Dân Việt

NSND Thúy Mùi: "Đạo diễn chân đất" và "cuộc chơi" tìm khán giả

Quỳnh Nguyên 12/10/2015 14:26 GMT+7
Để chèo không lạc lõng giữa thời buổi hiện đại, để chèo được sống giữa thủ đô, không thể không nhắc đến NSND Thúy Mùi. 10 năm liền “cầm cương” Nhà hát chèo Hà Nội với những kế hoạch đầy táo bạo, Thúy Mùi đã chứng tỏ chị nói được, làm được, dần tìm ra ánh sáng cho một đường hầm tưởng chừng không có lối thoát.

“Đạo diễn chân đất”

Cũng phải hẹn mãi, phóng viên mới có thể gặp được NSND Thúy Mùi, bởi chị thường xuyên bận rộn. NSƯT Minh Vượng gọi chị là “đạo diễn chân đất”. Bởi lẽ, khi người ta thấy chị làm một nhà quản lý kinh tế quyết đoán, tháo vát, lúc lại thấy chị làm một nghệ sĩ chèo say nghề như lên đồng: chân đất, tóc búi tập kịch cho diễn viên là chuyện thường. Nhưng ở vai trò nào chị cũng khiến người khác yêu mến, nể phục.

img

NSND Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Thúy Mùi không lộng lẫy, hào nhoáng mà duyên dáng, đằm thắm dịu dàng như giọng hát của chị. Những ai yêu chèo đều biết tới giọng chèo đặc biệt của chị - giọng hát trời phú mê đắm lòng người. Có lẽ, chị là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi của làng chèo vẫn giữ được giọng hát đằm thắm, nuột nà ở cái tuổi tứ tuần.

Nhắc đến Thúy Mùi là nhắc đến chèo. Nghệ sĩ kể, chị “phải lòng” chèo một cách rất tự nhiên. Từ bé, chị đã sống trong không gian của chèo khi cả bố mẹ và bà nội đều biết hát chèo. Cha chị làm Trưởng ban Văn hóa xã nên chị có cơ hội để tiếp cận với những vở diễn, tích chèo cổ. Cố bé Mùi ngày ấy hay xin bố mẹ ra xem những buổi tập luyện của những anh chị lớn, những lúc rảnh rỗi Mùi tự ngồi hát chèo một mình, và tình yêu đến lúc nào không hay.

Có mấy ai còn nhớ, hơn 25 năm trước khi vở “Nàng Si-ta” của Đoàn chèo Hà Nội ra đời, đã gây chấn động trong làng chèo và nói như ngôn ngữ bây giờ là “tạo ra một cơn sốt trong lòng khán giả”. Quốc Chiêm và Lâm Bằng trở nên nổi tiếng. Khán giả mê cái sắc đẹp thiên phú, diễn xuất đài các của Lâm Bằng, mê cái giọng hát làm chao đảo cả không gian, mà ít người biết rằng cái giọng hát ấy là của Thúy Mùi “hát lồng” cho Lâm Bằng. Khi đó, đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã kết hợp sắc đẹp của Lâm Bằng với giọng hát của Thúy Mùi để tạo ra một Nàng Si-ta không dễ quên. Lâm Bằng ngày ấy được nổi tiếng, có công không nhỏ của Thúy Mùi.

NSND Thúy Mùi đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả yêu chèo với một số vai đào thương như Ỷ Lan trong “Lý Thường Kiệt”, nàng Mai trong “Người Thiên Đô”, rồi mẹ Đốp trong “Quan âm Thị Kính”. Đặc biệt, cái duyên đóng hài của chị luôn khiến mọi người cười nghiêng ngả bởi lối diễn tưng tửng, “diễn mà như không diễn”. Năm 2011, chị đã nhận giải vàng trong Liên hoan sân khấu toàn quốc với vai bà già ra thành phố trước sự “tâm phục, khẩu phục” của BGK cũng như của các bạn nghề. Dù vậy, Thúy Mùi không nhận mình là “hàng sao” trong đội ngũ nghệ sĩ chèo đất Bắc và còn ngại ngùng khi ai đó bảo chị là người nổi tiếng.

Giấc mơ về một “thánh đường” đích thực

Suốt cuộc nói chuyện, Thúy Mùi ít nói về mình, hay như cách chị bảo “nói về mình khó lắm”. Thế rồi, chị kể chuyện về chèo, chuyện đời chuyện nghề các anh em nghệ sĩ trong đoàn, chuyện những chuyến đi, những kế hoạch về chèo bấy lâu nay ấp ủ. Gặp Thúy Mùi là chỉ nghe chuyện say chèo mà thôi. Nhưng chị “say” với một sân khấu chèo không phải là sự giản đơn của tấm chiếu chèo trải giữa sân đình, mà phải là sự tái hiện đầy đủ, chính xác, tinh tế và hoành tráng. Điều đó lý giải tại sao chị mạnh dạn đầu tư ra tấm ra món như thế.

