng minh ai cắt tay nạn nhân, ai cầm túi nylon hứng máu… như CQĐT, VKS đã mô tả hành vi phạm tội.

img

Các ông Thái, Quang, Sơn, Tiếp, Tuyên (từ trái qua) trong buổi làm việc với đoàn giám sát liên ngành tại trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngày 19.7.2015. Ảnh: C.Luận

Theo đoàn giám sát, việc CQĐT Công an tỉnh, VKS tỉnh căn cứ vào lời nhận tội mâu thuẫn của các bị can để buộc tội họ là chưa đúng với khoản 2 Điều 172 BLTTHS: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.

Ngày 12.8.2015, làm việc với đoàn giám sát, đại diện TAND tỉnh Tuyên Quang khẳng định tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn, chưa đủ cơ sở kết luận năm bị can phạm tội giết người theo Điều 93 BLHS. Tại các phiên xử, năm người dân này đều phản cung, không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, cho rằng lời nhận tội tại CQĐT là do bị điều tra viên mớm cung, ép cung, bức cung.

Cùng ngày, làm việc với đoàn giám sát, đại diện Công an tỉnh Tuyên Quang cũng thừa nhận sau nhiều lần điều tra bổ sung, đến lần thứ năm, căn cứ vào kết quả điều tra xác định chưa có cơ sở vững chắc kết luận năm bị can phạm tội giết người.

Cố ý gây thương tích: Cũng không có cơ sở

Theo đại diện Công an tỉnh Tuyên Quang, đã đủ cơ sở xác định các bị can phạm tội cố ý gây thương tích với tỉ lệ tổn hại sức khỏe khoảng 6%. Các thương tích trên trán nạn nhân do các bị can thực hiện vào đêm tối. Có người dùng gậy, có người dùng tay chân đánh nạn nhân nên không xác định được ai đánh vào đâu.

Theo đoàn giám sát, các bản cung và tường trình của năm bị can còn nhiều mâu thuẫn. Mặt khác, không có nhân chứng trực tiếp nào chứng kiến việc các bị can gây thương tích cho nạn nhân. Ngoài ra, kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh nêu tỉ lệ tổn hại sức khỏe của nạn nhân tổng cộng 6% là mang tính chất nhận định nếu nạn nhân còn sống, để lại sẹo, trong khi nạn nhân đã chết. Hơn nữa, một kết luận giám định khác sau đó vào tháng 6.2013 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho biết không có cơ sở xác định mức độ tổn hại sức khỏe của nạn nhân.

Từ đó đoàn giám sát nhận định: Việc CQĐT Công an tỉnh chuyển sang khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS (sau 14 phiên xử không kết tội được họ về tội giết người - NV) là không có cơ sở.

Nhiều sai sót khác

Báo cáo của đoàn giám sát nhận định trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng địa phương còn mắc nhiều sai sót khác.

Cụ thể, nhận thức và đánh giá chứng cứ của cán bộ điều tra, kiểm sát viên chưa đầy đủ, toàn diện dẫn đến nhiều vi phạm, yếu kém trong quá trình điều tra, kiểm sát. Chẳng hạn, theo khoản 2 Điều 57 BLTTHS, trường hợp của năm bị can phải có người bào chữa kịp thời, nhanh chóng nhưng trong tổng số 44 bản cung mà CQĐT đã tiến hành với năm bị can, chỉ có tám bản cung có sự tham gia của… trợ giúp viên pháp lý. Khi TAND, VKS tỉnh yêu cầu, CQĐT mới làm thủ tục đề nghị đoàn luật sư tỉnh cử luật sư bào chữa chỉ định cho năm bị can. Tuy vậy, trong số 35 bản cung sau đó thì chỉ có 17 bản cung có sự tham gia của luật sư, một bản cung có sự tham gia của đại diện hợp pháp của bị can Đặng Văn Tuyên. Như vậy, đã có tổng cộng 54 bản cung trong hồ sơ vụ án giết người không có sự tham gia của luật sư nên không có giá trị pháp lý.

Trong vụ án, VKS tỉnh trả hồ sơ hai lần, TAND tỉnh Tuyên Quang trả hồ sơ ba lần yêu cầu điều tra bổ sung. Theo đoàn giám sát, việc TAND tỉnh trả hồ sơ ba lần là vượt quá số lần tòa được trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung theo khoản 2 Điều 121 BLTTHS. Điều này thể hiện sự cẩn trọng của TAND tỉnh trong việc xét xử vụ án nhưng hậu quả của việc trả hồ sơ nhiều lần làm cho các bị cáo bị kéo dài thời gian tạm giam một cách không thỏa đáng.

