Sẩy 1 ly…
Sau khi đầu tư hàng nghìn USD và hàng trăm giờ tỉ mẩn lên kế hoạch cho khoảnh khắc tuyệt vời của mình, Ismail Morina mới nhận ra anh phạm sai sót rất nghiệp dư. Vào lúc 21 giờ 25 ngày 14.10.2014, tay chơi máy bay mô hình người Albania 33 tuổi này đứng trên tháp chuông của nhà thờ Holy Archagel Gabriel tại Belgrade (thủ đô của Serbia). Từ đó, anh có thể nhìn xuống sân bóng Partizan nơi hai đội Serbia và Albania gặp nhau ở trận lượt đi vòng loại bảng I, Euro 2016. Trận đấu đang đi gần hết hiệp 1 với tỉ số vẫn là 0-0.
Ismail Morina (giữa) chụp hình với chiến binh Kosovo. Ảnh: I.T
Morina bắt đầu cho chiếc máy bay mô hình 4 động cơ treo lá cờ Greater Albania với con đại bàng đen hai đầu bay vè vè xuống sân bóng. Các khán đài đang ầm ĩ bỗng im bặt. Các cầu thủ, trọng tài nhìn lên bầu trời bối rối. Sai sót của Morina là quên không lấy thông tin đội nào mặc áo màu gì. Anh nghĩ chủ nhà Serbia mặc áo trắng còn đội Albania của mình mặc áo đỏ, hóa ra là ngược lại. Anh điều khiển chiếc máy bay gần với các cầu thủ áo đỏ, hậu vệ Stefan Mitrovic của Serbia nhảy lên giật lá cờ. “Khi tôi nhận ra anh ta không phải người Albania thì đã quá muộn” - Morina kể lại.
Hậu vệ Stefan Mitrovic của Serbia giật lá cờ Greater Albania của Ismail Morina trong trận đấu vòng loại Euro 2016 giữa Serbia và Albania ngày 14.10.2014. Ảnh: I.T
Cầu thủ hai bên lao vào giành lá cờ, các cổ động viên (CĐV) Serbia quá khích lao xuống sân, lửa khói nghi ngút trên khán đài. Các cầu thủ Albania và trọng tài chạy xuống đường hầm, trận đấu bị hủy bỏ. Sự việc xuất hiện trên khắp mặt báo sau đó và ngoại giao hai nước rơi vào căng thẳng. Lúc đầu, người ta đoán thủ phạm là em trai của Thủ tướng Albania, ông Edi Rama. Phòng thay đồ của các cầu thủ Albania bị khám xét để tìm bằng chứng nhưng không có gì, trong khi Morina lẳng lặng trèo từ tháp chuông nhà thờ xuống phố, để lại bộ điều khiển từ xa trên đó.
Chính phủ Serbia xem vụ này là một sự khiêu khích từ người Albania: “Nếu ai đó từ Serbia mà giơ lá cờ Greater Serbia ở Tirana (thủ đô Albania) hay Pristina (thủ đô của Kosovo) là gặp rắc rối ngay” - ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic nói.
Phải cắt nghĩa về chuyện lá cờ một chút: Albania và Serbia là hai nước láng giềng trên bán đảo Balkan, biên giới giữa họ nay đã phân định rõ ràng. Nhưng trong lịch sử, các phần lãnh thổ của hai bên bị chồng lấn nhiều lần, tranh qua tranh lại. Người Albania ghi lại nước Đại Albania (Greater Albania) của họ ngày xưa bao gồm Albania cộng với nhiều phần đất của Serbia bây giờ. Người Serbia ghi nước Đại Serbia (Greater Serbia) của họ theo kiểu tương tự như người Albania. Rồi ngoài lá cờ chính thức, người dân hai nước còn có các lá cờ khác như kiểu cờ Greater Albania kể trên để khiêu khích nhau, để đấu tranh chính trị.
Quan hệ giữa Serbia và Albania từ gần 20 năm nay luôn căng thẳng vì vấn đề Kosovo. Lãnh thổ này trước là một tỉnh của Serbia nhưng lại có đến 80% dân gốc Albania sinh sống. Phiến quân Kosovo được Albania tài trợ nổi dậy, Serbia không dẹp được. Năm 2008, Kosovo tuyên bố thành nước độc lập, đã được hơn 100 nước công nhận...
Người hùng bị tạm giam
... Sau khi rời tháp chuông xuống phố, Morina lấy xe hơi cách đó vài trăm mét phi thẳng từ Belgrade về vùng lãnh thổ Kosovo. “Tôi nghĩ việc bị giật cờ xem như thất bại, ngờ đâu một người bạn gọi điện cho tôi nói: Ồ, cậu nổi tiếng rồi”. |
Trở lại trận đấu đó, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đầu tiên xem Albania bỏ cuộc, nhưng Tòa án thể thao quốc tế (CAS) phán Serbia bị trừ 3 điểm do không kiểm soát được CĐV, Albania thắng trận đó 3-0. Phán quyết kết liễu cơ hội vượt qua vòng loại của Serbia. Sau gần 1 năm, hai đội gặp nhau ở Elbasan miền trung Albania và Morina vẫn là người hùng.
Morina làm nghề điều khiển cần trục ở Milan, nơi anh sống với người vợ Italia và hai con. Năm 2010, xem trận Italia gặp Serbia ở vòng loại Euro 2010 trên truyền hình, anh thấy hai CĐV Serbia đốt lá cờ Albania trên khán đài, anh cáu tiết. Khi có kết quả bắt thăm Albania và Serbia chung bảng vòng loại Euro, Morina xem đó là một cơ hội hoàn hảo để làm cái gì đó trả đũa. Anh quyết định mua máy bay mô hình và tập điều khiển “vì bộ điều khiển của nó gần giống với bảng điều khiển cần trục tôi dùng”.
Vụ máy bay biến Morina trở thành người hùng ở Albania, anh lên truyền hình liên tục, đi trên phố anh thường được mọi người ngoắc lại xin chụp ảnh chung, từ sinh viên tới cựu chiến binh, cả cảnh sát. Rồi còn có người đoán anh là chiến binh IS hay mật vụ Serbia. Ba ngày sau vụ máy bay, anh rời Italia về Albania sống “vì ở đó ai cũng biết vợ con tôi”. Anh bị đe dọa tính mạng trên mạng internet, nghe những chuyện treo thưởng cho người bắt giữ anh. “Tôi không ngại Chính phủ Serbia, tôi ngại các nhóm cực đoan” - anh nói.
Trận đấu sáng nay 9.10 giữa Serbia và Albania hẳn là quan trọng, ai cũng biết. Albania tiến đến chiếc vé dự giải đấu lớn lần đầu tiên nếu đánh bại Serbia. Không CĐV Serbia nào được xem, ngoại trừ 70 sinh viên Serbia đang học ở Albania. Dù vậy, xe chở đội Serbia vẫn bị các CĐV Albania ném đá. Còn Morina, đầu sáng thứ tư 7.10 đã bị bắt giữ, trong túi anh có khẩu súng và 30 chiếc vé xem trận bóng này. Anh bị bắt vì dùng súng trái phép. Và thật đau là anh không được xem trận bóng qua TV từ trại tạm giam.