Dân Việt

Sân khấu kịch TPHCM chỉ sống sót nếu...

Minh Thi 02/10/2015 09:47 GMT+7
Idecaf - địa chỉ ăn khách bậc nhất về kịch nói tại TPHCM - vào mùa mưa ảm đạm năm nay đã bị giảm lượng khán giả đến 50%. Nguyên do: Thời điểm này là điểm rơi của sân khấu hằng năm, - giảm 30% như thường lệ, giảm thêm 10% - 20% do khán giả ngồi nhà xem hài truyền hình thực tế, và không có vở mới từ Tết Nguyên đán tới nay.

“Thần kinh thép” mới làm “bầu”

Lý do chưa có kịch bản hay, và ngay cả khi có kịch bản đi nữa thì đây cũng là mùa diễn viên, nghệ sĩ chạy sô đóng phim, truyền hình, không ai rảnh mà tập kịch! Thảm trạng này còn diễn ra ở những sân khấu khác như sân khấu của NSND Hồng Vân, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh… Riêng Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ đã tạm ngừng biểu diễn trong nhiều tháng để sửa chữa.

img

Tuy nhiên, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của Idecaf vẫn bình tĩnh cho rằng, đây chưa phải là điều đáng lo. Sau mùa ế khách này, đến mùa tết, sân khấu sẽ xôm tụ trở lại. Đáng lo hơn, theo ông, chính là gu khán giả dần thay đổi, do thói quen xem hài truyền hình thực tế (thực tế đó chỉ là tấu hài), rồi kịch ma, kịch đồng tính... quá nhiều, đâm ra xuống cấp về mặt thẩm mỹ.

“Vấn đề là phải có kịch bản hay để níu khán giả. Đã 20 năm trong nghề nên tôi biết, sân khấu sẽ có những giai đoạn lên và xuống như thế, nhất là vào mùa từ tháng 7 đến tháng 12. Những người yêu kịch đang mong đợi có tác phẩm mới, tương đối cứng tay, thì họ sẽ quay trở lại” - ông Tuấn cho biết.

Thế nhưng, kịch mục hiện là phần đau đầu nhất của nhiều sân khấu. Đa số không tìm ra kịch bản hay, nên dựng lại những vở cách đây 5-10 năm là cách thường thấy nhất.

Cách đây không lâu, “bà bầu” Hồng Vân cũng từng lên tiếng: “Nếu không đủ sức cầm cự, tôi sẽ đóng cửa sân khấu”. Một địa chỉ ăn nên làm ra như sân khấu Kịch Phú Nhuận với một thời hoàng kim rồi cũng đến lúc cầm chừng về mặt khán giả, và nếu giá mặt bằng lên thì chị đành đóng cửa. Và như chị thú nhận: “Đôi khi, người ta phải có thần kinh thép mới chịu được áp lực của việc làm “bầu” sân khấu”.

Không riêng gì Idecaf, nhiều sân khấu khác phải bù lỗ đến 50%, có khi còn hơn. Thậm chí ở sân khấu kịch Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, có khi chỉ 50 - 70 vé cũng phải sáng đèn. Không ít lần sân khấu phải hủy suất diễn, xin lỗi khán giả vì chỉ bán được dưới 10 vé.

“Điểm rơi” không dừng, nếu…

Nhiều người cho rằng, sân khấu hài trên truyền hình đã “cướp” khán giả của sân khấu kịch nói. Chưa kể, nghệ sĩ, diễn viên toàn chạy đóng phim, làm giám khảo, tham gia các cuộc thi... chẳng còn ai ngồi tập. Ngay cả người thiết tha với nghề như NSƯT Hữu Châu cũng phải tranh thủ mùa này để đi đóng phim, vì lý do, cơ hội đến phải chộp lấy. “Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn phải thỏa thuận, hết mùa ế này thì các diễn viên phải trở về vì sân khấu vẫn là nơi chốn làm nghề gắn bó nhất của họ.

Cũng phải kể thêm sự dễ dãi về đề tài, cách thức đầu tư... đã khiến nhiều sân khấu mất khán giả.

Theo đạo diễn, NSƯT Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, tình hình sân khấu kịch đi xuống thì khó mà vực lại nổi. Ngay cả Hội Sân khấu cũng chỉ là một tổ chức nghề nghiệp, không thể tác động gì được hơn. Chỉ có thể còn một cách duy nhất, là các sân khấu phải dựng những vở tử tế, có chất lượng, nếu không, sân khấu vẫn tiếp tục trong tình trạng bấp bênh, rã đám như thế.

Mùa kịch tết là lúc các sân khấu kịch hy vọng sáng đèn thường xuyên trở lại. Nhưng nhiều năm gần đây, tình trạng dựng vở cho có, nội dung không có gì đặc sắc, miễn là kịch mục mới, chủ yếu thiên về hài, giải trí, nên phần đông các vở diễn tết đều nhạt. Điều này đã được nhìn thấy trước từ nhiều năm nay, nhưng vì mải câu khách nên nhiều sân khấu ngó lơ, đến khi giật mình thì khán giả đã hững hờ với kịch mất rồi.