Theo ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai, nước sông Hồng đột ngột dâng cao là do lũ đổ về vì Trung Quốc xả lũ với lưu lượng xả 2.500 m3/giây, vị trí xả lũ của Trung Quốc cách TP Lào Cai 100 km về phía Bắc.
Ông Hải cho biết theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc, cơ quan khí tượng thủy văn 2 bên thường xuyên trao đổi thông tin. Cụ thể, số liệu quan trắc thủy văn sông Hồng được trao đổi 4 lần/ngày. Tuy nhiên, các thông báo này chỉ đưa ra thông số lưu lượng nước chứ không nói là có xả lũ hay không.
Chiều 12-10, ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói Việt Nam và Trung Quốc mới chỉ trao đổi thông tin quan trắc, thủy văn giữa các trạm thủy văn khu vực biên giới trên lưu vực sông Hồng và sông Kỳ Cùng, còn quy chế phối hợp về cung cấp thông tin xả lũ thì chưa có. Muốn đạt được quy chế phối hợp xả lũ trên sông Hồng thì phải làm việc ở cấp quốc gia chứ cấp bộ không có thẩm quyền.
Nước sông Hồng (đoạn qua tỉnh Lào Cai) dâng cao do phía Trung Quốc xả lũ kèm theo mưa lớn Ảnh: HỒNG THẢO
Theo GS-TS Hà Văn Khối, Trường ĐH Thủy lợi, sông Hồng chảy qua Trung Quốc, Việt Nam, Lào. Trung Quốc đang khai thác mạnh nguồn tài nguyên nước ở thượng nguồn. Hàng loạt hồ chứa mới được xây dựng đưa vào vận hành để khai thác thủy điện. Riêng trên sông Lô và sông Gâm có ít nhất 8 hồ chứa với tổng công suất lắp máy khoảng 2.300 MW, trong đó có 3 hồ chứa lớn là Mã Đường (400 MW), Bi Thủy (278 MW), Nam Cổn (1.500 MW). Nếu xả nước đột ngột từ phía Trung Quốc sẽ gây nguy hiểm cho các hồ chứa trên sông Đà của Việt Nam.
GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho rằng không có quy chế phối hợp để có thông báo xả lũ kịp thời trên hệ thống thượng nguồn sông Hồng phía Trung Quốc là điều rất nguy hiểm đối với Việt Nam. Với lưu lượng xả lũ từ phía Trung Quốc đạt mức 2.500 m3/giây như những ngày qua, nếu là mùa lũ thì hậu quả sẽ khó lường và rất nguy hiểm.
Đồng quan điểm, ông Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho biết thêm trên thượng nguồn sông Hồng phía Trung Quốc có 2 nhà máy thủy điện lớn là Namsa và Mađusan. Ngoài ra, còn có khoảng 20 đập nước lớn nhỏ khác nhau. Với số lượng thủy điện và các hồ đập này, phía thượng nguồn sông Hồng chứa khoảng 49% tổng lượng nước trên sông Hồng. Vì thế, cần có trao đổi cấp chính phủ giữa 2 nước để có cơ chế hợp tác cung cấp thông tin nhiều hơn về các vấn đề này.
Không loại trừ mưa lớn khiến các hồ của Trung Quốc phải xả lũ cấp tập. Do đó, nếu không có thông tin về quy trình vận hành hay cảnh báo xả lũ sớm thì sẽ cực kỳ nguy hiểm bởi Việt Nam ở phía hạ lưu” - ông Đào Trọng Tứ nói. |