Tô Thanh Tùng bao giờ cũng vậy, nói cười rổn rảng, sống phóng khoáng đúng như tính cách người miền Tây Nam Bộ. Ngay cả giờ phút này, khi ông đang nằm trên giường bệnh sau đợt hóa trị đầu tiên điều trị căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt, tác giả của Sao nỡ đành quên, Hồng Ngự mang tên em, Giã từ, Tiễn biệt, Tình cây và đất, Giăng câu… vẫn mang lại niềm vui cho người khác.
17 tuổi đã là nhạc sĩ nổi tiếng
Tôi biết Tô Thanh Tùng cách nay chừng 15 năm, không quá dài cho một mối quan hệ thân tình nhưng cũng chẳng quá ngắn đối với thời tuổi trẻ. Mỗi khi gặp nhau, cả nhóm chúng tôi gần 40 người tụ tập ăn uống, sáng tác và ca hát. Chúng tôi thường gọi Tô Thanh Tùng là Tô Lão Đại, một biệt danh nghe rất là... giang hồ kiếm khách !
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng trước khi bị bệnh Ảnh: KHẮC VĂN
Người sành nhạc đều biết đến nhạc sĩ Tô Thanh Tùng qua các bản nhạc điệu boléro nổi tiếng. Trước đây, tôi vẫn nghĩ nhạc Tô Thanh Tùng bình dân, ca từ dễ hiểu, tuy nhiên, có một lần được nghe bài Mẹ thì giật mình. Câu kết bài khiến người nhạy cảm thót cả tim: “Mẹ còng lưng, con đứng thẳng nên người”. Bắt đầu từ đó, tôi nghe nhạc Tô Thanh Tùng với một tâm thế khác!
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đại diện nhóm nghệ sĩ đến thăm và trao tặng nhạc sĩ Tô Thanh Tùng 100 triệu đồng để chữa bệnh và nhận lời tổ chức đêm nhạc cho ông. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
17 tuổi, Tô Thanh Tùng mon men đến với âm nhạc và tình yêu. Ông viết Giã từ khi đang ở tuổi bẻ gãy sừng trâu. Thời ấy, Tô Thanh Tùng ở Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Trong những ngày lang bạt kỳ hồ, chàng trai Tô Thanh Tùng đã gặp và yêu say đắm cô ca sĩ miệt vườn tên Thu Vân. Tùng viết Giã từ tặng Thu Vân, muốn Thu Vân thể hiện nên đã liên hệ với nhạc sĩ Lê Vinh, khi ấy đang phụ trách Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Sài Gòn để đưa tác phẩm này lên sóng. Theo luật bất thành văn, các ca sĩ xuất hiện trong chương trình này đều phải là những tên tuổi thành danh trong khi Thu Vân lại chưa có tiếng tăm gì. Nhưng Lê Vinh vì tình nghĩa sao đó mà “nhắm mắt làm liều”. Giã từ với tiếng hát Thu Vân trở thành hiện tượng đặc biệt vào năm 1971. Được cộng hưởng từ tình yêu với Tô Thanh Tùng, giọng ca Thu Vân da diết ám ảnh hàng triệu thính giả nghe đài. Lời ca với phong cách cổ điển boléro: “Tuổi đời chân đơn côi, gót mòn đại lộ buồn…” đã giúp tác phẩm đi cùng năm tháng. Thu Vân sau này đã vì tình yêu mà sinh tặng cho Tô Thanh Tùng một cô con gái nhưng họ không đến được với nhau.
Mỗi cuộc tình một tác phẩm để đời
Những cuộc tình của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng như gạch nối khiến nhiều quãng đời của ông liền mạch nhau. Tô Thanh Tùng “sát gái” theo đúng nghĩa của từ này và các mỹ nhân cũng tự nguyện theo ông mà không đòi hỏi bất cứ danh phận nào. Đời ông vì phụ nữ mà mất nhiều tiền bạc, chuyện đó cũng… đương nhiên thôi nhưng ông “lời” hơn những đấng mày râu khác ở chỗ cứ mỗi cuộc tình, ông đều có tác phẩm âm nhạc để đời. Sao nỡ đành quên cũng ghi dấu ấn bởi tình ái. Đó là năm 1965 khi Tô Thanh Tùng tạm biệt Hồng Ngự để lên Sài Gòn làm sinh viên trường luật. Kỳ nghỉ hè năm nhất, anh chàng về quê chơi, gặp cô gái chung xóm tên Tuyết. Hai bên tình ý với nhau thế nào mà Tuyết nằng nặc muốn cưới. Tô Thanh Tùng khi đó đang đi học, sao có thể ngưng ngang cưới vợ ở lứa tuổi quá trẻ vậy được, đành không dám. Không dám nhưng cũng áy náy ghê lắm! Đêm ấy về, Tô Thanh Tùng viết: “Sao anh nỡ đành quên bao lời tha thiết êm đềm…” coi như hoàn thành xuất sắc lời trách của cô hàng xóm!
Vẻ chất phác nông dân ở Tô Thanh Tùng ai cũng thấy nhưng ẩn trong đó lại có nét hào hoa của người nghệ sĩ. Có lẽ hiểu được tính cách này mà năm 1971, ông chủ tiệm băng đĩa tại Sài Gòn đã quyết định đặt Tô Thanh Tùng một khoản tiền lớn để viết bài hát cho nhạc Giáng sinh. Ông chủ này nói vì muốn có bài hát độc quyền ngày Noel nên muốn tạo sự riêng biệt, cần có gấp một bài kiểu “thời vụ”. Vậy là giữa những ngày nắng nóng ngột ngạt của Sài Gòn, với trí tưởng tượng tuyệt hảo, Tô Thanh Tùng đã viết: “Thành phố Jerusalem, trong một đêm lạnh giá giăng đầy…”. Nghe xong bài ca này, ông chủ tiệm rút ngay 15.000 đồng để trả tiền nhuận bút cho nhạc sĩ.
Muốn cuộc đời kết thúc có hậu
Tô Thanh Tùng có mảnh vườn và căn nhà nhỏ tại Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Nhiều năm nay, ông về sinh sống tại đây một mình và cuối tuần nào cũng lai rai vài ly với bạn bè. Cứ nhậu vô là cầm đàn guitar hát. Người đối ẩm hát, người không đối ẩm cũng hát. Có lần Tô Thanh Tùng kể các bài hát của ông dù có buồn, có mất mát, có ngậm ngùi thì bao giờ câu kết cũng không quá bi lụy. Ông muốn tình yêu như ly trà: qua đắng, qua chát sẽ giữ lại vị ngọt hậu đáng nhớ. Ví như Giã từ kết thúc là Người về trong thương nhớ. Người đi nhớ thương người. Hay như Tiễn biệt: “Chúc em phương đó có nhiều tương lai. Với bao mong nhớ đong đầy trên tay”.
Tô Thanh Tùng tuổi Giáp Thân, tướng tá to cao, “ăn sóng nói gió”. Ông sống nhiều năm nay bằng tiền tác quyền, mưu sinh cũng chẳng đến nỗi nào. Nhưng đến giờ thì mắc trọng bệnh nên có nhiều khó khăn. Xưa kia còn sức khỏe thì đi đi lại lại giữa Bình Dương - TP HCM như con thoi. Những bóng hồng cũng dập dìu tới lui. Giờ một mình quanh quẩn với cây cối và chống chọi với các cơn đau do bệnh đã di căn vào xương. Nhưng bất cứ lúc nào gọi điện cho Tô Thanh Tùng, ông vẫn cười nói “thấy thương” lắm. Ai biết được lúc nào người đi kẻ ở. Chỉ biết rằng luôn đối đãi cho nhau bằng tấm lòng tử tế là tốt rồi!
Từng là một “đại gia”
Tô Thanh Tùng của 15 năm trước đã hết rủng rỉnh tiền bạc và bây giờ thì đang lâm vào khó khăn bởi bao thứ tiền phải chi trả cho bệnh tật. Nhưng trước đó, Tô Lão Đại đã từng là “đại gia” trong ngành mua bán băng đĩa. Cửa tiệm của ông đặt ở đường Võ Văn Tần thuộc hàng lớn nhất nhì Sài Gòn. Vợ chồng ông hợp với nghề này, ăn nên làm ra nhưng lại sống không hơp nhau! Chẳng rõ năm nào thì cặp đôi này chia tay. Sau đó, Tô Thanh Tùng chỉ ở vậy một mình dù ông có “cô này cô khác”. Và hay nhất là sinh nhật của Tô Lão Đại cách nay một năm, tròn 70 tuổi, những đứa con của ông với vài phụ nữ đã cùng tới để chung vui. Dù sao ở đời “anh em tứ hải giai huynh đệ” còn được, huống chi cùng dòng máu. Tô Lão Đại khi ấy cười hề hề, giới thiệu các con với khách khứa. Chỉ duy có cô con gái lớn mà ông cưng như trứng mỏng đang ở Mỹ thường vắng mặt, ít khi tham dự các ngày vui của cha mình.