Dân Việt

3 thẩm phán bị tố áp dụng sai luật

Vũ Thị Hải 07/10/2015 08:35 GMT+7
Chị Triệu Thị Tri (quận Hải An, TP.Hải Phòng) tố cáo 3 thẩm phán đã áp dụng sai luật, xét xử vụ tranh chấp thừa kế đã hết thời hiệu khởi kiện trong phiên tòa phúc thẩm, gây thiệt hại quyền lợi cho gia đình chị.

Vụ án kéo dài

Theo đơn tố áp dụng sai luật của chị Triệu Thị Tri, bà Vũ Thị Dứa là nguyên đơn kiện đòi chia tài sản thừa kế quyền sử dụng 743m2 đất tại khu Trung Hành 8, phường Đằng Lâm, quận Hải An. Đây là diện tích nằm trong khu đất khoảng 10.000m2 của cụ Vũ Xuân Biêm và cụ Đỗ Thị Mút. Hai cụ sinh được 3 người con thì 2 người mất khi chưa lập gia đình, chỉ còn bà Vũ Thị Dứa đi lấy chồng ở địa phương khác từ 1951.

img

Căn nhà kiên cố nằm trên diện tích đất đang tranh chấp. Ảnh: Vũ Hải

Sau khi cụ Mút chết năm 1946, cụ Biêm lấy cụ Đoàn Thị Tý và đưa cụ Tý cùng người con riêng (bà Lê Thị Kẻ) về ở cùng. Hai cụ Biêm và cụ Tý sinh con chung là Vũ Xuân Văn. Năm 1953 cụ Biêm chết, toàn bộ diện tích khoảng 10.000m2 đất của gia đình đã bị đội cải cách ruộng đất thu hồi. Năm 1955, gia đình cụ Tý được chia 2 thẻ đất (743m2) nằm trong  10.000m2 đất của cụ Biêm trước đây. Năm 1968, ông Văn chết, cụ Tý chia cho con gái là bà Lê Thị Kẻ 326m2 đất, chia cho các cháu là Triệu Thị Tuyết 207m2, Triệu Thị Tri 210,6m2.

Trong vụ án này, cụ Mút mất năm 1946, cụ Biêm mất năm 1953, như vậy sau ngày 10.9.2000 (đã quá thời hiệu khởi kiện được tính là 10 năm theo Pháp lệnh thừa kế 1990), bà Dứa không có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản. Thế nhưng, ngày 13.11.2002, TAND huyện An Hải (nay là huyện An Dương), TP.Hải Phòng, mới thụ lý vụ án bà Vũ Thị Dứa kiện đòi tài sản thừa kế. Sau đó, vụ án được chuyển về TAND quận Hải An giải quyết kéo dài cho đến nay.

Hết thời hiệu tòa vẫn xử

Ngày 27.4.2015, bất chấp đề nghị của các bị đơn về việc xem xét vụ án đã hết thời hiệu, Hội đồng xét xử vẫn buộc các con, cháu của cụ Tý phải chia di sản thừa kế cho bà Dứa 227,2m2 đất, quy ra tiền là 1,251 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử gồm các thẩm phán Nguyễn Hữu Chế, Vũ Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Thu Thủy đã dẫn chiếu Nghị quyết 58/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định áp dụng cho những giao dịch dân sự về nhà ở và di sản thừa kế là nhà ở (thời hiệu khởi kiện được kéo dài thêm 2 năm, 6 tháng), trong khi đó, bà Dứa đòi quyền thừa kế là quyền sử dụng đất chứ không phải là nhà ở.

Trả lời đơn tố cáo của chị Tri, Viện KSND TP.Hải Phòng cho rằng: “Di sản của cụ Mút và cụ Biêm có nhà ở gắn liền với quyền sử dụng 743m2 đất, có căn nhà 3 gian cấp 4 và công trình phụ, hiện đã được cụ Tý và bà Dứa sửa sang lại”. Tuy nhiên, chị Tri cho rằng, nếu là căn nhà 3 gian của cụ Biêm thì phải gắn với quyền sử dụng 10.000m2 đất, còn từ sau năm 1955, diện tích chỉ còn 743m2. Sau thời gian này, bà Dứa đã đi lấy chồng, không có chuyện bà sửa sang lại căn nhà trên.

Khi phóng viên NTNN đề nghị làm việc với Viện KSND TP.Hải Phòng, cơ quan này trả lời “vì lý do công tác nên chưa thể bố trí lịch làm việc với phóng viên”; còn TAND TP.Hải Phòng thì khẳng định "không có hồ sơ để sao" do cơ quan này đã chuyển hồ sơ vụ án đến Viện KSND cấp cao tại Hà Nội.

Luật sư Đặng Anh Đức - Trưởng Văn phòng Luật sư Đặng và Cộng sự (Hà Nội) cho biết: Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP quy định đối với trường hợp mở thừa kế trước ngày 1.7.1996 thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19.10.1990. Theo đó, đối với những thừa kế đã mở trước 10.9.1990 (ngày Pháp lệnh thừa kế có hiệu lực) thì thời hiệu khởi kiện được tính là 10 năm kể từ 10.9.1990; sau 10.9.2000, đương sự không có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản.