Thay đổi và đột phá
Người đặc biệt, được nhiều người trong “làng ngao” nể phục mà chúng tôi đang nhắc đến, đó chính là anh Đinh Thanh Khiết, ở xóm 9, Giao Thịnh (Giao Thủy, Nam Định).Vì không hẹn trước, nên chúng tôi gặp nhau khá bất ngờ. Sau khi giới thiệu, anh bắt tay niềm nở. “Bão tàn phá ghê quá, tôi đang cho công nhân sửa lại nhà cửa, ao, trại. Chắc một thời gian nữa mới vào giống được”. Khiết mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.
Anh Đinh Thanh Khiết (phải) với tác giả Sỹ Lực bên trang trại nhân giống ngao. |
Khiết cho biết, anh sinh năm 1967, nhưng trông anh trẻ hơn cái tuổi của mình rất nhiều. Năm 1987, anh học nghề ảnh, rồi về mở Studio ảnh viện áo cưới tại nhà. Gắn bó 14 năm với nghề nhiếp ảnh cưới, anh đã “nhiếp” cho cả nghìn đôi uyên ương và tên tuổi của anh được nhiều người biết đến. Đang “ăn trắng, mặc trơn”, với cái danh “Phó nháy” (nháy là có tiền, hồi đó oách ra trò – PV), bỗng anh “đổi tính” quay sang làm bạn với tôm, cua, cá… “Các xã Giao Thịnh, Giao Xuân, Giao Phong… có nghề nuôi trồng TS từ lâu, nhưng chủ yếu là nuôi quảng canh. Đặc biệt họ chưa tự con giống được, nên thời vụ, số lượng, giá cả rất phụ thuộc. Năm 2001 khi sang nuôi trồng TS, ngoài nuôi thịt, tôi bắt đầu mày mò cách ươm con giống” – anh Khiết thông tin.
Lúc đầu anh chọn nuôi cá bống bớp, tôm sú và cua. Khi đó con cá bống bớp thị trường đang rất ưu chuộng và giá trị kinh tế rất cao cả thịt lần con giống. Vừa nuôi cá thịt, anh ngày đêm nghiên cứu quy luật sinh nở của cá bống bớp, sau nhiều lần thí nghiệp, cuối cùng anh đã cho cá bống bớp đẻ thành công.
Thành công bước đầu, đã thôi thúc, tạo niềm tin để anh tiếp tục nghiên cứu nhân giống tôm, cua, tu hài. Anh Khiết cho biết: “Thực ra nhân giống tôm, cua không khó, vì loại này đẻ rất khỏe, chỉ cần chú ý nhiệt độ, độ pH của ao và chế độ ăn cho con bố mẹ hợp lý là được. Ngoài cung cấp con giống cho bà con địa phương, mỗi năm tôi xuất vài triệu con giống, nhưng bây giờ có nhiều cơ sở làm giống, nên lời lãi không đáng là bao”.
Anh Đinh Thanh Khiết
“Tam Mao” tầm sư học đạo nơi đất Cảng
Năm 2005, nhận thấy giá ngao giống và ngao thịt rất cao, phong trào nuôi ngao đang nở rộ ở nhiều nơi. Nhưng điều anh tốn nhiều “calo” nhất là nghiên cứu thị trường ngao giống và cách nhân con giống từ ngao tự nhiên. Khi đó, hầu hết các hộ nuôi ngao ở niềm Bắc, để có ngao giống họ phải đi cào đãi ở các bãi hay có ngao giống, nhưng số ngao cào được chỉ đáp ứng một lượng nhỏ nhu cầu, phần còn lại họ phải mua ngao giống từ các tỉnh Nam Bộ hoặc Trung Quốc.
Nhưng do ngao được ươm ở hai vùng khí hậu, thời tiết khác nhau, nên tỷ lệ hao giống rất lớn, người dân nuôi lãi rất dè xẻn. Sau một thời gian dò la, tình cờ được một người mách mối ở Hải Phòng có một người đã nhân giống ngao thành công. Có thông tin, hôm sau anh khăn gói quả mướp về Hải Phòng.
Nhưng khổ nỗi không có tên, địa chỉ nên anh đành đánh bài “Tam Mao” lang thang đến các Viện Nghiên cứu Hải sản, Trung tâm Khuyến nông và các vùng nuôi trồng TS ở Hải Phòng để hỏi. “Sau hơn một tuần “Tam Mao” cuối cùng tôi cũng tìm thấy người cần gặp, đó là thầy Hà Đức Thắng trước làm ở Viện Nghiên cứu Hải sản. Sau khi đặt vấn đề, hơn một tuần sau thấy tôi tâm huyết với con ngao, thầy mới đồng ý chuyển giao công nghệ nhân giống ngao cho tôi, với giá vài trăm triệu khi đó không hề nhỏ chút nào” – anh Khiết kể lại.
