Dân Việt

Tăng học phí: Ra trường, sinh viên sẽ thành “con nợ”

Diệu Thu 08/10/2015 17:18 GMT+7
“Với mức tăng học phí như hiện nay, khi ra trường sinh viên sẽ gánh một khoản nợ khá lớn. Hơn nữa, 2 năm sau khi ra trường, nếu mức lương thấp, các em sẽ không đủ khả năng trả nợ”, PGS.TS.Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam lo ngại.

Từ ngày 1.12.2015, bình quân học phí ở các trường đại học, cao đẳng sẽ tăng thêm hơn 10%/năm. Theo đó, mức học phí tối đa chương trình đại trà trình độ đại học hệ chính quy khoảng 1,75 triệu đồng tới 4,4 triệu đồng/tháng.

Đối với các trường chưa tự chủ được kinh phí như khối Y, Dược, sinh viên phải trả học phí cao nhất là 44 triệu đồng/năm/sinh viên. Như vậy, sau 5 năm học, số tiền học phí một sinh viên ngành y phải chi trả hơn 300 triệu đồng.

img

Sinh viên làm thủ tục nhập trường năm học 2015-2016

Theo quy định về mức trần học phí, các trường đại học được tự chủ tài chính sẽ thu học phí phân theo nhóm ngành nghề. Như vậy, mức tối đa của nhóm ngành kinh tế cho năm học 2015 - 2016 là 17,5 triệu đồng (năm học 10 tháng).

Trường Đại học Tài chính - Marketing dự kiến sẽ tăng học phí với mức cao nhất là 16,5 triệu đồng/năm. Theo lộ trình, mức thu học phí tối đa đối với đại học chính quy (chương trình đại trà) năm học 2015 - 2016 là 14,5 triệu đồng/người học/năm, năm học 2016 - 2017 là 16,5 triệu đồng.

Đối với trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường thu học phí năm học 2015 - 2016 là 11,5 triệu đồng/sinh viên/năm. Năm học 2016 - 2017 trường này sẽ thu 13,5 triệu đồng/sinh viên/năm.

Còn tại Đại học Ngoại thương giai đoạn 2015 - 2017 thu học phí tối đa của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy năm 2015 - 2016 là 14,5 triệu đồng/ sinh viên; Năm 2016 – 2017, học phí tăng lên 16 triệu đồng/sinh viên/năm.

Bày tỏ về mức tăng học phí, PGS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói: Tăng học phí sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh viên đặc biệt đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Theo ông Dong, mặc dù hiện nay Nhà nước có chính sách cho sinh viên vay vốn nhưng vẫn không thể giúp các em chi trả việc học. Tăng học phí, khi ra trường sinh viên sẽ gánh một khoản nợ khá lớn bởi 2 năm sau khi ra trường, nếu mức lương thấp thì các em vẫn không đủ khả năng trả nợ.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam băn khoăn: Liệu tăng học phí, chất lượng giáo dục có tăng? Bởi trên thực tế không phải cứ tăng học phí nhiều thì chất lượng đào tạo của các trường sẽ tăng. Hiện người học khó có thể được bảo đảm chất lượng đào tạo của nhà trường tương xứng với số tiền họ bỏ ra.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc tăng học phí ở các trường đại học ảnh hưởng nhiều đến sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, cùng với việc tính học phí theo đúng chi phí đào tạo, Nhà nước nên đẩy mạnh chính sách cho sinh viên vay vốn không lấy lãi dài hạn để các em có cơ hội đi học.

“Hãy nghĩ đến những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Họ sẽ mất đi cơ hội được học ở giảng đường đại học nếu không có chính sách hỗ trợ”, ông Nhĩ chia sẻ.