Đến nhiều địa bàn, ta dễ bắt gặp có quá nhiều đường dây dẫn điện của các hộ dân đan xen trong vườn nhà, hai bên đường, giăng mắc như lưới bẫy chim, được chống đỡ bằng đủ các loại cột xiêu vẹo, mục nát...
Chuyện gì sẽ xảy ra khi các “hệ thống” trụ, dây điện không an toàn này đứt rơi xuống đất, ao hồ, ruộng lúa… Trong khi có nhiều đường dây lại quá cũ với hàng chục mối hở. Ngoài ra, những đường dây này khi bắc qua đường đi lối lại đã không đủ độ cao an toàn theo quy định. Có nơi, khi vận chuyển củi hoặc gỗ rừng trồng phải luôn bố trí người đứng chống đỡ những đường dây điện như thế.
Hàng chục dây dẫn điện sà xuống sát mặt sông Kôn (Quảng Nam). Ảnh: Tiên Sa
Thực tế cho thấy, trong quá trình xây dựng các công trình (kể cả từ đô thị đến miền núi), nhiều nhà thầu thi công, mắc dây điện quá sơ sài, tùy tiện cẩu thả. Ngay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nêu qua cầu Sông Kôn (đoạn Km 46+250, đoạn qua huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) ta sẽ bắt gặp hàng “bó” dây dẫn điện sà xuống sát mặt đất, mặt nước sông trông rất rối rắm và nguy hiểm.
Anh Nguyễn Ba (40 tuổi) trú tại xã Ating, huyện Đông Giang, bức xúc cho hay: Nơi đây có rất nhiều đường dây dẫn điện sau công tơ không đảm bảo an toàn, bởi dây đã cũ lại thêm nhiều mối nối và sà xuống rất thấp, hoàn toàn nằm trong tầm tay của trẻ em, rất nguy hiểm, không biết đứt rơi xuống nước khi nào...
Thực trạng trên xảy ra đã lâu, trông như những cái “bẫy điện”. Đã có quá nhiều trường hợp tai nạn dẫn đến chết người rất thương tâm xảy ra do mạng lưới điện xuống cấp và sự thiếu ý thức, kiến thức, tuỳ tiện trong sử dụng điện của người sử dụng. Vì vậy đề nghị ngành chủ quản và chính quyền địa phương nhanh chóng xử lý, khắc phục, để phòng ngừa tai nạn xảy ra, nhất là đã vào đầu mùa mưa bão 2015.