Dân Việt

Osin bệnh viện được "du lịch châu Âu" cả tháng!

Hiểu Khuê 09/10/2015 00:01 GMT+7
Được đối đãi hậu hĩnh, nhiều ôsin bệnh viện chăm sóc bệnh nhân rất kỹ, chỉ sợ bệnh nhân mất sớm sẽ… “mất lộc”. Có osin còn được thuê đi sang nước ngoài để chăm bệnh nhân.

Nghề chăm sóc người bệnh hay còn gọi là osin bệnh viện từ lâu đã trở thành một nghề tự phát được nhiều phụ nữ nông thôn ra thành phố lựa chọn. Có những làng, phụ nữ rủ nhau đi làm nghề osin bệnh viện gần hết. Nghề tuy vất vả nhưng có thể đưa lại cho họ thu nhập cao hơn việc trồng lúa hay đi làm osin đơn thuần.

Osin được đi "du lịch châu Âu"

Chị Nguyễn Thị Ly (40 tuổi) cho biết: “Tôi làm nghề này được 5 năm nhưng rất nhiều lần được thuê đi cùng bệnh nhân đi sang nước ngoài chữa bệnh. Số tiền được trả thường 15 triệu/tháng, ăn uống được bao hết”.

Chị Ly kể: “Đợt vừa rồi, con của ông cụ mà tôi chăm muốn đưa bố đi du lịch châu Âu cả tháng, thế là thuê luôn tôi đi chăm cụ. Ông đi đâu tôi được đi đó. Nói vậy thôi chứ nghề vất vả nhưng may mắn nên nhiều khi tôi cũng được biết đó biết đây, chứ ở nhà làm gì được đi đâu”.

“Đó là kỷ niệm mà tôi chẳng bao giờ quên, người nhà họ tốt lắm. Vừa được đi chơi lại còn được trả tiền 10 triệu/tháng, mấy bà bạn cùng nghề cứ đùa tôi là osin may mắn có số xuất ngoại”- chị Ly cho biết.

img

  Người chăm sóc bệnh nhân thuê tại BV Hữu nghị Việt - Đức

Cô Bùi Thị Yến (55 tuổi) quê Phú Thọ đang ngồi chờ việc ở cổng Bệnh viện Thanh Nhàn tâm sự: "Tôi đã đi làm nghề osin bệnh viện được 10 năm nay, nhờ công việc này mà nuôi được 2 đứa con học đại học. Mỗi tháng con lại chờ ở cổng viện để lấy tiền đóng học và chi phí ăn uống, 4 năm liền, mỗi tháng phải lo 6 triệu cho 2 đứa đi học. Giờ con ra trường nhưng mẹ vẫn bám với công việc vất vả này vì thu nhập cao".

Không chỉ chăm các bệnh nhân quanh Hà Nội mà cô Yến còn được thuê vào Huế để chăm sóc người bệnh. Người nhà bệnh nhân mua vé máy bay cho cô đi, trả 1 tháng 10 triệu và còn có thưởng thêm.

Cô Yến cho biết: “Bệnh nhân bị bệnh ra Hà Nội điều trị nhưng bảo hiểm ở Huế, họ lại muốn quay về Huế để điều trị cho thuận tiện thế là thuê luôn tôi vào 2 tháng để chăm sóc cho đến khi bệnh nhân khỏi hẳn thì bay ra Hà Nội”.

Không chỉ đi các tỉnh gần mà có lần cô Yến còn đi cả Sài Gòn hay được thuê bế trẻ con cho một gia đình giàu có sang Singapore tiêm phòng.

Nhiều osin bệnh viện về quê làm hộ chiếu để khi cần thì đi theo người bệnh sang nước ngoài. “Mặc dù mới đầu làm nghề này chồng con, anh em ngăn cản. Có nhiều ông chồng còn theo vợ vào bệnh viện, xem vợ làm việc mới yên tâm. Nhưng sau đó thấy người thật, việc thật lại có tiền mang về nên ủng hộ, kể cả đi nước ngoài”- cô Yến cho biết.

Người may người xui

“Những gia đình giàu có, nhiều người xông xênh tiền bạc với osin, nhất là những cô con dâu sợ phải làm nhiều nên cứ dúi thêm tiền cho osin bảo “chăm cho cẩn thận”. Tuy nhiên nhiều người có tiền nhưng cũng chặt chẽ, chi li lắm”- một osin bệnh viện cho biết.

Cô Nguyễn Thị An (quê Phú Thọ) có thâm niên 14 năm chăm người bệnh thuê kể: “Có người đi làm osin và chăm luôn bà chủ nhà 10 năm. Ở quê nhà đóng cửa then cài không lo nhưng bà bệnh nhân vào viện chục ngày cứ sợ nhà bà chủ bị hôi. Lúc nào cũng sợ bà chết, vì mỗi năm con cái bà chủ thưởng cho osin 30 triệu, ngoài ra tiền công đều đặn 10 triệu/tháng, ngày lễ Tết cứ 1triệu/ngày. Nhà chủ còn cho osin cả bộ trường kỷ cổ mang về quê bán được 50 triệu đồng. Nhiều “lộc” nên nó chăm chi li cẩn thận, lúc nào cũng cầu cho bà sống lâu”.

Cô An còn kể: “Có anh cùng quê với tôi trông một cụ ông 4 năm, tháng nào cũng 10 triệu tiền công, thêm cả ăn uống, bệnh nhân và người chăm bệnh quen nhau rồi nên đỡ vất vả. Thế nhưng khi người con nước ngoài về bảo cả năm cả tháng anh chăm bố tôi vất vả, tối nay anh cầm tiền ra ngoài mà đi chơi, ở nhà tôi chăm bố cho. Anh ấy cầm tiền đi chơi thì ở nhà người con tự hút đờm cho bố, do không biết cách nên làm ông cụ mất, anh ấy về thấy thế vừa thương bệnh nhân vừa nghĩ mất công việc hàng ngày”.

“Có nhiều người Tết nhất còn được chủ nhà thuê về tận gia đình để chăm bệnh nhân. Họ bảo đón cả chồng, con xuống ăn Tết cùng gia đình họ. Họ chỉ dặn mình là phải thật thà, khó khăn gì về tiền bạc thì cứ trình bày chứ tuyệt đối không được dối trá”- cô An tâm sự.

Cô An kể: "Đi giúp việc nhưng cũng người xui người may. Người rơi vào gia cảnh tử tế, người thì rơi vào nơi không ra gì. Mấy hôm trước có đứa bị bệnh nhân liệt nửa người nằm ở Bệnh viện Đại học Y đánh cho phải bỏ luôn việc. Hoặc có người cứ nhận ca nào là chết ca đó. Có người 1 tuần tiễn 3 bệnh nhân họ chăm sóc về thế giới bên kia".

“Khi bệnh nhân chết osin lau rửa luôn thì lấy tiền công 1,5 triệu/ người. Công việc vất vả nhưng làm mãi cũng quen. Công đoạn vệ sinh cho người chết chỉ là lau rửa, thay quần áo, cho tiền cho gạo vào miệng, buộc chân, buộc tay vào để chuyển vào nhà lạnh. Có nhà họ còn nhờ về thắp hương 49 ngày và trả đúng tiền như ở viện. Nhà người ta đi vắng hết, còn mỗi mình với bát nhang cùng chiếc đài tụng kinh nghe cũng rợn nhưng dần dần cũng quen” – cô An kể về công việc nhọc nhằn của mình.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.