Đó là lời chia sẻ của ông Đặng Ngọc Sơn-Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh.
12 sở ngành cử cán bộ biệt phái chuyên trách
Không dừng lại ở những con số ấn tượng, Chương trình xây dựng NTM ở Hà Tĩnh đã đi vào chiều sâu. Tại các làng quê, chuyện hiến đất, mở đường đã trở thành phong trào rộng khắp, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Có được thành công này có sự đóng góp rất lớn của Văn phòng Ban điều phối NTM Hà Tĩnh.
Trao đổi với PV ông Trần Huy Oánh- Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Thời kỳ đầu triển khai thực hiện Chương trình NTM, tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định vào ngày 12.2.2011 thành lập Văn phòng Điều phối cấp tỉnh và cấp huyện.
Cán bộ Văn phòng Ban điều phối xây dựng trang web đưa các chính sách vay vốn trong xây dựng NTM đến người dân. Ảnh: Hữu Anh
Ở tỉnh biên chế cán bộ chuyên trách của chi cục PTNT và một số cán bộ công chức cấp phòng của các sở liên quan cử đến làm việc kiêm nhiệm. Ở cấp huyện thành lập tổ giúp việc cho ban chỉ đạo, biên chế do phòng NNPTNT hoặc phòng kinh tế cấp huyện kiêm nhiệm. Tuy nhiên mô hình tổ chức này hoạt động không hiệu quả.
Vì vậy, ngày 11.10.2011 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định về việc kiện toàn Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2010-2020 với cơ cấu tổ chức chánh văn phòng là giám đốc Sở NNPTNT và phó chánh Văn phòng Thường trực là phó giám đốc Sở NNPTNT.
Còn ở cấp huyện thành lập Văn phòng Điều phối trực thuộc UBND huyện do phó chủ tịch huyện làm chánh văn phòng và có ít nhất 2 cán bộ chuyên trách, cấp xã bố trí 1 cán bộ chuyên trách NTM. Sau khi Văn phòng Điều phối các cấp được củng cố, công tác tham mưu, điều phối thực hiện chương trình đã có hiệu quả rõ rệt, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Cũng theo ông Oánh, đặc biệt Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đi đầu có cách làm riêng khi quyết định điều động biệt phái 12 cán bộ công chức từ 12 sở, ngành đến công tác tại Văn phòng Điều phối theo chế độ chuyên trách. Vì vậy khi triển khai xuống các xã vướng mắc ở lĩnh vực nào có cán bộ của sở ngành đó xuống trực tiếp tháo gỡ ngay.
Hiệu quả cho thấy công tác phối hợp giữa các ban, ngành đoàn thể trong xây dựng NTM đã nhuần nhuyễn hơn. Từ đó Văn phòng Điều phối đã tham mưu giúp Ban chỉ đạo tỉnh phân công, điều phối công việc liên quan đến các ngành, kịp thời thông tin, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Không chỉ vậy việc huy động nguồn lực cũng tập trung và đúng hướng hơn.
Ban “nóng” nhất tỉnh
Trong những ngày cuối tháng 9, chúng tôi đến Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh không dễ gặp được lãnh đạo cũng như nhân viên. “Vì thời điểm này Hà Tĩnh đang chỉ đạo quyết liệt để 26 xã cuối năm 2015 về đích NTM. Các cán bộ ở đây đã xuống địa phương hết”- anh Đặng Đình Giang-Trưởng phòng Hành chính-Tổng hợp Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh cho biết.
Cũng theo anh Giang, gần 30 cán bộ trong văn phòng làm việc theo một guồng quay đã được phân công giao trách nhiệm rõ ràng. Thời điểm này mỗi cán bộ phụ trách một xã đăng ký về đích vào cuối năm 2015. Công việc của cán bộ văn phòng điều phối được phân công trực tiếp tuần 3 ngày về theo dõi đôn đốc, hướng dẫn tại các xã, cơ sở. Sáng thứ 6 hàng tuần mỗi cán bộ phải có báo cáo tiến độ của xã mình phụ trách cho lãnh đạo Văn phòng Điều phối.
Vừa trò chuyện anh Giang vừa lấy cuốn tài liệu ghi tiến độ từng tuần, từng tháng cho chúng tôi xem. Các thông số được cán bộ văn phòng trực tiếp xuống xã hướng dẫn, giám sát kiểm tra rất cụ thể, chi tiết từ kết quả thực hiện tiêu chí của 26 xã về đích trong năm này.
Cụ thể như tuần từ 21-27.8.2015, có 10 xã tăng được 21 tiêu chí, trong đó như xã Kỳ Thư huyện Kỳ Anh tăng được 4 tiêu chí gồm bưu điện, trường học, an ninh trật tự và tổ chức sản xuất… còn 16 xã trong tuần này không có tiêu chí đạt chuẩn tăng thêm.
Đặc biệt thông qua đánh giá các xã từng tuần Ban chỉ đạo NTM tỉnh đề ra các phương hướng cụ thể để hỗ trợ và chỉ đạo đưa các xã về đích. Anh Giang cho biết thêm, số liệu đánh giá thực tế này được cập nhật không chỉ ở xã, huyện biết mà lãnh đạo, các ban ngành trong tỉnh đều nắm được tiến độ các xã.
Theo Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM-Trần Huy Oánh, với tiến độ và công việc nhiều theo một guồng quay như vậy nên không chỉ lãnh đạo mà cán bộ trong văn phòng làm việc cả trưa, tối, thậm chí là cả ngày nghỉ thứ 7 và Chủ nhật.