Dân Việt

Tiếng gọi của đất

01/01/2013 10:26 GMT+7
(Dân Việt) - Nông dân, nông thôn cũng là tác giả của đổi mới, đến những khởi sắc cho đô thị và công nghiệp. Nhưng rồi sau đó, những thành quả của đổi mới thì dường như nông thôn chỉ được tí chút, còn đô thị hưởng trọn!

Tiếng gọi ấy sao mà day dứt

Bỗng nhớ đến một tứ thơ xưa của cái thuở nước còn nô lệ:

"Gì sâu bằng những trưa thương nhớ.../... Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi/Đâu ruồng tre mát thở yên vui/ Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn/Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi...".

Nhưng đó là sự thương nhớ của một người chiến sĩ cách mạng đang bị giam trong tù "mơ qua cửa khám bao ngày".

... Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi! (Tố Hữu)

Giờ đây nông dân ta đã là người chủ đất nước, chủ ruộng đồng, nỗi thương nhớ ấy chắc chắn không thể giống như xưa được, liệu có khập khiễng khi nhắc lại ý xưa không nhỉ?

img
Người nông dân bao đời làm chủ ruộng đất nhưng cuộc sống thì vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Nông dân, nông thôn cũng là tác giả của đổi mới, đến những khởi sắc cho đô thị và công nghiệp. Nhưng rồi sau đó, những thành quả của đổi mới thì dường như nông thôn chỉ được tí chút, còn đô thị hưởng trọn!

Bỗng lại nhớ đến cuốn phim sáng giá "Thương nhớ đồng quê" của đạo diễn Đặng Nhật Minh gợi lên nỗi niềm sâu lắng của những hoài niệm cháy bỏng trong tâm thức Việt về quê hương đang còn lam lũ, liền mạch với khát vọng sống của người nông dân trong "Bao giờ cho đến tháng mười" cũng là lấy bối cảnh của nông thôn đang phải gồng mình chi viện cho tiền tuyến đánh giặc.

Vẫn một tâm tưởng: "Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi" ấy đấy thôi. Lùi xa hơn quãng nữa, cảnh huống của nỗi thương nhớ đồng quê trong những cuốn phim này cũng liền mạch với hình ảnh đồng quê trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân:

Cam ba lần ra trái/Bưởi ba lần ra hoa/Anh bước chân đi ra/Từ ngày đầu phòng ngự /Bước qua kỳ cầm cự/Anh có gửi lời về

... Chuối đầu vườn đã lổ/Cam đầu ngõ đã vàng/ Em nhớ ruộng nhớ vườn/Không nhớ anh răng được (Thăm lúa - Trần Hữu Thung)

Chắc buổi ấy, không ai nghĩ rằng, sau ngày thắng lợi, khi bắt tay vào xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, nỗi thương nhớ đồng quê lại day dứt theo một hướng khác và tiếng gọi đồng quê giờ đây cụ thể hơn, da diết hơn: "Tiếng gọi của đất"! Tiếng gọi này sao mà dữ dội đến vậy. Tiếng gọi da diết cất lên cũng từ những cánh đồng quê.

Liệu bà con nông dân mất đất từ chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy hoạch, rồi giải tỏa đền bù, rồi thu hồi, san lấp... đang bị gậy đi khiếu kiện theo tiếng gọi của đất buổi hôm nay có chút gì lướng vướng tới nỗi cảm hoài "Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi" khi thời nô lệ, phong kiến thực dân đã lùi xa ba phần tư thế kỷ?

Họ đang nghĩ gì khi mà trên danh nghĩa, họ là người làm chủ, là người chủ của mảnh đất tưới đẫm mồ hôi lao động nay không còn là của họ nữa? Và đâu chỉ mồ hôi? Để thực hiện mục tiêu "người cày có ruộng", bao nhiêu máu đã đổ! Trong "Vấn đề dân cày" của Qua Ninh và Vân Đình (bút danh của Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp) ấn hành năm 1937, ở trang 15 đã gióng lên tiếng chuông "Dân cày muốn cho số phận mình đỡ khổ hơn, vì họ khổ quá rồi. Giờ đã đến. Không thể ngập ngừng được nữa, không thể lừa dối họ mãi được nữa. Vấn đề dân cày cần phải được giải quyết một cách thành thật, ráo riết và mạnh bạo".

