Bị cô trói tay, nhét giẻ vào mồm
Sau mấy ngày theo dõi, thấy con trai là cháu Cù Hoàng Phi L, 15 tháng tuổi, học tại nhóm trẻ mầm non Sơn Ca (đường Hữu Nghị, phường Nam Lý, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) khóc nhiều hơn, không chịu tắm và bị nhiều vết bầm tím ở vai, chân, đầu gối, ngày 5.10, chị Đinh Thị Thúy H (mẹ cháu L) đã xem camera theo dõi lớp học và phát hiện con trai mình liên tục bị cô giáo véo tai, lấy thìa inox đánh vào tay, đùi khi cho ăn.
Ông Đoàn Đức Liêm - Giám đốc Sở GD - ĐT Quảng Bình (ngoài cùng bìa trái) cùng đoàn làm việc kiểm tra cơ sở mầm non Sơn Ca. Ảnh: P.P
Ngay lập tức chị H cùng chồng đến trường mầm non Sơn Ca để làm rõ. Khi đạp cửa xông vào lớp học, chị H thấy con mình đang bị 3 cô giáo trói chặt chân tay về phía sau, miệng bị nhét giẻ và một cô đè cháu xuống sàn nhà. Tay và chân bé bị nhiều vết bầm. Quá bức xúc trước hình ảnh con bị bạo hành, chị H và chồng đã chụp ảnh, quay video hành động của các cô và tố cáo tới Công an phường Nam Lý (TP.Đồng Hới). Chị H chia sẻ trong đau đớn: “Họ là phụ nữ, có người đã là mẹ, có người sẽ là mẹ, tại sao họ nỡ hành hạ một đứa trẻ 15 tháng tuổi. Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy thật kinh hoàng. Làm sao để xóa đi những tổn thương về thể chất và tinh thần họ đã gây ra cho con tôi và cho gia đình tôi?”.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tuế - Chủ tịch UBND phường Nam Lý, TP.Đồng Hới cho biết, nhóm nuôi dạy trẻ Sơn Ca hoạt động trái phép, chưa được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cấp phép. Nhóm trẻ được thành lập trên cơ sở là Công ty TNHH Thương mại Hoàng Hằng, do bà Trần Thị Thúy Hằng làm giám đốc, ký hợp đồng lao động với các cô giáo nuôi dạy trẻ. Nhóm trẻ này bắt đầu hoạt động từ tháng 8.2014 đến nay và hiện giữ 49 trẻ.
Cũng ngay sau đó, Sở GDĐT tỉnh Quảng Bình đã có buổi làm việc với bà Trần Thị Thúy Hằng – Chủ nhóm trẻ mầm non Sơn Ca về vụ việc trên. Tại đây, bà Hằng thừa nhận hành vị trói chân tay trẻ bằng khăn mùi xoa, nhét giẻ vào mồm và đánh trẻ của 2 cô giáo Lê Thị Hoài Linh và Nguyễn Tú Anh là có thực. Ông Đoàn Đức Liêm – Giám đốc Sở GDĐT Quảng Bình cho biết, Sở đã yêu cầu bà Hằng thông báo với phụ huynh và đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở. “Đây là một cơ sở giáo dục mầm non hoạt động trái phép trong một thời gian dài, chưa ai cho phép hoạt động cả, nên phải đóng cửa ngay. Còn về hành vi bạo hành trẻ, sở kiến nghị cơ quan công an điều tra làm rõ, xử lý đúng pháp luật” – ông Liêm nói.
Ảnh từ clip do bố mẹ cháu Cù Hoàng Phi L, 15 tháng tuổi học tại nhóm trẻ mầm non Sơn Ca (đường Hữu Nghị, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) cung cấp.
Trước đó, ngày 1.10 trên mạng xã hội cũng lan truyền clip ghi hình cháu H.T.H, 22 tháng tuổi học tại Trường Mẫu giáo Xuân Mai (Văn Quan, Lạng Sơn) bị 2 cô giáo là Hoàng Thị Thủy và Hoàng Thanh Tâm dọa bỏ xuống bể nước, rồi bị cô bỏ mặc bên ngoài khóa chặt cửa. Sau khi gào khóc đập cửa đòi vào lớp không được, bé H đã ngồi và nhặt nhiều thứ trong thùng rác bên cạnh cho vào miệng. Ngay sau khi nhận được phản ánh, Phòng GDĐT huyện Văn Quan đã cử đoàn kiểm tra xuống xác minh và cho biết sự việc trên là có thực. Hai cô giáo Thủy và Tâm sau đó đã bị đình chỉ công tác tạm thời để tiến hành điều tra làm rõ.
Lơi là quản lý
Ngay sau khi những clip, hình ảnh trẻ em bị bạo hành được chia sẻ, một làn sóng phản đối dữ dội đã diễn ra trên các trang mạng xã hội. Ngay trong group của Hội Giáo viên mầm non tư thục Hà Nội, nhiều cô giáo mầm non đã tỏ thái độ vô cùng bức xúc trước hành động bạo hành trẻ, mặc dù các cô cho biết cũng khá thông cảm với những áp lực trong nghề.
Cô Nguyễn Thị Thúy Linh – giáo viên một trường mầm non tư thục tại Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Cũng làm nghề, tôi hiểu những áp lực của các cô giáo, trẻ độ tuổi dưới 3 thường rất hay quấy, ngang bướng, lười ăn và chưa có nền nếp. Trong khi một cô trung bình giữ từ 10 – 15 trẻ, trên thì có áp lực của hiệu trưởng, dưới thì sợ phụ huynh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà biện minh cho việc dùng bạo lực với trẻ nhỏ. Có nhiều biện pháp để phạt trẻ 1 cách khoa học. Chỉ có những giáo viên thiếu kinh nghiệm, thiếu tình yêu với trẻ mới đánh đập các cháu”. Cô Linh cũng cho rằng, đối với nghề giáo viên mầm non, không yêu trẻ thì không nên chọn nghề này.
Giải thích về vụ bạo hành tại nhóm trẻ mầm non Sơn Ca, ông Nguyễn Văn Tuế - Chủ tịch UBND phường Nam Lý, TP.Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết: “Do tình trạng trẻ em trong độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi trên địa bàn phường quá nhiều (1.400 cháu), các cơ sở công lập không đáp ứng đủ nhu cầu nên những năm qua các nhóm trẻ tư nhân làm thủ tục xin phường cấp phép hoạt động khá nhiều, hiện phường đã cấp giấy phép cho 7 nhóm trẻ. Riêng nhóm trẻ Sơn Ca chưa được cấp phép”. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao chưa được cấp phép nhưng nhóm trẻ này vẫn ngang nhiên hoạt động suốt 1 năm qua mà UBND phường không hề biết thì ông Tuế không trả lời được.
Trẻ sẽ bị tự kỷ nếu bạo hành kéo dài Phân tích tâm lý của trẻ bị bạo hành, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, trẻ bị bạo hành, đánh đập, dọa nạt sẽ có những tổn thương về tinh thần khó xóa bỏ, nhất là ở độ tuổi từ 1 – 3. Trẻ thường biếng ăn, mất ngủ, sợ hãi người lạ, sợ trường lớp, giật mình khóc thét vào ban đêm… kéo dài tình trạng này sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tự kỷ. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trẻ bị bạo hành chưa thể chấm dứt là do các vấn đề từ quản lý đến cấp phép hoạt động, trong đó có sự đùn đẩy trách nhiệm từ ngành giáo dục với địa phương. |
Xử lý bạo lực với trẻ chưa nghiêm Ông Nguyễn Trọng An – nguyên Cục phó Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực trẻ em, nhất là bạo lực trẻ nhỏ trong trường học. Gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ người lớn thiếu tình thương với con trẻ. Không chỉ người nuôi dạy trẻ, nhiều bậc cha mẹ cũng thờ ơ, hoặc không quan tâm dẫn tới không hiểu biết về những quyền cơ bản của trẻ em. Bởi vậy, mới có tình trạng bạo hành trẻ cả về thể xác lẫn tinh thần. Một nguyên nhân khác cũng khiến tình trạng bạo lực trẻ em vẫn âm ỉ, thường xuyên xảy ra ở khắp mọi nơi là bởi pháp luật của chúng ta chưa nghiêm. Số vụ giáo viên mầm non bạo hành thì nhiều, tính chất nguy hiểm, dã man, nhưng số vụ bị xử phạt theo Luật Hình sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần vẫn là các cơ sở nuôi dạy trẻ tự đóng cửa bảo nhau, xử phạt hành chính, khiển trách… chứ pháp luật chưa xử nghiêm minh. Thậm chí người đứng đầu cơ sở để xảy ra vi phạm như hiệu trưởng nhà trường, chủ tịch phường… vẫn chưa bị xử lý trách nhiệm. Điều quan trọng cần làm lúc này là phải có cơ quan giám sát độc lập về vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Không thể để cơ quan quản lý nhà nước “vừa đá bóng vừa thổi còi” được”. Minh Nguyệt (ghi) |