Quyết định táo bạo của anh, suýt nữa vợ chồng xảy ra chuyện lớn, nhưng khi hiểu và thấy chồng quyết tâm, chị Đinh Thị Dung vợ anh lại rất ủng hộ. “Học phí khủng” là vậy, nhưng thầy chỉ dạy nửa tháng rồi cho “đệ tử” về dạy, chứ Khiết không được thầy “cầm tay tập viết”. Theo cam kết, hợp đồng chỉ thanh lý khi anh Khiết… “làm ra được con ngao giống”. Mặc dù điều kiện học khó khăn là vậy, nhưng anh chỉ mất gần 2 tháng là đã lĩnh hội hết kỹ năng, kỹ thuật nhân giống ngao.
“Lò” đào tạo “kỹ sư” ấp ngao giống
Mặc dù đã thuần thục với việc “ép” ngao bố mẹ đẻ ra ngao giống, nhưng thời gian đầu anh không dám bán ra thị trường, mà chủ yếu để gia đình nuôi. Sau vài vụ thử nghiệm, thấy tỷ lệ ngao giống ít hao, ít bệnh, lớn nhanh anh mới quyết định bán cho bà con. Để có con giống bố mẹ, anh phải lặn lội khắp nơi để tìm, bằng con mắt “nghề nghiệp” chỉ cần soi con ngao là anh biết chúng có trứng hay không, nhưng để xác xuất ngao cỏ trứng cao anh nhặt ra vài con rồi đập vỏ ra kiểm tra.
Những ngày đầu đưa ngao vào ao đẻ, hầu như anh thức trắng. Hết đo độ pH, lại đo nhiệt độ, rồi soi kính hiển vi xem con bố mẹ biến chuyển thế nào. “Tôi vừa vào nhà ngồi uống chén nước, lúc sau ra đã thấy ngao đẻ bọt trắng ao, mừng quá tôi hét toáng lên. Nhưng sau này mới biết, màu trứng ngao trắng là tỷ lệ đậu thấp, màu trứng hơi vàng mới là ăn chắc” – anh Khiết tiết lộ.
Khi chúng tôi hỏi, lý do anh quyết định mua công nghệ nhân giống ngao với giá cao, anh Khiết phân tích: “Ngao đẻ rất khỏe, mỗi con có thể đẻ hàng vạn con, nhưng quan trọng nhất là làm sao để trứng đậu, chỉ cần đạt tỷ lệ 5 – 10% là thắng lớn rồi. Không tính thời gian thử nghiệm, sau khi ươm ngao giống chỉ vụ ngao đầu tôi đã hòa cả vốn đầu tư ao, lẫn tiền mua công nghệ”.
Theo anh Khiết, nuôi ngao giống đòi hỏi kỹ thuật rất cao, phải đặc biệt chú ý đến độ pH của nước, thời tiết, nhiệt độ (khoảng 28 – 300c) là đẹp nhất. Sau vài năm gắn bó với ngao giống, Khiết đã cải tiến rất nhiều quy trình nhân giống ngao. Ví như, trước đây thầy dạy nhân giống ngao ở bể, thì nay anh nhân giống ở ngao (gần gũi thiên nhiên hơn, nên tỷ lệ ngao đậu rất cao – PV), thức ăn cho ngao bố mẹ sử dụng đến 5 – 7 loại tảo, nhưng nay anh chỉ dùng 1 loại duy nhất. Với diện tích 5ha, trong đó 6.000m2 dành nuôi ngao giống, còn lại nuôi tôm, cua, cá.
Trung bình mỗi năm anh sản xuất ra vài chục triệu con ngao giống, 15 – 20 triệu con tôm, 1 triệu cua, 1 triệu cá giống, thu về hơn 20 tỷ đồng. Thông thường anh Khiết xuất bán ngao loại 500.000 – 400.000 con/kg. Nếu nuôi khoảng 20 ngày đạt 70.000 con/kg, sẽ bán với giá 10 đồng/con. Không chỉ bán giống, thời gian gần đây anh còn nhận “chuyển giao công nghệ” nhân giống ngao cho những người có nhu cầu, với giá 700 triệu đồng/người/lần.
Anh Khiết cho biết, anh đã chuyển giao cho 6 người như anh Ông Văn Môn ở xã Giao Xuân, anh Nguyễn Văn Minh ở thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy)... Ngoài được học trực tiếp tại trại giống, anh còn giúp người học làm 1 – 2 ao thử nghiệm tại nhà đến khi thành công thì thôi. Với người nhanh ý, chỉ mất hơn tháng là có thể làm được. “Nhiều người sau khi chuyển giao công nghệ xong, tiền thu được từ bán con giống đã hòa vốn, thập chí còn lãi, vì mỗi ao ngao giống chí ít cũng thu về vài tỷ đồng” – anh Khiết cho biết.
Việt Tùng - Sỹ Lực