Từ “Oan khuất một thời” đến “Vương nữ Mê Linh”, hay gần đây nhất là “Long thành diễn xướng”, Thúy Mùi đầu tư tiền tỉ cho vở diễn, tiếp tục thực hiện dự án sân khấu học đường với vài chục tỉ đồng. Tôi hỏi: “Chị có nghĩ như thế là quá táo bạo không”, Thúy Mùi liền nói: “Ban đầu cũng nghĩ là mạo hiểm, sẵn sàng chịu lỗ hàng tỉ đồng. Nếu không thành công phải chấp nhận xếp xó, nhưng không thử thì sao mà biết” - Thúy Mùi cười. Tôi hiểu, đằng sau nụ cười tưởng nhẹ tênh ấy là một sự tính toán cả rồi.

img

Hình ảnh một trích đoạn trong “Long thành diễn xướng” (Ảnh: Đức Triết). Bắt đầu từ ngày 10.10, tại Nhà hát chèo Hà Nội, sẽ tổ chức biểu diễn “Long thành diễn xướng” hằng ngày thay vì cách 1 ngày như trước đây.

Thúy Mùi trải lòng: “Muốn đưa nghệ thuật chèo tiếp cận với khán giả hiện đại thì Nhà hát phải là “thánh đường” đích thực để kéo khán giả đến với mình. Phải làm sao để khán giả đã ra đến rạp thì phải công nhận chèo theo kịp thời đại”.

Chị cho biết thêm: “Chèo văn học nhưng cũng bác học lắm, thủ pháp của chèo tả ý tả thần không tả thực nên cách nói ý nhị, bóng bẩy. Người Việt hiểu được đã là một điều khó, người nước ngoài cần có sự nỗ lực và hỗ trợ rất nhiều nữa mới có thể đạt hiệu quả. Long thành diễn xướng ra đời sau khi có quá nhiều kinh nghiệm diễn cho nước ngoài rồi”.

Nhà hát Chèo Hà Nội đã cống hiến cho khán giả những đêm diễn tưng bừng, khán giả được chìm đắm trong không gian nghệ thuật chèo mới lạ, hiện đại mà vẫn đậm chất cổ được đan cài tinh tế. “Oan khuất một thời” còn được nhà hát đưa vào Sài Gòn để diễn phục vụ khán giả phía Nam. Suốt một tuần sáng đèn, Nhà hát TP.HCM luôn chật kín. Và trong hai vở đồ sộ ấy, Thúy Mùi trực tiếp đạo diễn một vở - “Vương nữ Mê Linh” - vở diễn giành HCV cùng giải Đạo diễn xuất sắc trong Liên hoan chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013. Thúy Mùi bảo may mắn vì Nhà hát chèo Hà Nội hiếm hoi vẫn giữ được sân khấu luôn đỏ đèn.

Nhưng có một trăn trở cứ âm ỉ mãi không thôi trong tâm trí chị, NSND Thúy Mùi tâm sự: “Khán giả của chèo đang cạn dần. Những người 70-80 tuổi thích chèo nhưng không đủ sức để đến rạp. Lứa tuổi 30-50 thì quá bận rộn mưu sinh. Đây là là thực tế đau buồn nhất của sân khấu chèo hôm nay và mai sau. Nếu không đi tìm khán giả thì sau chừng 5-10 năm nữa chèo sẽ không còn ai đến xem”.

Chị đã lao vào “cuộc chơi” đi tìm khán giả tương lai, nhắm tới các dự án sân khấu học đường. Đây có thể coi là một trong chiến lược dài hơi của Nhà hát để xây dựng đội ngũ khán giả dài lâu cho chèo. Thúy Mùi nhận định: “Chỉ có những ai từng một lần xem qua chèo, từng yêu chèo rồi mới yêu chèo được. Nên phải cực kỳ chú trọng đến đối tượng tương lai của nghệ thuật chèo. Hướng đến sân khấu học đường người nghệ sĩ sẽ liên tục được đốt lửa, lúc nào cũng có sự đồng sáng tạo giúp cho phong cách, tinh thần nghệ sĩ được tăng thêm, đưa chèo gần gũi với khán giả hơn. Khi nghệ sĩ có đời sống, tác phẩm có đời sống, nhà hát sẽ luôn luôn được đỏ đèn”.

Cùng các chương trình của Cục nghệ thuật biểu diễn giao cho nhà hát, Thúy Mùi còn tiến hành dựng vở cho thiếu nhi nhân ngày 1-6, rằm Trung thu, dịp hè. Ðể thêm cuốn hút người trẻ, chị mời NSƯT Minh Vượng cộng tác và dựng những câu chuyện cổ tích nổi tiếng để các em được kể cùng nghệ sĩ. Thúy Mùi hào hứng: “Thấy các em vui một, mình vui mười. Hy vọng từ đây nghệ thuật chèo sẽ ngấm vào máu thịt các em để sau mươi - mười lăm năm nữa các em chính là chủ rạp trong mỗi đêm vang vọng trống chèo”.

