Phân biệt chủng tộc ở Hollywood biểu hiện ngày càng rõ. Mới đây, các nhà làm phim Cậu bé Peter Pan đã chọn nữ Rooney Mara – nữ diễn viên da trắng vào vai công chúa Tiger Lily vốn được tạo hình và có gốc gác của người da đỏ bản xứ. Điều này đã dấy lên làn sóng phản đối của người hâm mộ về sự phân biệt màu da ở Hollywood. Thậm chí, có 94.000 ký tên vào một bản kiến nghị trực tuyến đề nghị không chọn các diễn viên da trắng vào các vai được tạo hình từ người da màu.
Việc Emma Stone được chọn vào vai nữ chính trong phim "Aloha" vốn được tạo hình từ một phụ nữ gốc da đỏ và Trung Quốc đã gây nhiều tranh cãi.
Peter Pan chỉ là một trong số ít các bộ phim mà nhà sản xuất luôn dành phần ưu ái cho các diễn viên da trắng. Hơn thế, những diễn viên không phải da trắng còn bị “tước đoạt” những vai diễn mà nhân vật vốn được tạo hình là người da màu chứ không phải da trắng.
Ridley Scott bị chỉ trích vì chọn nam diễn viên da trắng vào vai một vị vua Pharaon của Ai Cập trong phim Gods and Kings.
Phải kể đến các bộ phim mà diễn viên da trắng nắm gọn vai chính trong tay như Gods and Kings, The Lone Ranger, The Sands of Time hay bộ phim hài Aloha nổi tiếng mà hình tượng nhân vật đều là người phi da trắng. Điển hình như bộ phim Breakfast at Tiffany's (1961), đạo diễn chọn Mickey Rooney – nam diễn viên da trắng vào vai Yunioshi – doanh nhân người Nhật rõ ràng là người gốc Á.
Vì sao sự phân biệt chủng tộc ở Hollywood vẫn tiếp diễn và những diễn viên da màu vẫn hàng ngày phải chịu đựng sự bất công này? Theo Jeffery Mio, tác giả cuốn sách nghiên cứu về tâm lý học đa văn hóa cho rằng, những ông chủ trong ngành công nghiệp làm phim ở Hollywood chỉ thuê những diễn viên quen thuộc và làm việc với họ sẽ thoải mái hơn. Và một lý do khác không kém phần quan trọng đó là những ngôi sao da trắng như những thỏi nam châm hút khách cho các phòng vé và tấm vé đảm bảo doanh thu cao cho bộ phim.
Mickey Rooney vào vai doanh nhân người Nhật với hàm răng vẩu và cặp kính đít chai.
Tuy nhiên, thật không công bằng khi cho rằng chỉ khi bộ phim có các diễn viên da trắng đảm nhận vai chính thì mới hút khán giả. Will Smith, Denzel Washington, David Oyelowo đều là các diễn viên da màu đã mê hoặc biết bao khán giả và giành được những giải thưởng diễn xuất danh giá.
Giám đốc hãng phim Sony - Tom Rothman cho rằng, cần có sự cân bằng giữa các diễn viên da trắng và da màu trên màn ảnh để tạo sự đa dạng cho điện ảnh. Còn theo Guy Aoki, giám đốc và là sáng lập viên Mạng Lưới Hành Động Truyền Thông cho người Mỹ gốc Á (MANAA), hiện nay Trung Quốc đang trở thành thị trường phim ảnh lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Và nếu những bộ phim của Hollywood có nhiều diễn viên Mỹ gốc Á hơn thì họ sẽ đón nhận nồng nhiệt hơn vì như được thấy bản thân họ trên phim. Thế nên, cực kỳ vô lý khi cho rằng khán giả không chấp nhận diễn viên là người gốc Á.
Năm 2003, khi Johnny Deep vào vai chiến binh Tonto là người Mỹ bản địa trong phim The Lone Ranger đã có nhiều tranh cãi.
David White, Giám đốc điều hành Liên đoàn nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình, phát thanh tại Mỹ SAG-AFTRA quả quyết: “Các điều luật của Liên đoàn khẳng định chủng tộc không hề phản ánh phẩm chất, năng lực của một diễn viên và chúng tôi không ủng hộ việc ưu ái một diễn viên chỉ vì màu da của họ”. Mỹ là quốc gia đa văn hóa và Hollywood cũng không phải là ngoại lệ khi các tài năng điện ảnh của mọi màu da đều có cơ hội tỏa sáng ngang nhau.
Tuy nhiên, theo báo cáo hàng năm về sự đa dạng chủng tộc tại Hollywood của Đại học California cho thấy, trong năm 2003 có tới 94% số người trong hàng ngũ điều hành các hãng phim là người da trắng. Thêm vào đó, một số ít đại diện cho bộ phận sản xuất cả trước và sau ống kính vẫn là ngành công nghiệp da trắng. Vì thế, đợi cho đến khi Hollywood có sự thay đổi thì cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc ở Hollywood vẫn sẽ còn tiếp diễn trong những thập niên tới.