Năm đề nghị của đoàn giám sát

- Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Tuyên Quang, Công an huyện Hàm Yên rút kinh nghiệm, kiểm điểm thiếu sót, vi phạm trong việc thu thập, niêm phong, nhận dạng, truy nguyên vật chứng, thực hiện nghiêm chỉnh hơn nữa việc đảm bảo bắt buộc phải có người bào chữa là luật sư theo Điều 57 BLTTHS để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo.

- Đề nghị VKSND Tối cao chỉ đạo VKSND tỉnh Tuyên Quang và VKSND huyện Hàm Yên rút kinh nghiệm, kiểm điểm thiếu sót, vi phạm trong việc kiểm sát điều tra.

- Đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo TAND tỉnh Tuyên Quang rút kinh nghiệm, thực hiện nghiêm chỉnh quy định về số lần trả hồ sơ điều tra bổ sung.

- Đề nghị Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có ý kiến chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tại Tuyên Quang quán triệt các thành viên tích cực tham gia hoạt động bào chữa trong trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa.

- Đề nghị Công an xã Bằng Cốc, Công an huyện Hàm Yên có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, chủ động, tích cực tuyên truyền pháp luật, giải đáp thắc mắc để ổn định tâm lý, nâng cao nhận thức cho người dân tại địa phương.

Cái chết kỳ lạ

Theo hồ sơ, tối 14.7.2012, vợ ông Đặng Văn Cường tỉnh dậy không thấy chồng đâu nên nghĩ chồng ra coi ao cá (cách nhà khoảng 700m). 17h hôm sau, ông Cường mới về nhà, tắm ở bể nước. Vợ ông Cường hỏi: “Đi đâu giờ này mới về?” thì ông Cường trả lời “đánh nhau” rồi nhờ vợ lấy quần áo thay.

Vợ ông Cường sau đó đi tìm con, lúc về nhà thì thấy ông Cường đã vào giường ngủ. Bà gọi ông Cường dậy ăn cơm thì ông Cường nói bà trộn nước sôi để nguội vào chén cơm. Ông Cường ngồi trên giường ăn, một lúc sau ói ra hết. Thấy chồng mệt, vợ ông bảo ông ra trạm xá xã xin thuốc. Ông Cường không nói gì, tiếp tục nằm ngủ. Đến khoảng 2h ngày 16.7.2012, vợ ông Cường phát hiện ông đã chết.

Kiểm tra thi thể ông Cường, gia đình thấy có vết cắt ở hai cổ tay và một số vết thương ở trán nên yêu cầu công an làm rõ. Theo kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tuyên Quang, nguyên nhân tử vong của nạn nhân là do “suy hô hấp, suy tuần hoàn do tổn thương viêm phổi kẽ, phù, xuất tiết, bí tắc đường hô hấp, tổn thương thiếu máu cơ tim”. Phần đầu tử thi của nạn nhân có dấu hiệu tổn thương, các vết thương trên thi thể đều rất nhẹ, nông, máu mất không nhiều và không phải là nguyên nhân trực tiếp gây suy hô hấp, tuần hoàn dẫn đến việc nạn nhân tử vong.

Một tháng sau, Công an huyện Hàm Yên nhận được một lá đơn nặc danh của “một công dân xã Bằng Cốc” tố năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn gây ra cái chết của ông Cường. Ngày 22.8.2012, cha ruột và cha vợ của ông Cường viết đơn yêu cầu Công an huyện Hàm Yên làm sáng tỏ vụ án. Ngày 11.9.2012, cha ruột ông Cường viết "đơn khởi kiện" ông Thái, cho rằng “vì mâu thuẫn đất đai nên ông Thái đã dọa sẽ giết ông Cường bằng thuốc sâu”. Cùng ngày, vợ ông Cường cũng viết đơn yêu cầu Công an huyện Hàm Yên vào cuộc.

Dù không có chứng cứ gì khác nhưng ngày 16.9.2012, Công an huyện Hàm Yên vẫn triệu tập, bắt các ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn, khởi tố họ về tội giết người...