Dân Việt

Từ vụ Trung Quốc xả lũ trên sông Hồng: Rà soát ngay quy chế phối hợp thông tin

Thanh Xuân (Thực hiện) 14/10/2015 11:36 GMT+7
Như Dân Việt đưa tin, từ ngày 10.10 Trung Quốc (TQ) đã tiến hành xả lũ ở thượng nguồn sông Hồng, dẫn đến mực nước sông Hồng đoạn chảy qua tỉnh Lào Cai dâng cao, gây thiệt hại về hoa màu ven sông của nông dân. Nhiều người quan tâm là Việt Nam sẽ làm gì để đối phó với những đợt xả lũ tương tự trong thời gian tới từ phía TQ?

Hôm qua 13.10, trao đổi với Dân Việt, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: Hiện chúng ta hoàn toàn có thể thống kê được hết các hồ đập thuỷ điện phía thượng nguồn của TQ và có hẳn đề án đề phòng ngừa các rủi ro khi có sự cố xảy ra.

Ông đánh giá như thế nào về sự việc vừa qua TQ xả lũ khiến nước sông Hồng tại Lào Cai dâng cao, khiến nhiều người dân lo ngại?

- Việt Nam chúng ta có nguồn sông chung với nhiều nước trong khu vực và chúng ta đều có các hoạt động chia sẻ thông tin để cảnh báo trước mỗi khi có lũ và xả lũ. Chẳng hạn như mỗi khi xả lũ từ Thủy điện Ialy, chúng ta đều báo trước cho Campuchia biết, vì nước sẽ đổ dồn về các sông suối phía hạ du của họ. Tôi đã gặp ông Bộ trưởng phụ trách thiên tai Campuchia và họ nói chúng ta đã làm rất tốt về vấn phối hợp và thông báo thông tin cho phía họ.

img

Nước sông Hồng dâng cao đoạn qua xã Bản Vược, huyện Bát Xát, Lào Cai. Ảnh: T.L

Đối với phía TQ, chúng ta cũng có một số dòng sông chung với họ, nhất là sông Hồng vấn đề cũng tương tự và Chính phủ đã giao Bộ TNMT quản lý vấn đề này để hình thành cơ chế trao đổi và có văn bản gửi phía bạn về cơ chế phối hợp thông tin. Còn các sông đổ về TQ như sông Kỳ Cùng hay các sông khác ở phía Bắc thì chúng ta cũng đã cố gắng thông tin nếu có vấn đề xả lũ xuống hạ du phía họ.

Ông có thể cho biết cụ thể cơ chế thông tin và phối hợp giữa nước ta và TQ trong trường hợp này, vì có thông tin cho rằng đợt xả lũ vừa qua TQ cũng có báo trước cho ta, nhưng báo trước bao lâu thì chưa được làm rõ?

- Tôi cho rằng, qua đợt xả lũ này của phía TQ, cần kiểm tra lại xem quy chế phối hợp đã đầy đủ chưa. Theo tôi nắm được, hiện chúng ta đã có quy chế, nhưng thời gian, khoảng cách trong mưa lũ giữa phía bạn và chúng ta là hơi xa, nên phải có cơ chế cụ thể là thông báo trước cho nhau  bao lâu. Tôi nghĩ cũng phải rà soát lại quy chế này.

Chúng tôi cũng đề nghị sự phối hợp giữa các tỉnh sát biên giới cần chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam (TQ); tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Tây (TQ)... Cơ quan chức năng của các tỉnh cũng phải tham mưu cho các lãnh đạo tỉnh cần phải bàn đến cơ chế phối hợp trong những vấn đề này.

Về phía các cơ quan chức năng của Việt Nam, chúng ta cũng cần tăng cường mạng lưới quan trắc, đo đếm sát biên giới để khi nhận được những thông tin sẽ phản hồi lại với phía bạn và cảnh báo với phía hạ du để có giải pháp kịp thời ứng phó. 

