Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và đã có 25 trường hợp tử vong. Địa phương dẫn đầu trong cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết là TP HCM với gần 10.000 ca, trong đó 3 trường hợp tử vong.
Tại Hà Nội, Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết, tính đến hết tháng 9 ghi nhận 9.215 ca, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia y tế theo dõi sức khỏe bệnh nhân sốt xuất huyết.
Theo ghi nhận, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, TS. Hoàng Văn Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, tính đến hết ngày 28.9, bệnh viện tiếp nhận 648 bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết đến khám và điều trị, trong đó riêng tháng 9 có 305 người. Trong số những ca sốt xuất huyết nhập viện, số người ở Hà Nội chiếm 88%, tập trung ở các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Trì.
Theo TS. Tuyết, hiện tại, tình hình dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, bệnh viện phải tiếp đón số bệnh nhân đến khám và điều trị rất đông. Một số phòng bệnh phải nằm ghép 2, ghép 3 bệnh nhân/ giường.
ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang điều trị là 26 ca, chiếm 4% số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện.
Bác sĩ Cấp cho biết, đa số các ca có thể điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh và thành phố mà không cần lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị, gây quá tải cho bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn sẵn sàng ký cam kết nằm ghép.
Bản cam kết nằm ghép để điều trị sốt xuất huyết của bệnh nhân.
Cũng theo Th.S Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus – Ký sinh trùng, với điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện, các bác sĩ mong muốn bệnh nhân chia sẻ những khó khăn của bệnh viện trong giai đoạn dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh như hiện nay.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh đã đề nghị bệnh viện giảm quá tải. Theo đó, Khoa Khám bệnh phải thực hiện tốt công tác phân loại, sàng lọc bệnh nhân và điều chuyển hợp lý bệnh nhân giữa các khoa.
“Đặc biệt, bệnh viện không để bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết, hạn chế bức xúc của người bệnh”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Trước tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, Cục sẽ chỉ đạo các bệnh viện trong cả nước thực hiện nghiêm công tác chuyển viện. Các bệnh viện phải tổng hợp các trường hợp tử vong, phân tích nguyên nhân tử vong, rút kinh nghiệm và phổ biến kịp thời nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh chia sẻ kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết cho bệnh nhân
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng khuyến cáo người dân, không điều trị tại nhà, hãy đến ngay cơ sở y tế khi có các biểu hiện nghi ngờ sốt xuất huyết như sốt cao liên tục 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau cơ, đau khớp; buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu; phát ban, xuất huyết dưới da.
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các cán bộ y tế nên nghĩ tới sốt xuất huyết khi người bệnh bị sốt đến khám; tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết đã được ban hành. Bên cạnh đó, cần theo dõi sát các triệu chứng cơ năng và thực thể của người bệnh để phát hiện, chẩn đoán, điều trị sớm đúng theo hướng dẫn đã ban hành; hội chẩn với tuyến trên khi khó chẩn đoán, điều trị.