Dân Việt

Những cây cầu treo làm đổi thay cuộc sống

Minh Hoa 06/10/2015 06:39 GMT+7
Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông ở 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên là một phần trong đề án tổng thể xây dựng 4.145 cầu dân sinh quy mô nhỏ đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc. Đề án này nằm trong chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

img

Một cầu treo dân sinh ở huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh:    T.L

Đề án này giải quyết nhu cầu cấp bách của người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số hàng ngày phải vượt sông, vượt suối để sinh sống bằng cách lội qua các con sông, con suối hoặc bằng các phương tiện không thể thô sơ hơn như cầu tre nứa tạm, bè mảng, đu dây, các cầu treo tự chế đã xuống cấp nghiêm trọng thậm chí chui trong túi nylon (trong mùa cạn), hoặc liều mình đối mặt với nguy hiểm do các công trình chỉ là tạm bợ (trong mùa lũ). Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT về một số tác động cụ thể của Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đối với người dân vùng sâu, vùng xa; Tổng cục nêu rõ, các cầu treo dân sinh được thiết kế xây dựng trong là các cầu kiên cố, hiện đại, có tuổi thọ tối thiểu 25 năm đảm bảo cho xe máy, xe thô sơ và người đi bộ đi lại được quanh năm. Đời sống của đồng bào tại các khu vực có cầu được cải thiện, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Về đời sống, kinh tế: Người dân đã có thể đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương hàng ngày bằng phương tiện hiện đại hơn là xe máy (trước đây phải đi bộ, gùi hàng) đến những bản, những làng xa xôi, hẻo lánh nhất mà trước đây bị cô lập trong mùa mưa lũ. Về văn hóa: Nhờ có cầu treo dân sinh, người dân có thể thường xuyên giao lưu qua lại tạo thành mối liên kết cộng đồng rộng lớn hơn. Sách, báo, văn hóa phẩm đã được đưa về tận làng bản xa xôi, hiểu biết của người dân về xã hội, chủ chương chính sách của Đảng, Nhà nước ngày càng được nâng cao. Về y tế: Các y bác sĩ dễ dàng đến với người dân ở bản làng xa xôi, hẻo lánh, thường xuyên bị cô lập trong mùa mưa lũ để khám chữa bệnh. Bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, phụ nữ lúc sinh đẻ được kịp thời đưa đến bệnh xá, bệnh viện cứu chữa, không còn tình trạng phải thiệt mạng đáng tiếc do không có đường, phương tiện vận chuyển.

Về giáo dục: Nhờ có cầu treo dân sinh, các em học sinh không phải nghỉ học mùa mưa lũ; thầy cô đến trường thuận lợi, đến tận nhà các em học sinh để thăm hỏi, chăm sóc, đôn đốc học hành cho các em.