Xin hỏi cụ thể hơn là với đợt xả lũ hôm 11.10 của phía TQ, chúng ta có bị bất ngờ không?

img

"Theo thống kê, TQ có rất nhiều hồ, đập thủy điện ở thượng nguồn các sông chảy vào Việt Nam, như trên sông Lô có Thuỷ điện Ma Lù Thàng với dung tích 150 triệu m3; trên sông Hồng có khoảng 5 đập thuỷ điện. Rất nhiều các bộ trưởng đã sang tận nơi và tận mắt chứng kiến các hồ thuỷ điện này. Việt Nam đã có đề án phòng ngừa rủi ro khi sự cố về hồ, đập xảy ra”.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng

- Qua trao đổi của chúng tôi với tỉnh Lào Cai, lãnh đạo tỉnh nói có nhận được thông tin trước về việc TQ sẽ xả lũ. Tuy nhiên chúng tôi phải kiểm tra lại. Chúng tôi cũng đang trao đổi với Bộ TNMT để rà soát lại vấn đề này.

Tôi cho rằng, Bộ TNMT là cơ quan được giao quản lý về vấn đề này cần xem xét rà soát lại cơ chế phối hợp thông tin. Tôi nghĩ có 2 kênh có thể phối hợp thông tin tốt, ở góc độ Chính phủ là Bộ TNMT thực hiện và kênh còn lại là do địa phương thực hiện.

Hơn nữa, theo quy định của luật pháp quốc tế, cũng có quy định về chia sẻ thông tin giữa các quốc gia.

Các chuyên gia cho rằng, không chỉ vướng mắc về cơ chế phối hợp thông tin mà thực tế khi TQ xây đập cũng không thông báo cho Việt Nam, nên hiện chúng ta không thể thống kê được hết các đập ở thượng nguồn?

- Tôi có thể khẳng định, chúng ta hoàn toàn có thể thống kê được hết các đập mà TQ đã xây dựng và có hẳn Đề án để phòng ngừa các rủi ro khi có sự cố xảy ra.

Do TQ chưa tham gia Ủy hội sông Mekong, nên họ quy hoạch tới 14 hồ đập thuỷ điện phía thượng nguồn Mekong và đang làm 6 hồ. Ủy hội sông Mekong đang đề xuất TQ tham gia, nhưng đến nay TQ và Myanmar vẫn chưa nhận lời. Còn với sông Hồng và sông Lô thì cả hai bên đều chưa xây dựng thành các Ủy hội sông Hồng hay sông Lô, nhưng vẫn có cơ chế phối hợp thông tin.

Thực tế là TQ có rất nhiều nhà máy thuỷ điện và hồ đập ở thượng nguồn, vậy đề án như ông nói đề ra những giải pháp gì để ứng phó nếu tình trạng vỡ đập xảy ra?

- Không chỉ TQ, mà cả Việt Nam, trên các hệ thống sông khi xây dựng các hồ đập theo chuỗi là phải đánh giá tác động phía trên xuống phía dưới. Do đó, khi xây dựng các hồ đập ở Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu… chúng ta đã đánh giá hết các vấn đề này.

Tất nhiên, mình phải tính rủi ro thiên tai bằng rất nhiều giải pháp. Như giải pháp xây dựng công trình phải tính cả nguy cơ rủi ro xảy ra, đặc biệt là phải tính đến dung tích. Ngoài ra, cần có giải pháp phi công trình, nâng cao khả năng cảnh báo sớm để nhận biết được mưa lũ phía thượng nguồn, từ đó cảnh báo cho phía hạ du để có giải pháp chủ động kiểm soát rủi ro.

Xin cảm ơn ông!

Có thể mất 3-5% GDP vào năm 2030 do thiên tai

Nhân Kỷ niệm ngày quốc tế giảm nhẹ thiên tai (13.10), hôm qua Bộ NNPTNT đã tổ chức một hội nghị về chủ đề giảm nhẹ và phòng tránh thiên tai.

Theo thống kê, số thiệt hại về con người do thiên tai gây ra ở Việt Nam những năm qua có giảm nhưng về tài sản lại tăng, trung bình mất 1,5% GDP/năm và dự báo tổn thất do thiên tai gây ra có thể lên đến từ 3-5% GDP vào năm 2030.