Những chuyến xê dịch có một không hai

Chục năm nay, ở cương vị giám đốc của một nhà hát nghệ thuật nơi có cả trăm nghệ sĩ, Thúy Mùi phải dẹp đi cái riêng để lo cho cái chung. Mùi quan tâm đến mọi người và coi nhà hát là ngôi nhà chung của tất cả mọi người. Thúy Mùi bảo, nghệ sĩ là yếu tố quan trọng và quyết định nhất trong chèo nên đã là nghệ sĩ thì không thể úi sùi, tạm bợ. Nghệ sĩ càng không thể đói, không thể khốn khổ về vật chất. Có thực mới vực được đạo. Bởi thế, lúc nào người ta cũng thấy chị tất bật với bao kế hoạch, dự án, đôn đáo nghĩ cách xoay xở cho nghệ sĩ của mình có những buổi biểu diễn liên tục.

Người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé, thướt tha ấy đã thúc đẩy và vận hành bộ máy cồng kềnh vào guồng quay đều đặn. Những hợp đồng được kí kết, diễn viên làm việc hết công suất. Giờ đây, ngoài 2 rạp là Đại Nam trên phố Huế và rạp trên đường Nguyễn Đình Chiểu thường xuyên đỏ đèn, chị còn đưa các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Hà Nội đi tỉnh. Như dân gian ta có câu “Nhị đàn nửa gánh diễn viên một đoàn”. Các nghệ sĩ đi hầu hết các tỉnh, thành biểu diễn phục vụ bà con, trong đó có cả các trại giam từ miền núi Tây Bắc tới mũi Cà Mau.

Chị Thúy Mùi kể lại, chị ấn tượng nhất là lần diễn tại trại giam Cái Tàu (Cà Mau). Chương trình bắt đầu sớm, từ 7h tối. Trước giờ diễn, các nghệ sĩ cứ băn khoăn không biết chèo có được khán giả ở quê hương cải lương yêu thích không. Ai ngờ, diễn xong một vở, cán bộ chiến sĩ vỗ tay rần rần, yêu cầu diễn tiếp. Đêm diễn đó dài tới 4 tiếng liền. Nhiều chiến sĩ chia sẻ: Không biết chèo lại hay đến thế. Rồi cũng có lần, sau khi diễn xong, một phạm nhân nói rất cảm động: “Nhân vật trong vở diễn giống em ngoài đời quá. Em sẽ cố gắng để làm lại cuộc đời như nhân vật”. Thế là trong 3 ngày đoàn lưu diễn tại đơn vị, phạm nhân đó vẽ xong một bức tranh sơn dầu để tặng đoàn.

Chia sẻ về anh em nghệ sĩ trong đoàn, NSND Thúy Mùi nói: “Nghệ sĩ nhạy cảm lắm, họ là người có dư thừa cảm xúc và cái Tôi to đùng. Đôi khi, có sai cũng chả dám to tiếng, mà mắng lại phải mắng yêu cơ. Nghệ sĩ mà, dễ tổn thương nên chuyện ứng xử với họ cần tinh tế. Khéo léo là một chuyện, còn cần sự chân thành. Bản thân Thúy Mùi là nghệ sĩ, nên hiểu, có lẽ lợi thế hơn rất nhiều”.

Chia tay chúng tôi, chị bảo: “Nếu một mình thì sẽ chẳng thể làm gì được, Thúy Mùi may mắn có được sự ủng hộ của anh chị em nghệ sĩ. Gia đình nghệ sĩ thì thiệt thòi rồi, đôi lúc cũng áy náy lắm nhưng người bạn đời luôn thấu hiểu, cảm thông, những đứa con ngoan, tự lập luôn đi bên cạnh sẻ chia giúp mình cũng an tâm tung tẩy với nghề”.

Vinh dự là 1 trong 10 công dân ưu tú thủ đô năm 2015

“ Vừa qua, NSND Trịnh Thúy Mùi vinh dự được Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú”. Thúy Mùi chia sẻ- Bản thân chị khá bất ngờ và cũng thấy may mắn khi được sống ở môi trường tốt, được sở hữu số lượng lớn các nghệ sĩ tài năng. Nhưng Thúy Mùi không nghĩ danh hiệu này đạt được một cách dễ dàng của riêng Thúy Mùi mà là quá trình phấn đấu nỗ lực cả của tập thể nhà hát Chèo. Thúy Mùi luôn cảm giác mình chỉ là người đại diện để nhận danh hiệu này mà thôi”.