Đây là phát hiện trong nghiên cứu Thực trạng đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ sau ly hôn, do Trung tâm Hỗ trợ các chương trình phát triển Xã hội (CSDP) công bố ngày 12.10.
Không chốn dung thân
Hơn chục năm nay, chị Phan Thị Lên (xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) còng lưng chịu những trận đánh của chồng. Con chị cũng từng bị bố đánh gần chết. Tòa án kết tội ông chồng ấy 18 tháng tù giam nhưng ra tù anh ta lại chứng nào tật đấy. Chị đã 2 lần ôm con bỏ chạy, một lần vào tận Long An nhưng rồi mấy mẹ con không chịu nổi cảnh ở trọ úi xùi, ẩm mốc nên lại phải quay về. Bị chồng đánh đến phát sợ, chị cũng có một lần vùng lên đòi ly hôn. Vì muốn chạy trốn khỏi hung thần cho nhanh, cũng chẳng ai tư vấn, khuyên bảo gì nên chị vội vã ghi “tự thỏa thuận tài sản”, chẳng cần gì ngoài các con.
Không có nơi nào để ở, các con không chịu được cảnh vạ vật, cuối cùng chị lại quay về sống với chồng cũ, lại trót có thêm đứa con thứ 4 với anh ta. Chị sợ hãi: “Tôi rất sợ hãi, đau đớn nhưng mẹ con tôi chẳng có nơi nào để đi”. Chị Lên có muốn bán nhà, “cưa đôi” với chồng thì cũng chả ai thèm mua. Nhà cũ dột, chồng cũ vừa ra tù, họ hàng nhà chồng cứ thấy người lạ là chửi bới, người nào cũng sợ.
Chị Thới Thị Thu Hương và con chỉ có thể đứng ngoài căn nhà mình đã từng sống cho đỡ nhớ. Ảnh: Đức Hoàng
Chị Thới Thị Thu Hương (sinh năm 1979, trú tại xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng ra đi tay trắng. Trong thời gian chung sống, anh chị đã tích góp mua được một mảnh đất 200m2, và xây được ngôi nhà chừng 60m2, hiện anh Đức – chồng cũ của chị vẫn đang ở. Chồng chị kiên quyết không đi chỗ khác. Nhà còn có 2 con bò và 1 con nghé, tuy tòa chia đôi nhưng khi quay về chồng cũ đã lấy 2 con bò, chỉ cho chị con nghé. Chị gửi đơn yêu cầu toà “chia nhà” nhưng sau đó lại rút đơn. Chị sợ chồng cũ trả chị vài chục triệu thì đến kiếp nào chị mới có nhà cho con. Còn nếu chồng cũ bắt chị trả tiền thì chị cũng đào đâu ra. Vì thế, chị vẫn cứ chờ đợi “sự hào phóng” của anh ta.
Ông Lê Quốc Hùng - Giám đốc CSDP cho biết, đó là những câu chuyện có bối cảnh khá giống nhau trong hàng chục cuộc đời mà nhóm nghiên cứu đã chia sẻ. Gia cảnh dù có “chút xíu” khác nhau nhưng “đặc điểm chung” thì to tướng: Ly hôn, ôm con “bỏ chạy”, ra khỏi nhà tay trắng, không đòi được tài sản sau ly hôn, cuộc sống cùng cực, khó khăn, công việc thu nhập thấp hoặc thất nghiệp, không nhận được trợ cấp nuôi con của chồng. Cũng không ít trường hợp muốn nhờ cậy pháp luật tranh đấu quyền lợi cho mình nhưng không biết viết đơn thế nào, trình đơn cho ai, cũng chả hiểu rõ quyền của mình là gì.
“Thỏa thuận” thiệt thòi
" Việc thi hành án quá lâu cũng đẩy phụ nữ ly hôn vào túng quẫn. Hầu hết các vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn kéo dài 3-4 năm. Trong thời gian bơ vơ chờ thi hành án đó, phụ nữ vì tránh va chạm với gia đình chồng, tránh bị chồng cũ đánh nên thường lánh nạn ở ngoài, hoặc thuê nhà, hoặc ở nhờ, sống tạm bợ, cực khổ”. |
Theo số liệu của ngành thi hành án tỉnh Long An, từ tháng 10.2014 đến tháng 9.2015, cả tỉnh có 4.554 vụ án hôn nhân gia đình, (95% là án ly hôn). Trong đó có 1.231 án theo đơn yêu cầu (chủ yếu liên quan đến chia tài sản) nhưng mới thi hành được 158 bản án, có 144 vụ liên quan đến tài sản nhà đất. Còn ở Quảng Ngãi có 1.585 vụ ly hôn, 414 vụ có đơn yêu cầu thi hành án, đã thi hành 161 vụ, 45 vụ liên quan đến đất đai.
Ông Phạm Hải Bình – thành viên tổ nghiên cứu cho biết, tuy là nghiên cứu định tính, số lượng người được nghiên cứu chưa nhiều nhưng có thể nhận thấy một thực trạng: Nhiều phụ nữ bị chồng đánh đến mức kinh sợ thường có mong muốn “thoát thân” cho nhanh nên dễ dàng chấp nhận việc tự thỏa thuận chia tài sản theo hướng dẫn/tư vấn của tòa án vì việc đó giúp giải quyết nhanh thủ tục ly hôn, thủ tục đơn giản, không tốn kém chi phí (cả chi phí chính thức và không chính thức liên quan đến quá trình giải quyết phân chia tài sản).
“Phụ nữ có xu hướng chấp nhận ly hôn bằng mọi giá, không nhà, không đất ở, thậm chí không đất sản xuất. Đó là vì họ chịu đựng bi kịch quá lớn, đến giờ bùng phát chỉ muốn được giải thoát cho nhanh. Mối quan tâm này quá lớn khiến cho họ không chú ý đến việc phân chia tài sản sau ly hôn, đến khi sực tỉnh thì đã ký vào thỏa thuận tài sản một cách dại dột” – ông Bình cho biết.
Theo ông Hùng, không ít thẩm phán để nhẹ nhàng trong công việc xét xử đã hướng người đứng đơn ly hôn (đa số là phụ nữ không chịu nổi bạo lực gia đình): Cứ giải quyết thủ tục hôn nhân và con cái, còn tài sản sẽ tự thỏa thuận hoặc chuyển sang vụ kiện dân sự khác. Trong khi đó việc ly hôn có 3 vấn đề cần giải quyết cùng lúc (quan hệ hôn nhân, quan hệ tài sản, quan hệ con cái). Nếu phụ nữ “bùi tai” nghe theo, sau ly hôn mới khởi kiện đòi tài sản thì thường không thành công hoặc sau đó tài sản đã bị chồng tẩu tán hết.
Một cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết: “Tòa án thường hướng dẫn tách án ly hôn và chia tài sản riêng, có tranh chấp về tài sản thì sẽ xử lý sau, nhưng từ khi tôi làm chưa gặp trường hợp nào gửi đơn lên tòa để đòi chia tài sản sau ly hôn cả”. Đại diện Hội Phụ nữ huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cùng là đại biểu Hội thẩm nhân dân cho biết, ước tính đến 90% các vụ ly hôn có chia tài sản được hướng dẫn tự thỏa thuận.
Nghiên cứu Thực trạng đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ sau ly hôn do CSDP và nhiều tổ chức thuộc LANDA (Liên minh đất đai) thực hiện đã được tiến hành trên nhiều xã thuộc tỉnh Long An và Quảng Ngãi. Có 143 người được phỏng vấn (cả phụ nữ ly hôn, người có liên quan, đại diện tòa án, hội phụ nữ…). |