Dân Việt

Vụ Đà Nẵng kiện "nhân tài": Tiền của dân nên phải thu hồi

Đình Thiên 01/10/2015 14:04 GMT+7
Được xem là “nhân tài” nên họ được chính quyền Đà Nẵng tạo điều kiện cho đi tu nghiệp ở nước ngoài với cam kết quay trở lại, dùng những gì mình học được để đóng góp cho quê hương. Thế nhưng họ lại bội tín, phá vỡ hợp đồng. Cực chẳng đã, chính quyền Đà Nẵng phải khởi kiện hàng loạt “nhân tài” ra toà nhằm thu lại chi phí mà nhà nước đã bỏ ra…

“Nhân tài” bội tín

Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng cho biết, ngày 28.9, UBND TP. Đà Nẵng đã khởi khiện 7 cá nhân thuộc Đề án 922 (đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước cho TP. Đà Nẵng) ra Toà dân sự TP. Đà Nẵng vì họ phá vỡ hợp đồng, không quay trở về làm việc cho thành phố.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chánh văn phòng Trung tâm cho biết: "Đợt này chúng tôi khởi kiện 7 cá nhân ra toà nhằm thu hồi 10 tỷ đồng chi phí. Trong đó có 2 cá nhân phải bồi hoàn 5,8 tỷ đồng".

img

Phần lớn học viên quay trở lại làm việc cho TP. Đà Nẵng sau khi tu nghiệp nước ngoài

Ông Dũng cho hay, vào tháng 9.2010, học viên Hồ Viết Luận được thành phố duyệt cho đi học ngành Kỹ sư xây dựng dân dụng và môi trường tại Đại học Nottingham (Vương quốc Anh) với hợp đồng cam kết phải trở về làm việc ít nhất 7 năm cho TP. Đà Nẵng, nếu vi phạm phải bồi thường gấp 5 lần kinh phí thành phố bỏ ra. Trong 3 năm học, thành phố đã cấp cho học viên Luận số tiền gần 2,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, học xong đại học, học viên Luận không trở quay về Đà Nẵng như cam kết.

Tương tự, vào tháng 2.2006, học viên Huỳnh Thị Thanh Trà được TP. Đà Nẵng cấp hơn 1,5 tỷ đồng để theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc tế Tây Mỹ, Mỹ. Sau khi học xong, đúng ra học viên Trà phải quay về làm việc cho Đà Nẵng như cam kết nhưng học viên Trà có nguyện vọng tiếp tục ở lại Mỹ học lên thạc sĩ với kinh phí tự túc và được thành phố tạo điều kiện. Tuy nhiên giống như học viên Luận, sau khi học xong, học viên Trà không về làm việc cho thành phố Đà Nẵng như cam kết.

Ông Dũng còn cho biết: "Trước khi khởi kiện, UBND TP. Đà Nẵng đã nhiều lần liên lạc với các cá nhân này nhưng bất thành. Tất cả cá nhân này hiện đang ở nước ngoài nhưng UBND thành phố cũng nhiều lần tới gặp gia đình họ để động viên và thương lượng nhưng họ không hợp tác nên chúng tôi buộc phải khởi kiện".

Tiền thuế của dân nên phải thu hồi

Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP. Đà Nẵng cho hay, để một học viên được đi học nước ngoài, tính cả tiền học phí cùng các khoản chi phí bắt buộc khác như vé máy bay, bảo hiểm y tế, lệ phí visa... thành phố phải bỏ ra khoảng 600-800 triệu đồng/năm. Tất cả chi phí này đều từ ngân sách của thành phố và chính là tiền thuế của người dân.

Vì vậy mỗi học viên khi ra trường phải làm việc cho thành phố từ 5 đến 7 năm mới hoàn đủ chi phí. Tất cả các điều khoản đều được học viên và UBND thành phố Đà Nẵng làm thành hợp đồng.

"Đúng ra, đợt này chúng tôi có thể yêu cầu 7 học viên bồi hoàn số tiền cao hơn 10 tỷ đồng nếu chiếu theo hợp đồng. Tuy nhiên, ở đây, ngoài một số trường hợp có điều kiện kinh tế nhưng chây ỳ thì vẫn có trường hợp khó khăn thật sự. Vậy nên thành phố đưa ra số tiền trên hoàn toàn hợp tình hợp lý và các học viện hoàn toàn có thể bồi hoàn cho thành phố được. Hiện, sau phiên sơ thẩm, Toà đã tuyên thành phố thắng kiện", ông Chiến cho hay.

Ông Chiến còn cho biết, ngoài 7 trường hợp trên, hiện còn 17 trường hợp khác vi phạm hợp đồng nhưng thành phố đang cho họ cơ hội để tự thoả thuận. "Nếu những người này không chấp hành, chúng tôi sẽ xét theo hợp đồng, chứng từ kinh tế, nguồn gốc số tiền… để khởi kiện thu hồi ngân sách đã bỏ ra", ông Chiến nói.

Theo số liệu Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP. Đà Nẵng cung cấp, tính đến tháng 7.5015, đã có 625 lượt người tham gia Đề án 922.

Trong đó, có 397 học viên bậc đại học (163 học trong nước, 234 học ở nước ngoài); 109 lượt học viên bậc sau đại học ở nước ngoài (89 bậc thạc sĩ và 20 bậc tiến sĩ), 119 học viên tham gia Đề án theo Kế hoạch đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú.

Số lượng học viên tham gia Đề án 922 đã tốt nghiệp là 390 lượt người và hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố là 315 người (336 lượt), gồm 85 bậc sau đại học; 164 bậc đại học; 66 bác sĩ, bác sĩ nội trú. 

Số học viên đang học tự túc là 26 người và số học chuyển tiếp sau đại học bằng kinh phí Đề án là 03 người. Số lượng học viên vi phạm hợp đồng hoặc xin ra khỏi Đề án chỉ với 71 người; trong đó, 42 người vi phạm hợp đồng, 29 người xin rút khỏi Đề án.