Đó là vợ chồng ông bà Trần Thị Nguyên, Lương Xuân Cảnh ở xã Hợp Thành (Yên Thành, Nghệ An). Chúng tôi đến nhà ông bà vào buổi sáng mưa phùn giăng trắng trời. Ngôi nhà cấp 4 nằm ở đầu xóm tuềnh toàng gió, chỉ nghe tiếng gà vịt kêu huyên náo cả một vùng. Nhắc đến những đứa con học hành giỏi giang, bà Nguyên như tan biến đi nỗi vất vả nhọc nhằn. Bà tâm sự: “Vợ chồng tui nghèo nhưng quyết tâm “đầu tư” cho con cái học hành. Phải học mới thoát nghèo được.”
Bà Trần Thị Nguyên nhặt phế liệu, nuôi 4 con học đại học. |
Lớn lên trong đói nghèo nhưng 7 đứa con của vợ chồng bà đều ngoan ngoãn, siêng năng và học giỏi năm nào cũng được nhận giấy khen. Trong 7 người con, chỉ có 3 người con gái đầu là tốt nghiệp phổ thông rồi đi làm, 4 người còn lại đều thi đỗ đại học, 3 người đã tốt nghiệp và đang học cao học. Lương Triều (SN 1981) và Lương Xuân Quý (1988) đều tốt nghiệp ĐH Thể dục Thể thao Từ Sơn và hiện đang học cao học; Lương Xuân Phú (SN 1986), tốt nghiệp ĐH Công nghệ Thông tin, hiện đang học cao học; người con út Lương Xuân Quang (SN 1992) học năm thứ 3 ĐH Thể dục Thể thao Từ Sơn.
Các con học giỏi là niềm hạnh phúc nhưng làm thế nào để có đủ tiền chu cấp hằng tháng cho các con ăn học cũng làm ông bà phải nhiều đêm thức trắng. Ngoài mấy sào ruộng, ông bà còn làm thuê, làm mướn, chăn nuôi lợn gà và nhặt phế liệu. Từ sáng sớm cho tới lúc trời tối không nhìn rõ mặt người, bà với chiếc xe đạp tòng tọc cột 2 sọt tre, cần mẫn nhặt tại các hố rác, các bãi hoang nơi nào có phế liệu. Khi nào đầy 2 sọt bà lại đi nhập cho đại lý lấy tiền gửi cho con.
Bà cho biết, thời điểm khó khăn, gay go nhất trong đời mình là lúc 4 đứa con học đại học, cùng một lúc. Làm thuê làm mướn, nhặt phế liệu cũng không đủ lo cho các con được, ông bà phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi, cắm cả nhà, đất để vay ngân hàng. Có thời điểm gia đình quá khó khăn, vì thương cha mẹ, các con bà định nghỉ học để đi làm và học nghề. Bà bảo: “Cha mẹ còn lo được, các con cứ yên tâm học hành, các con học hành tấn tới là cha mẹ vui rồi”.
Hiện ông bà còn nợ gần 100 triệu đồng tiền vay cho các con ăn học, nhưng bà vẫn luôn lạc quan: “Nợ thì làm lụng trả dần. Cái quan trọng là chúng nó có được kiến thức, đã có kiến thức thì không thể nghèo mãi được". Chính bởi niềm tin ấy mà vợ chồng bà đã viết nên câu chuyện cổ tích khuyến học đẹp giữa một miền đồng quê lam lũ.
Tiến Dũng