Và rồi nông dân đã vùng đứng dậy, họ đã là chủ lực quân của cách mạng. Nhiều thế hệ dân cày "Côi cút làm ăn toan lo nghèo khó, việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm" đã từng "Đạp rào lướt tới coi giặc cũng như không, nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào liều mình như chẳng có" (Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc - Nguyễn Đình Chiểu). Đuổi xong giặc, giành lại độc lập cho đất nước, những người nông dân ấy lại trở về với "ruộng đồng quê thương nhớ ơi".

Đúng, chính họ, "Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa" (Nguyễn Đình Thi). Nhưng rồi họ không thể "hiền", họ dữ dội đòi quyền sống từ mảnh đất đang bị "quy hoạch", "đền bù", "giải tỏa" và "thu hồi"! Mà thu hồi có nghĩa là quyền "người cày có ruộng" được đổi lấy bằng cả núi xương, sông máu không còn là, không phải là của họ nữa. Vậy là họ chưa hề có cái quyền đó sao? Chỉ là sự sử dụng không chính xác ngôn từ mà ngôn ngữ học cần đính chính hay là phải chỉnh sửa từ một kiểu tư duy sai lầm?

Thì đây, thật xốn xang khi trên tivi chiếu một phóng sự về những khu quy hoạch đang bị bỏ hoang với hình ảnh bà con nông dân xã Lai Vu, Hải Dương đang bòn mót những củ khoai lang èo uột từ những luống khoai tranh thủ trồng vội trên mảnh đất "đã quy hoạch" ấy để xây nên khu công nghiệp thuộc quyền quản lý của Vinashin, Vinalines gì đấy! Khu quy hoạch với những công trình xây dựng dang dở đang bỏ hoang với những cọc bê tông và dàn thép nhô lên trên những thửa đất cỏ mọc rậm rì như những cánh tay thần chết khua trên mảnh đất không người chăm bón.

Những củ khoai èo uột từ những bàn tay khẳng khiu đen đủi của bà mẹ nông dân lam lũ chiếu trên tivi buổi ấy không hiểu đáng giá bao nhiêu trên thị trường và là mấy phần triệu triệu so với vốn mấy chục, hay mấy trăm, mấy ngàn tỷ đồng tiền nhà nước đổ vào khu "quy hoạch" hiện đang làm chuồng bò, chuồng dê ?

Ấy vậy mà với "tầm nhìn xa", người ta tính toán rất chính xác với những con số rất hoành tráng rằng: Chuyển đổi mục đích sử dụng thì đất trồng lúa sẽ chỉ tạo ra bằng một phần nghìn, phần vạn, phần triệu gì đó giá trị gia tăng so với khu công nghiệp sẽ mọc lên, rồi khu resort, rồi sân golf để khi cùng nhau chơi môn thể thao quý tộc này người ta bàn chuyện đại sự, những hợp đồng hàng triệu đô la được thương thảo và quyết định ngay tại đây, như vậy chẳng hơn là nai lưng trồng lúa, diễn lại cái cảnh:

Dưới đồng ông lão đi bừa/Hệt như cụ cố ngày xưa đi cày!

Chao ôi, nếu đúng vậy thì thật tuyệt. Nhưng cuộc đời oái oăm lại phơi bày ra những nghịch lý mà thiên phóng sự sắc nét về tiếng gọi của đất vừa hiện hình trên màn ảnh tivi.

Ở những đoạn sông chảy xiết, nhất là ở những khúc quanh đột ngột mở ra một hướng mới, váng bẩn sẽ càng nổi lên nhiều. Tuy nhiên, quyết định tốc độ của dòng sông là sức cuộn chảy từ bên dưới. Trong sức mạnh bất tận làm nên lịch sử, nông dân và nông thôn chính là sức cuộn chảy từ bên dưới ấy. Bởi vậy phải thấy cho ra cái hợp lực tạo ra sức mạnh dân tộc, viết nên những trang hào hùng của lịch sử trước hết là người nông dân. Những người theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ, những con người thuần phác sống lầm lũi, cam chịu trong lũy tre xanh bỗng vươn mình đứng dậy.

Bao lần nông dân cứu nước

Bao đời, người nông dân gánh trên vai mình gánh nặng nhất của việc dựng nước và giữ nước. Từ chính sách "ngụ binh ư nông" đời Trần cho đến các cuộc chiến tranh chống các thế lực xâm lược đến từ Biển Đông, từ phía Bắc thế kỷ XX và thế kỷ XXI, nông dân vẫn là quân chủ lực. Ai đang ngày đêm có mặt ở Trường Sa hôm nay nếu không phải chủ yếu là con em của người nông dân?

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, chỉ tính trong vòng hơn hai thập kỷ sau 1975, hai lần nông thôn và nông dân đã cứu nguy cho nền kinh tế đất nước khỏi sụp đổ. Một là, vào cuối năm 1980 với sự sụp đổ của Liên Xô và khối XHCN Đông Âu, và hai là, cuối 1990 với khủng hoảng ở các nước Đông Nam Á. Cả hai lần, sản xuất công nghiệp, có lần cả dịch vụ đều sa sút, có lúc tăng trưởng âm, chỉ nhờ nông dân kiên cường và nhẫn nại với sự chịu đựng phi thường trên mặt trận sản xuất để nông nghiệp vẫn có thể phát triển, mới cứu được cho cả nền kinh tế đã đứng bên bờ vực.

Nông dân, nông thôn cũng là tác giả của đổi mới, đến những khởi sắc cho đô thị và công nghiệp. Nhưng rồi sau đó, những thành quả của đổi mới thì dường như nông thôn chỉ được tí chút, còn đô thị hưởng trọn!

Chẳng những thế khi đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa thì nông dân lại đang đứng trước sự thách đố gay gắt nhất mà có lẽ khi cầm súng chiến đấu để giành độc lập và tự do, trong đó có tự do trên luống cày của mình, một ước mơ bao đời của cha anh họ, họ không thể nào nghĩ lại có sự thách đố nghiệt ngã này! Chỉ cần mở lại Bộ luật Hồng Đức đời Lê hay Bộ luật Gia Long đời Nguyễn, cũng thấy ra được những quy định thật nghiêm cẩn và chặt chẽ trong việc chuyển quyền sở hữu ruộng đất và sự tùy tiện trong việc nhân danh "sở hữu toàn dân" để tước đoạt hoặc vi phạm quyền sử dụng đất của người nông dân hiện nay!

Có lập luận rằng, muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải trả giá thôi! Nhưng ai trả giá? Chẳng lẽ cái giá khắc nghiệt phải trả lại trút hết lên đầu nông thôn và nông dân? Là định mệnh dành cho nông dân, nông thôn sao? Nếu vậy thì vô ơn quá với người nông dân.

Bỗng nhớ đến câu thơ của Nguyễn Duy: Tay nâng hòn đất lặng yên/Để nguyên là đất cất lên là nhà (Nguyễn Duy- Bài hát người làm gạch)

Nếu "hòn đất mà biết nói năng" thì không hiểu sẽ nói gì với chúng ta ? Những tòa buiding tráng lệ mọc lên, biến đất ruộng của người nông dân quanh năm "bán mặt cho đất" thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp dành cho người giàu mà để quảng cáo, người ta gọi đó những "thiên đường" thì cũng được xây lên từ những cái "để nguyên là đất cất lên là nhà" đấy thôi!

Tiếng gọi của đất, vì vậy mà da diết hơn, cháy bỏng hơn "Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi"!