Đạt tiêu chuẩn xuất khẩu
Ngay từ đầu tháng 9 đến nay, các vườn nhãn ở xã Song Phương, An Thượng (Hoài Đức) đã phủ một màu nâu vàng đẹp mắt của những chùm nhãn chín mọng, sai lúc lỉu bắt đầu vào mùa thu hoạch. Nụ cười được mùa nở trên khuôn mặt rạng rỡ của nhiều nông dân cần cù, chịu khó.
Ông Trần Văn Bảy, thôn Ba Lương, xã Song Phương là một trong những hộ trồng nhãn "mát tay" nhất huyện phấn khởi cho biết, với 600 gốc nhãn, năm nay gia đình ông dự kiến thu được khoảng 40 tấn nhãn muộn. Giống nhãn HTM2 quả tròn mà gia đình ông Bảy đang trồng có quả to, trọng lượng đạt 50 - 55 quả/kg, cùi dày, ngọt nên giá bán cao, hiện khoảng 40.000 đồng/kg.
Thu hoạch nhãn chín muộn tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiện
Hội Sảnxuất và kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức tính toán, hiện nay Hội có 60 hội viên với diện tích vườn nhãn đạt 50ha, sản lượng thu hoạch mỗi năm từ 300 - 400 tấn. Nhãn muộn có ưu thế là quả to, lại chín sau nên giá bán thường cao hơn nhãn chính vụ.
Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Sở NNPTNT Hà Nội, các hộ trồng nhãn muộn đã chuyển sang canh tác theo quy trình VietGAP, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP). Đặc biệt, tháng 4, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cấp mã số vùng trồng cho 18,7ha nhãn muộn thuộc Hội Sản xuất và kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức. Từ một sản phẩm bị nhiều người tiêu dùng nhầm tưởng là hàng Trung Quốc, đến nay nhãn muộn Hoài Đức đã được nhiều người biết đến.
Ông Lê Nhật Thành - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 1, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, những thị trường khó tính như Mỹ, Australia đòi hỏi chất lượng khắt khe về tiêu chuẩn, dư lượng thuốc BVTV, kiểm tra dịch hại trái cây trước khi xuất khẩu. Đối với nhãn muộn, lợi thế là khoảng 1 - 2 tháng trước khi thu hoạch, người dân không sử dụng thuốc BVTV nên an toàn hơn. Đáng chú ý, vừa rồi, Công ty TNHH Ánh Dương Sao (TP. Hồ Chí Minh) có lấy mẫu và đánh giá, nhãn muộn Hà Nội hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Mỹ.
Đầu ra rộng mở
"Hiện Cục đã hoàn thiện việc cấp mã vùng trồng, hộ trồng nhãn muộn Hoài Đức cho đối tác Mỹ. Thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản… rất khó tính. Họ rất quan tâm tới dịch hại và thuốc bảo vệ thực vật. Phía Mỹ đã yêu cầu các vùng trồng nhãn xuất khẩu đi Mỹ không được sử dụng 5 hoạt chất trừ sâu, bệnh. Nếu trong quá trình kiểm tra, họ phát hiện thì lô hàng đó sẽ bị trả về, vùng trồng nhãn đó sẽ bị đánh dấu”. |
Nhãn chín muộn là một trong những cây đặc sản có giá trị kinh tế cao của Hà Nội, thời gian thu hoạch từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 10 hàng năm. Hiện diện tích trồng nhãn chín muộn của toàn TP.Hà Nội là 500ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Hoài Đức và Quốc Oai, sản lượng bình quân đạt 8.000 - 9.000 tấn.
Tuy nhiên, sản phẩm phần lớn được thu hái tươi, ít sơ chế, tiêu thụ chủ yếu qua thương lái nên đầu ra chưa ổn định. Hơn nữa, nhãn chín muộn Hà Nội có chất lượng ngon, ưu thế hơn nhiều giống nhãn của các địa phương khác nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Trước tình hình trên, mới đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã mời một số DN tham gia ký kết hợp tác tiêu thụ nhãn chín muộn cho người nông dân.
Vừa qua, đã có 1 lô hàng nhãn chín muộn của Hà Nội được Công ty TNHH Ánh Dương Sao làm thủ tục chiếu xạ rồi xuất khẩu sang thị trường Mỹ với khối lượng khoảng 500-900kg. Được biết, nếu xuất khẩu theo đường biển phải mất khoảng 19 ngày nhãn mới tới tay người tiêu dùng Mỹ, còn theo đường hàng không sẽ nhanh hơn. Hiện tại, giá bán nhãn Việt Nam trên thị trường Mỹ đang cao gấp 3 lần nhãn Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, nhãn muộn của Hà Nội dù giá cao nhưng vẫn có phân khúc thị trường riêng.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, việc nhãn muộn được xuất khẩu sang Mỹ là một bước tiến lớn cho sản xuất nông nghiệp Thủ đô. Dù không đặt tham vọng vào thị trường Mỹ, song việc nhãn muộn đặt chân được vào thị trường khó tính này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho người nông dân tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, không chỉ phục vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố mà còn đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sở NNPTNT Hà Nội cũng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tiếp tục khai thác tốt thị trường truyền thống trong nước. Đồng thời, mở rộng sang thị trường có giá trị cao như Mỹ, EU và khu vực Trung Đông. Trong đó xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp, hiệu quả, tiêu thụ lâu dài cho nhãn chín muộn.
Hiện nay, quả nhãn tươi của Việt Nam chủ yếu phục vụ tiêu dùng trong nước, mới xuất khẩu sang Mỹ được hơn 1 tấn trong tháng 8.2015. |