Ngày 18.5, cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can thực hiện lệnh bắt, khám xét nơi ở và làm việc của ông Dương Chí Dũng, về tội cố ý làm trái quy định quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165, Bộ Luật hình sự, xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Nhưng ông Dũng đã bỏ trốn vào chiều 17.5.
Tiếp đó, ngày 18.5.2012, Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đặc biệt số 01/C48-P2 trong toàn quốc đồng thời phối hợp với Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng.
>> Điểm lại diễn tiến vụ án Dương Chí Dũng
Ngoài ông Dũng, cơ quan CSĐT cũng bắt, khám xét nơi làm việc của một số lãnh đạo khác liên quan, để điều tra làm rõ hàng loạt sai phạm, gây thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng tại Vinalines. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ sau khi thanh tra tại Vinalines giai đoạn 2007-2010, Vinalines đang có 5 khoản nợ có nguy cơ không thu hồi được với số tiền trên 23.062 tỉ đồng.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ sau khi thanh tra tại Vinalines giai đoạn 2007-2010, cho rằng: Vinalines đang có 5 khoản nợ có nguy cơ không thu hồi được với số tiền trên 23.062 tỷ đồng. Vinalines còn mua 73 tàu biển từ nước ngoài nhưng đa số đã qua sử dụng với tổng trị giá gần 23.000 tỷ đồng.
Trong đó có 17 tàu qua sử dụng trên 15 năm, thậm chí có tàu trên 30 năm, tình trạng kỹ thuật kém làm tăng chi phí bảo dưỡng, sửa chữa trong khi vốn đầu tư, kinh doanh đều phải đi vay làm phát sinh chi phí lãi vay, chênh lệch tỷ giá hối đoái...
Trong việc mua tàu cũng xảy ra tình trạng chênh lệch giá rất lớn và khi đưa vào khai thác có ảnh hưởng khác nhau đối với kinh tế vận tải biển. Cụ thể như tàu Inlaco Sping có giá mua 14,6 tỷ đồng, tàu Nosco Glory lại có giá mua 1.210,5 tỷ đồng nhưng quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án không có sự phân biệt nào. Hầu hết dự án mua tàu được lập sơ sài và dự án nào cũng nêu hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hồi vốn nhanh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy 5/27 tàu đóng mới, 34/73 tàu mua về đưa vào khai thác trong giai đoạn 2005-2010 đều bị lỗ, thậm chí có tàu lỗ nặng phải bán. Cụ thể như tàu VNL Galaxy mua năm 2007 với giá 973,4 tỷ đồng, đến cuối năm 2010 lỗ 192 tỷ đồng; tàu VN Glory giá 873,1 tỷ đồng, đến cuối năm 2010 lỗ 115,5 tỷ đồng; tàu VNL Global mua 73,3 tỷ đồng, đến cuối năm 2010 lỗ 77,3 tỷ đồng...
Thanh tra Chính phủ còn kết luận: Nhiều dự án đầu tư của Vinalines có sai phạm và có dấu hiệu cố ý làm trái như: Dự án “Đầu tư nhà máy sửa chữa tàu Vinalines phía Nam”, Vinalines mua ụ nổi No83M đã qua sử dụng 43 năm, vượt 28 năm so với quy định.
Giá mua ụ nổi và chi phí sửa chữa hai lần tại Việt Nam là 489,6 tỷ đồng (khoảng 26,3 triệu USD), tương đương 70% giá đóng ụ nổi mới, gây lãng phí vốn đầu tư.
Dự án “Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco Vinalines” được đầu tư xây dựng nhưng không có trong quy hoạch. Trong đó, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cảng - đường thủy (Tedi Port), Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông thủy và Công ty Tư vấn xây dựng công trình thủy 1 có dấu hiệu thông thầu để Tedi Port trúng thầu tư vấn lập hồ sơ hơn 2,4 tỷ đồng...
Ở dự án “Xây dựng cảng trung chuyển vịnh Vân Phong” có một số sai phạm như tổ chức lễ khởi công dự án 4,1 tỷ đồng, vượt quy định hơn 4 tỷ đồng. Điều chỉnh dự toán gói thầu số 1 từ 16 tỷ đồng lên 21,6 tỷ đồng và chỉ định đơn vị trúng thầu trong cùng một quyết định là sai quy định.
Ở Dự án “Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước”, Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn sử dụng 499 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước để mua trang thiết bị là chưa đúng mục đích vì đây là khoản tiền hỗ trợ di dời cảng.
Liên quan đến vụ việc, ngày 7.4, cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã bắt tạm giam 4 bị can khác là: Ông Bùi Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Vinalines; bà Đỗ Thị Bích Thủy - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông thuộc Vinalines; ông Hoàng Gia Hiệp - nguyên Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC); ông Ngô Văn Nhuận - Phó kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước thuộc khu vực 7.
Thắng Quang