Dân Việt

Chuyện về người thầy nông dân của tay vợt Vũ Thị Trang

Hoàng My 23/10/2015 14:00 GMT+7
20 năm qua, người nông dân già, cựu chiến binh Phạm Văn Vũ (thôn Cầu Chính, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) âm thầm bỏ tiền túi dạy cầu lông cho con em trong thôn. “Lò” của ông đã giúp thể thao Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung có được những tay vợt tài năng…

Thế giới cũng phải nể

Nói đến cầu lông Việt Nam những năm qua là nhắc đến Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang (hạng 61 thế giới). Chưa ai quên trong những thời khắc hạnh phúc nhất ở Singapore tháng 6 vừa qua, khi lần thứ hai liên tiếp giành HCĐ SEA Games cho cầu lông nước nhà, Trang vẫn nghẹn ngào nhớ tới thầy Vũ: “Thầy luôn nhắc nhở chúng em thể thao không bao giờ được tách rời văn hóa. Không có sức khỏe, làm sao có thể bước đi lâu dài trên con đường học vấn. Ngược lại, nếu có tài năng thể thao chắc chắn sẽ thông minh, học tốt”. Chẳng thế mà đến xã Tân Dĩnh, hỏi “thầy Vũ” ai cũng biết. Cái cách thầy dạy toán tại nhà và dùng toán học làm “mồi câu” những cậu bé, cô bé ham học mê luôn cầu lông đúng là có 1 không 2!

img

Thầy giáo, HLV cầu lông Phạm Văn Vũ  ươm mầm tài năng cho thể thao nước nhà. Ảnh: .  Hoàng My

Hữu xạ tự nhiên hương, tiếng lành của ông Vũ với “hàng thúng” huy chương mà các học trò giành được ở các giải đấu trong nước, quốc tế đã khiến Liên đoàn Cầu lông thế giới quyết định cử một đoàn phóng viên đến quay phim, làm phóng sự. Họ mong muốn có thể nhân rộng mô hình tuyệt vời này trên toàn cầu, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển cầu lông. Phóng sự này đã được phát tại các lớp Shuttle Time (dạy cầu lông cho trẻ em) trên toàn châu Á.

Đi qua hơn nửa cuộc đời, ngồi tâm sự với NTNN, ông Vũ kể: "Trước đây dân Cầu Chính nghèo mà còn quậy có tiếng, học hành ít ai quan tâm, thể thao càng chẳng ai để ý. Cả làng từ nhỏ đến lớn chỉ mải miết lao động, làm thuê, chẳng có đứa trẻ nào có ước mơ hay hoài bão gì khiến tôi buồn và trăn trở lắm. Vắt tay lên trán cả năm trời, lại được vợ ủng hộ nên tôi cắp sách đi học anh em bạn bè. Học kỹ năng sư phạm buổi sáng, buổi chiều tôi lại đến Trung tâm huấn luyện của tỉnh xin tài liệu về đào tạo cơ bản, các bài tập mới, lạ, xin tham gia vài khóa huấn luyện cả về kỹ thuật lẫn trọng tài cầu lông. Năm 1991, tôi bắt đầu triển khai kế hoạch của mình. Đến giờ, tôi tạm hài lòng về những “trái ngọt” mà mình đã gặt hái được”.

Cầu lông kết nối xóm làng

Bắt đầu bằng tấm HCĐ giải thiếu niên nhi đồng toàn quốc 1998 của Hà Thị Phương Thảo, bộ sưu tập huy chương của “lò” thầy Vũ ngày càng đồ sộ. Có thể kể đến những học trò tài năng như chị gái của Vũ Thị Trang là Vũ Thị Hải Yến, rồi Nguyễn Thị Sen, Lê Duy Nam...  

Nói về thầy Vũ, ông Nguyễn Trọng Bắc - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang hồ hởi cho biết: “Thầy đã biến Cầu Chính trở thành thôn điểm của xã Tân Dĩnh, trở thành “cái nôi” đào tạo cầu lông, cung cấp nhiều vận động viên tiềm năng cho tuyến năng khiếu của tỉnh.  Sau những Vũ Thị Trang, Nguyễn Thị Sen, chắc chắn Bắc Giang sẽ còn cho ra mắt nhiều tay vợt mạnh mẽ hơn từ “lò đặc biệt” của thầy Vũ”.

Trở lại quá khứ, năm 1991, ông Vũ đã quyết định san lấp mặt bằng tại mảnh vườn trước cửa nhà mình, hình thành một sân cầu lông và đón nhận các em nhỏ trong làng đến tham gia tập luyện. Ông cũng tự bỏ tiền mua vợt, mua cầu, mua giày cho các cháu. Không đủ tiền thì ông đi xin dụng cụ tập, giày cũ ở Trung tâm Thể thao Bắc Giang để trò dùng tạm: “Thời gian đầu cũng chẳng mấy ai cho con cái theo học. Toàn hàng xóm sang ủng hộ, coi như trông con cho họ đi làm đồng. Nhưng rồi học trò của tôi không chỉ chơi cầu lông giỏi mà còn đi thi toán cấp huyện, tỉnh đều có giải khiến niềm tin của phụ huynh tăng lên. Sau vài năm, lớp học của tôi đã lên đến cả trăm em. Không chỉ ở Tân Dĩnh mà người dân các xã lân cận cũng đến xin cho con mình theo học” - ông Vũ bộc bạch.

Mới đây, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Tân Dĩnh đã cho CLB cầu lông của thầy Vũ vào sinh hoạt tại nhà văn hóa. Điều đó giúp thầy trò ông không còn phải mưa nắng căng bạt tập cầu lông.