Điều cốt lõi trong nghiên cứu của Deaton là đo lường thay đổi trong hành vi của người dân nếu chính phủ tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên thực phẩm. Rồi rút ra kết quả tổng hợp dựa trên đánh giá từng cá nhân để xem những thay đổi chính sách đó ảnh hưởng đến hàng triệu người như thế nào.
Nhà kinh tế học Angus Deaton.
Ủy ban giải thưởng cho rằng phân tích này ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạch định chính sách, giúp xác định các nhóm xã hội bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế VAT.
“Để thiết kế chính sách kinh tế có thể thúc đẩy phúc lợi và giảm đói nghèo, chúng ta trước tiên phải hiểu các lựa chọn tiêu dùng của cá nhân. Hơn ai hết, Angus Deaton đã tăng cường hiểu biết này”, ủy ban giải thưởng nói khi công bố giải trị giá 8 triệu crown Thụy Điển (khoảng 978.000 USD).
“Bằng cách liên kết lựa chọn chi tiết của từng cá nhân với kết quả tổng hợp, nghiên cứu của ông ấy đã giúp thay đổi lĩnh vực kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô và kinh tế phát triển ”, ủy ban giải thưởng đánh giá.
Cuốn sách The Great Escape: Health, Wealth and the Origins of Inequality của Deaton cho rằng sự phân tích phức tạp hơn trên dữ liệu kinh tế chỉ ra rằng, hầu hết mọi người trên thế giới hưởng lợi về mặt chăm sóc y tế và và phúc lợi khi kinh tế tăng trưởng, nhưng còn nhiều nhóm khác bị bỏ qua.
Deaton là tác giả của thuyết Nghịch lý Deaton, dựa trên quan sát sự trơn tru quá mức của tiêu dùng khi đối mặt với những cú sốc lâu dài về thu nhập. Ngoài phân tích về hành vi của các hộ gia đình ở tầm vi mô, các lĩnh vực nghiên cứu của Deaton còn bao gồm đo lường về đói nghèo trên phạm vi toàn cầu, dưới khía cạnh kinh tế học sức khỏe và phát triển kinh tế.
Sinh ra tại Edinburgh, Anh, ông Deaton mang hai quốc tịch Anh- Mỹ và đang là giáo sư kinh tế học và các vấn đề quốc tế tại ĐH Princeton, Mỹ.
Nhà Kinh tế học 69 tuổi này đã đánh bại ông Richard Blundell, giáo sư ngành kinh tế học chính trị tại Đại học London, người trước đó được coi là ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Nobel Kinh tế năm nay sau khi được trích dẫn trong nhiều bài báo khoa học trong năm qua vì công trình nghiên cứu về tiền công giảm và nhu cầu tiêu dùng.